VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/12/2024 23:23:12
CHÍNH SÁCH CỦA VIỆT NAM
VỀ KHUYẾN KHÍCH HOẠT ĐỘNG SÁNG CHẾ VÀ KHAI THÁC SÁNG CHẾ
Phạm Hồng Quất*, Trần Giang Khuê**, Nguyễn Thanh Bình***
*CHUYÊN VIÊN Phòng Pháp chế - Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
**CHUYÊN VIÊN Văn Phòng 2, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
*** Trưởng Văn Phòng 2, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
TÓM TẮT
Cùng với sự phát triển và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo các chuẩn mực của WTO, trong những năm gần đây Chính phủ Việt nam đặc biệt quan tâm đến hoạt động sáng chế tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học – công nghệ.
Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép các tổ chức nghiên cứu công lập có tự chủ trong việc tổ chức nghiên cứu tạo ra sáng chế, đăng ký bảo hộ sáng chế và khai thác sáng chế. Đồng thời, bằng phương thức phân chia quyền và lợi ích hợp lý, những người làm chính sách mong muốn tạo ra một cơ chế mới thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng chế và khai thác sáng chế thông qua hoạt động hợp tác giữa tổ chức nghiên cứu công lập và khu vực tư nhân. Một nội dung quan trọng khác của chính sách sáng chế là hoạt động thương mại hoá sáng chế được tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước.
Trong khuôn khổ chính sách đổi mới hoạt động khoa học-công nghệ, những quy định mới có tính đột phá đã được ban hành nhằm trao quyền tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu – triển khai, các doanh nghiệp khoa học – công nghệ và các doanh nghiệp dịch vụ khoa học- công nghệ. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cũng có nội dung quan trọng về hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tạo ra sáng chế, đăng ký bảo hộ sáng chế và khai thác sáng chế. Mô hình tổ chức tư vấn sở hữu trí tuệ của trường đại học hiện đang được xây dựng và triển khai tại một số trường đại học công lập. Những vấn đề cụ thể được giải quyết trong các chính sách nêu trên được trình bày dưới đây.
1. Trao quyền đăng ký sáng chế, quản lý khai thác sáng chế cho tổ chức chủ trì dự án nghiên cứu
Khoản 1 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc xác định người có quyền đăng ký sáng chế, bao gồm:
- Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
Khoản 2 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể việc xác định quyền đăng ký đối với sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Chính phủ quy định cụ thể điều này tại Điều 9 Nghị định 103/2006/ND-CP ngày 22/9/2006 (“Nghị định 103”) như sau:
- Đối với sáng chế được tạo ra chỉ do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật và kinh phí của nhà nước thì về nguyên tắc, quyền đăng ký sáng chế thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước không trực tiếp thực hiện quyền này mà tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ đầu tư của dự án nghiên cứu tạo ra sáng chế đó sẽ trực tiếp thực hiện quyền đăng ký nói trên. Tổ chức đó sẽ được phép đứng tên Chủ Bằng độc quyền sáng chế khi sáng chế đủ điều kiện bảo hộ và được cấp bằng.
- Đối với sáng chế được tạo ra với sự góp vốn của nhà nước, tức là tác giả sáng chế có sử dụng một phần kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật của nhà nước trong quá trình tạo ra sáng chế, thì nhà nước có một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ vốn góp của nhà nước. Trong trường hợp đó, tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của nhà nước được trao quyền thực hiện phần quyền đăng ký sáng chế thuộc về nhà nước. Cần lưu ý rằng, khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng có quyền đăng ký sáng chế thì việc đăng ký sáng chế chỉ có thể được thực hiện với sự đồng ý của tất cả các tổ chức, cá nhân đó. Các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sẽ được coi như các đồng chủ Bằng độc quyền sáng chế khi sáng chế đủ điều kiện bảo hộ và được cấp bằng.
Theo quy định trên đây, cá nhân, nhóm người trực tiếp thực hiện dự án nghiên cứu tạo ra sáng chế được coi như tác giả hoặc các đồng tác giả sáng chế. Khi sáng chế được cấp bằng, họ được hưởng các quyền và lợi ích của tác giả sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, gồm có quyền đứng tên tác giả sáng chế trong Bằng độc quyền sáng chế và quyền được nhận thù lao khi sáng chế được chủ sáng chế đưa vào khai thác. Mặt khác, tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm là chủ đầu tư kinh phí cấp cho dự án nghiên cứu tạo ra sáng chế sẽ được thực hiện các quyền của chủ sở hữu sáng chế, gồm cả việc đứng tên là người nộp đơn đăng ký sáng chế và chủ bằng độc quyền sáng chế khi sáng chế được cấp bằng.
