VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 08:23:23
BẢN TIN VAI
Bỏ hoàn toàn xăng khoáng, nên hay không???
Theo giới thiệu, xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol khan (99,5%), thành phần 5% ethanol có trong xăng sinh học thực chất là cồn công nghiệp. Do ethanol có trị số octane (RON) cao tới 108 - 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octane (tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu).
Thêm vào đó, với hàm lượng ô xy cao hơn xăng thông dụng, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ (CO và HC) và khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn.
(Hình ảnh: Sưu tầm)
Nhưng đấy chỉ là thông tin tích cực, một chiều theo hướng vận động sử dụng xăng sinh học, còn mặt trái của nó là thế nào? và có nên bỏ xăng khoáng RON95 để chỉ dùng xăng sinh học hay không ??? chúng tôi xin tổng hợp và phân tích một số thông tin để bạn đọc tự đưa ra lựa chọn như sau:
Thứ nhất: Xét về mặt chuyên môn kỹ thuật:
Sau khi tra cứu tàng thư trí tuệ thế giới (Google) cho một kết quả chung là chưa có một công trình nào của Việt Nam công bố nghiên cứu nghiêm túc về tính năng, tác dụng, lợi ích từ thay đổi sang dùng xăng sinh học E5 – RON92 so với xăng khoáng RON92 ngoài việc Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực là QUATEST 1 và 3 đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu Diêzen và Nhiên liệu Sinh học và sản phẩm xăng E5 sản xuất phải đảm bảo đạt Tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 8063:2009 – Xăng không chì pha 5% Etanol Yêu cầu kỹ thuật.
Theo Phòng Thương mại ô tô Australia (FCAI) đã đưa ra danh sách một loạt mẫu xe không nên sử dụng xăng ethanol, trong đó có nhiều phương tiện đang lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Với những loại xe không tương thích, xăng Ethanol có thể làm hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu, cụ thể với các loại phương tiện không phù hợp gồm:
Xe ô tô: Audi A3 1.8L đời 2000 về trước; Ford Laser sản xuất từ năm 1986 trở về trước và một vài mẫu xe sản xuất trong khoảng năm 2002 - 2004; Tất cả các xe GM Daewoo; Tất cả các xe Mazda ngoại trừ Mazda2 sản xuất tháng 2/2005, Mazda3, Mazda6, RX8, MX-5 sản xuất tháng 7/2005 và từ tháng 4/2006 trở đi; Tất cả xe Suzuki sản xuất trước năm 2008; Toyota Camry động cơ phản lực sản xuất trước tháng 7/1989 hay Toyota Hilux, Toyota Hiace sản xuất trước tháng 8/1997…
Nói rõ về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, hầu hết các phương tiện cũ đều được trang bị bộ chế hòa khí và thùng nhiên liệu bằng thép. Việc sử dụng xăng ethanol kết hợp có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ không khí/nhiên liệu do các phân tử oxy bổ sung trong cấu trúc hóa học của ethanol. Xe có hệ thống chế hòa khí có thể gặp phải những vấn đề do áp suất hơi của ethanol sẽ cao hơn (nếu nhiên liệu cơ bản không được điều chỉnh về mặt hóa học) và các vấn đề về van thông hơi hoặc khả năng khởi động nóng.
Như một loại dung môi, ethanol sẽ ảnh hưởng đến các đường dẫn nhiên liệu bằng kim loại và cao su cũng như các linh kiện khác của hệ thống nhiên liệu, Axit trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các zoăng cao su, nhựa, polymer của động cơ, với động cơ phun nhiên liệu còn có thể dẫn đến sự hư hỏng sớm của các bộ phận như: ống cấp, bơm nhiên liệu và bộ điều tiết nhiên liệu.
Không chỉ vậy, Ethanol còn có thể ăn mòn thùng nhiên liệu và đường ống nhiên liệu, từ đó có thể khiến động cơ không hoạt động, người dùng cũng không nên đổ xăng sinh học E5 vào bình chứa xăng khi xe không được khởi động trong thời gian 30 ngày trở lên (theo VnExpress)
Về các chỉ số an toàn, do chỉ số octane trong ethanol cao hơn so với xăng thông thường, nên chỉ số octane thành phẩm của xăng E95 sẽ rơi vào mức 93-94. Điều này có lợi khi chủ yếu các phương tiện tại Việt Nam có tỉ suất nén lớn hơn 9/1. Chỉ số Octan càng cao thì khả năng chống kích nổ càng lớn và ngược lại do trị số này tỷ lệ thuận với tỷ số nén, trị số Octan lớn giúp xe chạy êm, động cơ khỏe và bền hơn do đó xe có tỷ số nén lớn hơn 9:1 thì nên sử dụng xăng A95 và ngược lại. Nếu bỏ xăng khoáng RON95 sẽ là "tước mất" sự lựa chọn của chủ phương tiện đối với loại nhiên liệu được khuyến cáo là phù hợp với tài sản mình đang có.
