VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 09:13:21
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH MỚI
(Căn cứ để tiến hành kiểm tra đột xuất của cơ quan Quản lý thị trường theo Thông tư 35/2018/TT-BCT về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường)
(Ảnh: Sưu tầm)
Ngày 12/10/2018, Bộ Công thương ban hành Thông tư 35/2018/TT-BCT về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Theo đó, cơ quan Quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân khi có các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật ngay đối với với các trường hợp sau:
- Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, UBND các cấp, Tổng cục trưởng, Cục trưởng yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân cụ thể.
- Đề xuất kiểm tra bằng văn bản có đủ căn cứ về hành vi vi phạm hành chính hoặc dấu hiệu vi phạm hành chính của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các Điều 37, Điều 38 và Điều 39 Thông tư này.
- Thông tin tiếp nhận được trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì:
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn;
+ Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ.
(Hoặc để ngăn chặn, hạn chế kịp thời hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra).
- Thành phần chính của đoàn kiểm tra: Đoàn kiểm tra phải có từ hai công chức Quản lý thị trường trở lên; Trưởng Đoàn kiểm tra phải có thẻ kiểm tra thị trường. Thành viên của Đoàn kiểm tra phải không trong thời gian chấp hành kỷ luật hoặc bị tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật.
- Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau:
+ Xuất trình Thẻ kiểm tra thị trường và công bố quyết định kiểm tra với tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra;
+ Thông báo cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra về thành phần Đoàn kiểm tra, người tham gia giúp việc của Đoàn kiểm tra và người chứng kiến nếu có;
+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Đoàn kiểm tra;
- Trong và sau cuộc kiểm tra được thể hiện bằng các văn bản và hướng xử lý, giải quyết (nếu có) bao gồm:
+ Lập biên bản kiểm tra
+ Lập Biên bản vi phạm hành chính
+ Xử lý kết quả kiểm tra
+ Thu thập, thẩm tra, xác minh để bổ sung tài liệu, chứng cứ
+ Xử lý kết quả thẩm tra, xác minh vụ việc kiểm tra
+ Xử phạt vi phạm hành chính
+ Thủ tục chuyển giao vụ việc vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền của ngành khác
…
Thông tư 35/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/11/2018.
Xem toàn văn Thông tư: Tại đây