Khi chủ bằng đưa sáng chế vào khai thác, gồm cả việc áp dụng trực tiếp sáng chế vào quy trình sản xuất, kinh doanh và chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho tổ chức, cá nhân khác thì chủ bằng có trách nhiệm trả tiền thù lao cho tác giả hoặc các đồng tác giả sáng chế. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa chủ bằng (chủ đầu tư) và tác giả (người tạo ra sáng chế), nghĩa vụ trả thù lao của chủ bằng đối với tác giả sáng chế được xác định là 12% tiền làm lợi hoặc 15% khoản tiền phí li-xăng thu được từ mỗi lần chuyển giao quyền sử dụng (cấp li-xăng) cho tổ chức, cá nhân khác.
Trước khi ban hành Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định 103 nói trên, hệ thống văn bản cũ chưa có quy định rõ ràng về quyền đăng ký và quyền đứng tên chủ sở hữu trong văn bằng bảo hộ đối với sáng chế được tạo ra từ nguồn kinh phí của nhà nước. Trong thực tế, đã có một số vụ tranh chấp xảy ra do cá nhân hoặc tổ chức trực tiếp thực hiện dự án nghiên cứu đã thực hiện việc đăng ký sáng chế và đứng tên chủ văn bằng bảo hộ. Khi sáng chế đó được đưa vào khai thác đã nảy sinh tranh chấp về quyền (quyền của chủ sở hữu sáng chế: cấp hoặc không cấp li-xăng) và lợi ích (phân chia thu nhập từ li-xăng và mức thù lao dành cho tác giả).
Trong hệ thống pháp luật hiện hành, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 103 đã có quy định nguyên tắc xác định quyền đăng ký như trên, vẫn cần thiết phải có hướng dẫn thống nhất cách hiểu và cách áp dụng các quy định tại các văn bản khác nhau về vấn đề xác định chủ sở hữu đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Luật chuyển giao công nghệ và Luật Khoa học – Công nghệ điều chỉnh vấn đề này theo các chiều hướng khác nhau, cụ thể như sau:
Luật Khoa học và Công nghệ quy định:“Tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình khoa học và công nghệ là tác giả của công trình đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng khoa học và công nghệ” (Khoản 1 Điều 26). “Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền quyết định việc sử dụng, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước” (Khoản 2 Điều 26).
Như vậy, theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, trong trường hợp Nhà nước đầu tư toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thì Nhà nước sẽ nắm toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ nào quản lý kinh phí đầu tư (thực hiện quyền của chủ đầu tư) được thực hiện quyền của chủ sở hữu (thay mặt Nhà nước). Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước giao cho để trực tiếp tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (ví dụ việc thực hiện đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ) được thực hiện quyền chủ sở hữu đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 2 Điều 86) và Nghị định 103 (khoản 1 Điều 9) quy định đối với kết quả nghiên cứu là sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước, thì quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký, đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác (khoản 4 Điều 9 Nghị định 103).
Như vậy, quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp được tạo ra từ việc sử dụng kinh phí nhà nước thống nhất với quy định tương ứng trong Luật Khoa học và Công nghệ, theo đó quyền sở hữu kết quả nghiên cứu thuộc về Nhà nước, do cơ quan, tổ chức được giao quyền chủ đầu tư nắm và thực hiện.
Tuy vậy, khái niệm “tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư”quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định 103 cần được hiểu như thế nào, có nhất thiết phải là cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân hay không thì chưa được làm rõ trong quy định trên.
Luật chuyển giao công nghệ quy định về việc xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, như sau: “Nhà nước giao quyền chủ sở hữu công nghệ đối với kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nghiên cứu công nghệ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (khoản 1 Điều 40).