Thứ hai: Xét về mặt hiệu quả kinh tế
Mới đây (12/02/2018), mạng xã hội Otofun đã công bố kết quả của anh Lê Thành Long đã thực hiện thử nghiệm hai loại xăng này trên xe Yamaha Siriuscủa và có thể khẳng định với công suất, điều kiện vận hành không đổi, xăng sinh học E5 chạy hao hụt hơn xăng A95, tất nhiên việc hao hụt hơn là bao nhiêu và có cùng tỷ số hao hụt cả trên dòng xe tay gas nữa hay không thì chưa thể khẳng định (https://news.otofun.net/thu-nghiem-hieu-qua-xang-a95-va-e5-tren-may-dynojet)
Thứ ba: Xét về yếu tố môi trường
Nếu nói dùng xăng sinh học là góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường là không sai nhưng không đúng hoàn toàn. Việc sản xuất công nghiệp Cồn sinh học từ củ sắn (khoai mỳ) sẽ làm thay đổi lại cơ cấu diện tích trồng sắn trước đây. Ngành nông nghiệp trồng sắn của Việt Nam chủ yếu là sử dụng diện tích rừng núi nơi không thuận tiện để trồng những loại cây lượng thực khác.
Tuy nhiên, do nhu cầu cao nên hiện nay đang nở rộ việc mở rộng diện tích trồng sắn cả ở những vùng đồng bằng hoặc phá rừng tự phát làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất trong ngắn hạn, việc này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong dài hạn do ác loại cây trồng khác không thể sống được trên các khu vực đất đã trồng sắn lâu năm bởi theo các nhà khoa học, rễ cây sắn lấy các chất hữu cơ trong đất và thải ra một loại axit có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi cho cây trồng…
Cũng như việc bàn về hiệu quả môi trường của động cơ điện trước mắt nhưng hậu quả là xử lý chất thải từ ắc quy hỏng cũng làm đau đầu các nhà khoa học hay điển hình như sử dụng năng lượng mặt trời từ hệ thống tấm pin năng lượng (sola) có tác dụng trước mắt nhưng để xử lý khối lượng lớn các tấm pin hỏng theo tuổi thọ thiết kế là 30 năm trong tương lai cũng là vấn đề không đơn giản đối với các nước đang sử dụng nhiều nhà máy năng lượng mặt trời như Trung Quốc, Mỹ, Úc, …
Thứ tư: Xét về yếu tố pháp lý
Cả nước ta có khoảng 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol các loại. Tuy nhiên, phần lớn nhà máy này đã phải tạm dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ, trong đó bao gồm cả 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học thua lỗ của Bộ Công Thương.
Hiện nay việc cung cấp nhiên liệu E100 (ethanol dùng để phối trộn xăng E5) chỉ phụ thuộc vào 2 nhà máy sản xuất gồm Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng), cả 2 nhà máy này đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tùng Lâm, đơn vị duy nhất sản xuất ethanol chiết suất từ sắn (khai mỳ) cho thị trường để thực hiện pha xăng E5 và ông chủ doanh nghiệp cũng chính là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học.
Như vậy, nếu trước mắt các nhà máy của Bộ Công thương chưa thể vận hành sản xuất trở lại trong khi Chính phủ cho phép loại bỏ nốt xăng khoáng RON95 tức là rộng đường cho Công ty Tùng Lâm độc quyền cung cấp loại cồn sinh học pha chế vào xăng tiêu thụ trên cả nước là vi phạm Điều 12 luật Cạnh tranh: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”
Lời bình:
Như đã phân tích ở trên, xét về các mặt kỹ thuật, kinh tế, môi trường hay pháp lý thì việc loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng RON95 là hoàn toàn không phù hợp. Nếu chưa có đột phá nào trong công nghệ nhiên liệu, động cơ thì trước mắt, Việt Nam vẫn chỉ nên sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch sẵn có đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
N.G.C