VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 07:49:51
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH
Các nội dung mới trong Cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Ngày 4/5/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo Thông tư 41/2018/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 18/6/2018.
(Ảnh: Sưu tầm)
Về cơ bản, nội dung của Thông tư không khác biệt nhiều so với Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 05 tháng 09 năm 2014, Tuy nhiên, do Chính phủ có một số quy định mới về giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP, đồng thời Bộ Tài chính mới ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá trị doanh nghiệp nên quy trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có một số thay đổi để khắc phục một số tồn tại cũ và phù hợp với các Nghị định có liên quan, cụ thể như sau:
- Hướng dẫn cụ thể hình thức xử lý đối với trường hợp kiểm kê sai, thiếu dẫn đến giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do nguyên nhân chủ quan phải xử lý như sau:
“Doanh nghiệp cổ phần hoá và các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp toàn bộ giá trị tài sản, công nợ kê khai thiếu hoặc bỏ sót; Trường hợp cố tình kê khai thiếu hoặc cố tình bỏ sót thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Riêng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước bị bỏ sót thì phải thực hiện kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.”
Nhận xét: Thông tư không có khái niệm cụ thể phân biệt giữa “nguyên nhân chủ quan” và “cố tình” khác nhau như thế nào, về bản chất ngôn ngữ thì 2 cụm từ này có cùng nghĩa nhau để xác định trách nhiệm của cá nhân, các nhân gây thất thoát tài sản Nhà nước.
- Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 41/2018/TT-BTC; “đồng thời được lựa chọn thêm các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa phải được áp dụng tối thiểu 02 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định”.
Nhận xét: Đây là quy định mới vì trước đây nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 127/2014/TT-BTC quy định rõ việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước chỉ có 2 phương pháp là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) trong đó cho phép phân tích từ cơ sở số liệu kết quả kinh doanh, loại hình kinh doanh nếu không phù hợp có thể loại trừ phương pháp dòng tiền chiết khấu, tức là có thể chỉ phải áp dụng 1 phương pháp tài sản và không giới hạn cách tính giá trị tài sản trong doanh nghiệp mà cụ thể là giá trị quyền sử dụng đất đối với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, giá trị thương hiệu (nếu có).
- Đối với điều khoản chuyển tiếp có hướng dẫn:
“ Đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu kể từ ngày 01/01/2018, việc xử lý các vấn đề về tài chính tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
Đến thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, căn cứ vào phương án sử dụng đất và giá đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ khoản chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất đã tạm tính vào giá trị doanh nghiệp với giá trị quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xác định lại (nếu có).”
Nhận xét: Hướng dẫn này tương đối chung chung và người đọc phải hiểu bản chất thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải có phương án sử dụng đất, phải được phê duyệt theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg nhưng do đã điều chỉnh lại bằng Nghị định 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2018 và chưa hướng dẫn xác định giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) đối với đất thuê trả tiền hàng năm dẫn đến có thể xác định thiếu giá trị tài sản Nhà nước.
Hơn thế nữa, khi “khoản chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất” cần có được hiểu là yêu cầu tổ chức tư vấn tính lại hoặc tính thêm theo tiêu chuẩn thẩm định giá, tức là phải ký bổ sung công việc và kết quả phải được cơ quan có thẩm quyền (hội đồng) xác định lại.
Xem đầy đủ Thông tư: http://vai.pro.vn/thong-tu-huong-dan-mot-so-noi-dung-ve-xu-ly-tai-chinh-va-xac-dinh-gia-tri-doanh-nghiep-khi-chuyen-dnnn-va-cong-ty-tnhh-mtv-do-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-100-von-dieu-le-thanh-cong-ty-co-phan.html
Bản tin VAI