Quy định trên của Luật chuyển giao công nghệ khác với các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp tổ chức chủ trì nghiên cứu không phải là chủ đầu tư, quyền sở hữu công nghiệp thuộc về chủ đầu tư (theo Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ) hay thuộc về tổ chức chủ trì nghiên cứu (theo Luật Chuyển giao công nghệ) cũng là vấn đề cần được làm rõ. Ví dụ, trường hợp Sở Khoa học và Công nghệ là chủ đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học của Nhà nước giao cho một đơn vị nghiên cứu A trực tiếp chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, thì Sở Khoa học và Công nghệ hay đơn vị chủ trì nghiên cứu A là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu của đề tài nói trên. Hiện tại câu trả lời căn cứ theo quy định của ba luật nói trên là không giống nhau.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn kinh phí chi trả cho các khoản phí, lệ phí đăng ký và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với sáng chế là kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cũng chưa được quy định trong bất kỳ văn bản nào. Đây là vấn đề cần được làm rõ vì nó có ý nghĩa rất thiết thực đối với việc thực hiện quyền đăng ký sáng chế được tạo ra từ nguồn kinh phí Nhà nước.
2. Cơ chế phân chia quyền và lợi ích trong hợp tác nghiên cứu công – tư
Nhà nước có cơ chế khuyến khích hợp tác nghiên cứu để tạo ra sáng chế giữa các tổ chức công lập và khu vực tư nhân thông qua việc công nhận quyền của đồng sở hữu chủ đối với sáng chế. Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu - phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu - phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên. Nhà nước cũng công nhận các thoả thuận của các bên khác với quy định trên đây, với điều kiện các thỏa thuận đó được ghi rõ trong hợp đồng hợp tác nghiên cứu - phát triển (khoản 3 Điều 9 Nghị định 103).
Về tư cách chủ sở hữu sáng chế, tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu - phát triển với tổ chức, cá nhân khác sẽ đồng thời đại diện nhà nước cùng với tổ chức, cá nhân tham gia hợp đồng hợp tác nghiên cứu-phát triển đứng tên đồng chủ Văn bằng bảo hộ. Tổ chức, cơ quan nhà nước đứng tên đồng chủ Văn bằng bảo hộ có quyền quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó và có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký sáng chế cho tổ chức, cá nhân khác, với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng chế đó (khoản 4 Điều 9 Nghị định 103).
3. Khuyến khích khai thác sáng chế tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước
Nhà nước có chính sách khuyến khích mở rộng phạm vi sử dụng sáng chế được tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước. Trong trường hợp chủ Văn bằng bảo hộ không đủ năng lực hay khả năng sử dụng sáng chế được tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của xã hội thì các tổ chức khác của Nhà nước có quyền yêu cầu chủ Văn bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó với các điều kiện sau:
- Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền và không được chuyển giao quyền đó cho người khác;
- Phạm vi sử dụng sáng chế của bên nhận chuyển giao không ảnh hưởng đến việc sử dụng sáng chế cho đến hết khả năng của chủ Văn bằng bảo hộ;
- Trong trường hợp sáng chế được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, giá chuyển giao quyền sử dụng mà bên nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả cho chủ Văn bằng bảo hộ bằng 50% mức mà bên nhận không phải là tổ chức nhà nước phải trả để nhận quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó với điều kiện khác tương đương (khoản 1 Điều 33 Nghị định 103).
Nhằm bảo đảm tôn trọng quyền của chủ sở hữu đại diện của đứng tên trong Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế thuộc sở hữu Nhà nước, Chính phủ quy định việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế của Nhà nước cho các tổ chức nhà nước nói trên không ảnh hưởng đến quyền của chủ Văn bằng bảo hộ trong việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng đó cho các tổ chức khác không phải của Nhà nước.
4. Trao quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khoa học-công nghệ
Thực hiện chính sách đổi mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Theo đó, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên được lựa chọn việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức: tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổ chức nghiên cứu khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước được sắp xếp lại, củng cố và ổn định tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quyền tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ được thể hiện trong các mặt hoạt động của mình như ký hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ; quyết định việc đầu tư phát triển từ vốn vay, vốn huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của tổ chức khoa học và công nghệ; sản xuất, kinh doanh hàng hoá, thực hiện các dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn của tổ chức khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp công nghệ và sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn của tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
Về phương diện chi tài chính, tổ chức khoa học và công nghệ được áp dụng phương thức khoán chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước (dưới dạng các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ) thuộc tất cả các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, đặt hàng hoặc thông qua tuyển chọn, đấu thầu. Tổ chức khoa học và công nghệ được tự quyết định việc sử dụng kinh phí được khoán để thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện theo hợp đồng. Tổ chức khoa học và công nghệ được tự quyết định việc sử dụng các nguồn kinh phí để chi cho các hoạt động của đơn vị, kể cả chi tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết quý 1/2008, trong tổng số 504 tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên cả nước, mới chỉ có 205 tổ chức và đơn vị (chiếm 40%) có đề án chuyển đổi theo Nghị định 115 được phê duyệt, 135 đề án (chiếm 26,7%) đang trình cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện chuyển đổi chậm là do nhiều tổ chức khoa học và công nghệ có tư tưởng e ngại khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là nhiều địa phương vẫn muốn tiếp tục được hỗ trợ theo kiểu bao cấp của Nhà nước nên hoạt động không hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo cần tiếp tục triển khai việc chuyển đổi theo Nghị định 115 để đảm bảo việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo của các nhà khoa học, khuyến khích các đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ tham gia chương trình sản phẩm quốc gia.
Nhằm thực hiện việc chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ công lập sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Khoa học và Công nghệ. Hoạt động chính của doanh nghiệp khoa học và công nghệ là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thể thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá khác và thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi như được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc sở hữu các kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước; được hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật; các khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác thực hiện theo quy định của pháp luật; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được ưu tiên trong việc sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước; được Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân các địa phương ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất theo quy định.
Cơ sở để xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc xem xét đánh giá cơ bản dựa trên kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chương trình, đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ), kết quả ươm tạo công nghệ đã được tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện hoặc được chuyển giao từ các cá nhân, tổ chức khác cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kinh phí được Nhà nước cấp.
Hướng dẫn triển khai Nghị định 80 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Liên Bộ Khoa học và Công nghệ -Tài chính - Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18/6/2008. Trong đó các thủ tục, tiêu chí đánh giá và định mức xác định giá trị kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quy định cụ thể, làm căn cứ cho việc cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thông tư hướng dẫn cụ thể thẩm quyền, thủ tục, phương thức và điều kiện thực hiện việc giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kể cả kết quả nghiên cứu được thể hiện dưới dạng các sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
5. Hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ tại doanh nghiệp
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005. Nội dung hoạt động của Chương trình được quy định chi tiết trong Quy chế quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được ban hành theo Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31 tháng 10 năm 2006 Liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 102/2006/TTLT/BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng, khai thác, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong nước, trên cơ sở sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước ở trung ương kết hợp với ngân sách nhà nước tại địa phương và các nguồn kinh phí khác do doanh nghiệp đóng góp.
Liên quan đến hoạt động sáng chế và khai thác sáng chế, Chương trình có hai nội dung quan trọng là: (i) hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với thành quả sáng tạo khoa học công nghệ, khuyến khích lao động sáng tạo trong doanh nghiệp; đưa thông tin sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ; xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ; (ii) hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, gồm xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, sản phẩm thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; hướng dẫn khai thác các nguồn thông tin sẵn có; tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp.
Cho đến nay đã có 2 dự án liên quan đến hoạt động sáng chế và khai thác sáng chế đã được phê duyệt trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ. Dự án thứ nhất do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện nhằm áp dụng giải pháp hữu ích về sản xuất zeolit NaX từ cao lanh tại Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao. Thời gian thực hiện trong gần 2 năm, từ 12/2007 đến 10/2009. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1.190 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 699 triệu đồng. Dự án thứ hai do Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ kè bờ Minh Tác thực hiện nhằm áp dụng sáng chế số 5874 để thiết kế công trình bảo vệ bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian thực hiện hơn 1 năm, từ 9/2008 đến 2/2010. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 3.140 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 756 triệu đồng.
6. Dự thảo quy chế về tổ chức, hoạt động của tổ chức tư vấn sở hữu trí tuệ tại trường đại học
Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học và cao đẳng. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát về thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học trong phạm vi cả nước và chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm, mô hình quản lý tài sản trí tuệ tại các trường đại học tại một số nước. Theo dự thảo, các trường đại học căn cứ vào nhu cầu và điều kiện phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của mình để thành lập bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ.
Bộ phận chuyên trách này có thể là một đơn vị độc lập hoặc trực thuộc phòng khoa học và côn nghệ của đơn vị. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của bộ phận này là tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch, quy chế quản lý về sở hữu trí tuệ của đơn vị; tổ chức ghi nhận, khai báo và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của đơn vị; thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; giám sát thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ. Trong đó, bộ phận chuyên trách có quyền và trách nhiệm tổ chức thuê khoán dịch vụ sở hữu trí tuệ nhằm đánh giá khả năng thương mại hóa; lựa chọn và đưa ra các phương án thương mại; tìm kiếm đối tác tiềm năng thương mại; hỗ trợ đàm phán, ký kết hợp đồng và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động thương mại tài sản trí tuệ khác.
Hiện nay một số trường đại học đã thiết lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ và bước đầu có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối tượng sáng chế. Các bộ phận này đang từng bước triển khai các hoạt động với vai trò là người trợ giúp và cầu nối giữa nhà sáng chế và người có nhu cầu khai thác, áp dụng sáng chế. Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò đó, những người thực hiện công tác này rất cần thiết phải được trang bị không chỉ kiến thức về pháp luật sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, mà còn phải được trang bị kiến thức về đánh giá công nghệ và kỹ năng xúc tiến thương mại, tiếp thị nhằm tìm kiếm đối tác tiềm năng để khai thác, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Kết luận
Tóm lại, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, Chính phủ đã và đang có những chính sách đổi mới quan trọng trong công nhận quyền sở hữu và chủ sở hữu sáng chế được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước; trong việc tạo ra cơ chế hợp lý để khuyến khích hợp tác công – tư về nghiên cứu và phát triển; trong việc khuyến khích mở rộng áp dụng các sáng chế có vốn góp từ nguồn kinh phí nhà nước. Chính sách chuyển đổi cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt là cơ chế tự chủ dành cho loại hình doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp trong cả nước nói chung còn có khả năng được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ tích cực của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt trong việc khởi tạo, triển khai hoạt động sáng chế và khai thác, áp dụng sáng chế của doanh nghiệp. Định hướng về việc thiết lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các trường đại học và việc áp dụng mô hình này tại một số trường đại học lớn trong nước thể hiện chính sách khuyến khích và trao quyền tự chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo cho các trường đại học, một khu vực quan trọng của nền khoa học và công nghệ của đất nước.
Tất cả các chính sách đó nhằm tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp cùng hợp tác và chủ động trong hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung, hoạt động sáng chế và khai thác sáng chế nói riêng. Trong quá trình thực hiện, những nhược điểm, lỗ hổng trong các chính sách đó sẽ bộc lộ và đòi hỏi những người làm chính sách kịp thời có những đề xuất điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn để đạt được mục tiêu đề ra.
--------------------------------------------
Cục Sở hữu trí tuệ giải đáp pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng sáng chế
1. Về quy định chi tiết cách xác định tiền làm lợi do sử dụng sáng chế, cách định giá tài sản trí tuệ và việc hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp.
Đến nay, chưa có văn bản nào được ban hành hướng dẫn cách xác định tiền làm lợi do sử dụng sáng chế và hướng dẫn cách định giá tài sản trí tuệ và việc hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 18 và Điều 32 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đã có các văn bản khác quy định chi tiết đối với những vấn đề này:
(i) Quy định về cách xác định tiền làm lợi do áp dụng sáng chế:
Tiền làm lợi do áp dụng sáng chế trước đây được quy định tại Mục A Phần II Thông tư liên bộ số 99/TC-KHCNMT ngày 02/12/1993 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn quản lý thu chi tài chính trong hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp (xem bản trích sao kèm theo). Quy định nêu trên đến nay chưa có văn bản thay thế, vì vậy, có thể tiếp tục áp dụng cho đến khi có quy định hướng dẫn thi hành theo khoản 4 Điều 18 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiền làm lợi do áp dụng sáng chế là căn cứ để xác định tiền thù lao mà chủ sở hữu sáng chế phải trả cho tác giả sáng chế (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 135 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 18 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP). Nghĩa vụ này không phát sinh trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế đồng thời là tác giả sáng chế (như trường hợp các sáng chế được bảo hộ theo các Bằng độc quyền sáng chế số 178 và số 4414 của ông Phan Đức Tác).
(ii) Quy định về cách định giá tài sản trí tuệ:
Việc định giá tài sản trí tuệ phải tuân thủ quy định của Pháp lệnh Giá: Về nguyên tắc, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật (khoản 1 Điều 2). Tuy nhiên, những tài sản được mua toàn bộ hoặc một phần bằng nguồn ngân sách nhà nước là loại tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá (điểm a khoản 1 Điều 13).
Việc định giá tài sản trí tuệ được thực hiện theo quy định của Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá, theo đó, tài sản trí tuệ có thể được thẩm định giá bởi các doanh nghiệp thẩm định giá chuyên nghiệp, được thành lập và hoạt động theo quy định. Tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, tùy theo điều kiện và tính chất thông tin thị trường mà thẩm định viên có thể lựa chọn các phương thức phù hợp để định giá tài sản trí tuệ theo quy định tại Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá đối với tài sản của doanh nghiệp (kể cả tài sản trí tuệ) là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi từ ngân sáng nhà nước, tính thuế, xác định giá trị tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác ghi trong hợp đồng thẩm định giá (khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 101/2005/NĐ-CP).
Các phương thức thẩm định giá theo các quy định nêu trên cũng thích hợp đối với việc định giá tài sản trí tuệ.
(iii) Quy định về cách hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp:
Có một số văn bản quy định về kế toán doanh nghiệp, trong đó có các điều khoản đối với tài sản vô hình, như Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện 6 chuẩn mực kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 203/2009/Tr-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Đề nghị quý Công ty tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính để hiểu đúng về các quy định nêu trên và tìm hiểu đầy đủ hơn về 03 vấn đề này.
2. Về căn cứ pháp luật để thỏa thuận giá thanh toán trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ
Việc thỏa thuận giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng dựa trên các căn cứ sau đây:
(i) Quy định chung:
Pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ cũng như về chuyển giao công nghệ không quy định khung giá đối với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng. Các bên ký kết hợp đồng được tự do thỏa thuận về mức giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Điều 22 của Luật Chuyển giao công nghệ và khoản 1 Điều 30 của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ quy định các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ tự thỏa thuận về giá công nghệ được chuyển giao. Quy định này thay thế quy định về khung giá chuyển giao công nghệ trước đây tại Điều 23 của Nghị định số
45/1998/NĐ-CP quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ, nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Theo nguyên tắc tự thỏa thuận, các bên ký kết hợp đồng hoàn toàn có thể tham khảo bất kỳ khung giá nào mà mình cho là hợp lý. Giá đền bù cho chủ sáng chế trong trường hợp quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP là mức đền bù “thỏa đáng” cho chủ sở hữu sáng chế (điểm d khoản 1 Điều 146 của Luật Sở hữu trí tuệ). Vì vậy, các bên ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nên tham khảo để xác định và thỏa thuận với nhau về mức giá chuyển giao. Cụ thể, theo quy định đó, giá đền bù không được vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế và phải được xác định theo giá trị kinh tế của quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao, trên cơ sở xem xét các yếu tố sau đây:
- Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;
- Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);
- Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;
- Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;
- Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
- Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị kinh tế của quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao.
(ii) Quy định đối với hợp đồng được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước:
Đối với hợp đồng mà giá chuyển giao công nghệ được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước thì việc thỏa thuận giá giữa các bên phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Bên nhận công nghệ phải lập phương án nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nêu rõ nội dung chuyển giao công nghệ và giá ước tính của công nghệ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định (Điều 4 của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP);
- Giá chuyển giao phải thẩm định theo quy định của Pháp lệnh Giá như đã nêu tại điểm 1 (ii) của công văn này;
- Các quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành hữu quan, ví dụ:
Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ nằm trong chi phí thiết bị và được xác định bằng lập dự toán hoặc dự tính tùy theo yêu cầu cụ thể của từng công trình. (theo quy định tại Điểm 2.2 của Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình);
Đơn vị tư vấn thiết kế phải tính toán, xác định giá trị chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, đưa vào dự toán chi phí thiết kế trong Tổng dự toán công trình xây dựng. Trường hợp đấu thầu tư vấn thì nhà thầu tư vấn phải tính đủ giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế vào trong giá dự thầu và có trách nhiệm thanh toán cho chủ sở hữu sáng chế nếu trúng thầu. Đơn vị tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm ký hợp đồng và thanh toán với chủ sở hữu sáng chế tùy thuộc vào thỏa thuận với chủ sáng chế trên nguyên tắc mức chi trả phải phù hợp với mức độ và phạm vi áp dụng sáng chế, đồng thời không vượt chi phí thiết kế công trình trong tổng dự toán được duyệt... (Công văn số 2892/BNN-XD ngày 03/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc xác định mức chi và thanh toán cho việc sử dụng sáng chế, bản sao kèm theo).
Như vậy, sau khi đạt thỏa thuận về giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phù hợp với quy định chung nêu tại điểm (i) trên đây và phù hợp với các quy định đối với hợp đồng được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước nêu tại mục (ii) này, Bên nhận công nghệ phải thuê doanh nghiệp thẩm định giá theo Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính (như đã nêu tại điểm (ii) Mục 1 của công văn này) trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về thẩm quyền ban bành quyết định bắt buộc chuyển giao sáng chế
Cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế) do Luật Sở hữu trí tuệ quy định, cụ thể như sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng ban hành quyết định trong trường hợp sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân hoặc đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội (khoản 1 Điều 133 và khoản 2 Điều 147); hoặc
- Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định trong các trường hợp khác (khoản 1 Điều 147).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật Chuyển giao công nghệ nói chung và Điều 54 của Luật đó nói riêng không quy định về thẩm quyền này.
4. Về định mức đơn giá sở hữu trí tuệ và công nghệ trong các công trình, dự án xây dựng cơ bản phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành
Pháp luật sở hữu trí tuệ không quy định về định mức đơn giá sở hữu trí tuệ. Để biết thực tế có quy định về định mức đơn giá sở hữu trí tuệ trong các công trình, dự án xây dựng cơ bản phòng chống thiên tai của các Bộ, ngành hay không, đề nghị quý Công ty tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Về chính sách khuyến khích và đãi ngộ của Nhà nước đối với các sáng chế được sử dụng rộng rãi, mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia
Các chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng (khoản 2 và khoản 3 Điều 8). Các chính sách này được Chính phủ thực hiện bằng nhiều biện pháp, điển hình là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/2006/QĐ-TTg.
Thực tế, có một số sáng chế có khả năng mang lại lợi ích cho xã hội đã được hỗ trợ triển khai áp dụng trong khuôn khổ Chương trình này, trong đó có Dự án “Áp dụng sáng chế về công nghệ kè bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long” của ông Phan Đức Tác. Nhiều chính quyền địa phương cũng có các chương trình, dự án tương tự.
Nhà nước còn có nhiều chính sách khác khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ nói chung, trong đó có các sáng chế nói riêng, cụ thể:
- Chính sách hỗ trợ về đầu tư (khoản 1 Điều 40 của Luật Đầu tư, khoản 1 Điều 30 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư);
- Chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng (các điều 44 và 45 của Luật Chuyển giao công nghệ; các điều 42, 43 và 44 của Luật Khoa học và Công nghệ; các điều 41, 42 và 43 của Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Điều 32 của Nghị định số
133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ);
- Chính sách khuyến khích và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có các phát minh, sáng chế, công trình khoa học hoặc các tác phẩm xuất sắc theo Luật Thi đua khen thưởng.
Pháp luật sở hữu trí tuệ không có quy định về tiền ngân sách nhà nước chi trả để nhận chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nói chung và những sáng chế được sử dụng rộng rãi, mang lại lợi ích cho xã hội nói riêng. Để tìm hiểu thực tế có hay không tồn tại quy định, chính sách này trong các ngành khác nhau, quý Công ty cần tham vấn ý kiến của Bộ quản lý lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng (ví dụ tham vấn ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với sáng chế được sử dụng trong lĩnh vực đê điều).
6. Về hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế số 178
Theo quy định tại khoản 3 Điều 220 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng như quy định của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung năm 2009, mọi quyền và nghĩa vụ theo văn bằng bảo hộ được cấp theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực 01/7/2006 được áp dụng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, từ ngày 01/7/2006, chủ Bằng độc quyền sáng chế số 178 (cấp ngày 08/4/1994 theo Quyết định số 118/QĐSC của Cục trưởng Cục Sở hữu công nghiệp) có quyền duy trì hiệu lực Bằng độc quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn). Hiện tại, Bằng độc quyền đã được duy trì hiệu lực đến hết ngày 17/8/2011 và sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 17/8/2013 nếu chủ Bằng độc quyền sáng chế tiếp tục nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định.
Trên đây là ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ về chính sách và pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Quý Công ty cần tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính về chính sách và pháp luật tài chính và tham vấn ý kiến của các Bộ hữu quan (Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) về quy định, chính sách và thực tiễn trong các lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng.