VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
4/12/2024 00:40:35
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: Lịch sử chữ viết của người Việt Nam hiện nay
Chắc không nhiều người Việt biết đến cái tên này vì trong hệ thống giáo dục, truyền thông Việt Nam từ trước đến nay không có dòng nào, chữ nào nhắc đến hay thừa nhận Ông, Alexandre de Rhodes (15/3/1591- 5/11/1660) quốc tịch Pháp gốc Do Thái, người đã sáng tạo ra thứ chữ viết cho người Việt trên nền bảng chữ cái La tinh từ năm 1651 và chúng ta đang sử dụng đến nay và được gọi là chữ Quốc ngữ.
Nếu nói đến lịch sử nghìn năm văn hiến thì người Việt Nam không có chữ viết riêng mà sử dụng chữ Hán để làm chữ viết. Vào thế kỷ thứ 13, do tính tự cường dân tộc, cha ông ta cải biên chữ Hán thành chữ Nôm và được coi là Quốc văn do chỉ viết được chứ đọc lên thì rất ít người hiểu vì nguồn gốc của nó vẫn là chữ Hán, nó khó học đến mức không được sử dụng trong thi cử và được sử dụng song song với chữ Hán do có quá nhiều hạn chế.
Hạn chế lớn nhất của chữ Nôm là nét chữ nhiều hơn cả chữ Hán, số chữ có hơn 20 nét rất nhiều, khó viết, lại tốn nhiều thời gian. Đó là chưa kể đến là phải học được Hán văn trước mới có thể nắm được chữ Nôm, mà người biết Hán văn rút cuộc lại là thiểu số, điều này hạn chế sự phổ biến và rồi dần chỉ còn tồn tại trong thư viện. Ngày nay việc lưu giữ chữ nôm chủ yếu chỉ để chứng minh tính độc lập - dân tộc mà thôi.
Alexandre de Rhodes phiên âm tiếng Hán là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ hay Cha Đắc Lộ, đọc phiên theo tiếng Quốc ngữ là A-lếc-xăng Đơ-rốt; Ông là một nhà truyền giáo dòng Tên người vùng Avignon - Pháp và là một nhà ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt - Bồ - La trên cơ sở hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh sẵn có.
Trước ông có nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã cố gắng sáng tạo ra chữ viết cho người Việt để thuận tiện cho việc quyền giáo cho dân bản địa nhưng đều thất bại. Không ngoài mục đích truyền giáo, A-lếc-xăng Đơ-rốt kế thừa các công trình nghiên cứu của tiền nhân và chính thức sáng tạo ra chữ viết cho người Việt Nam bằng cuốn tự điển Việt - Bồ - La năm 1651 và dần được chỉnh sửa, hoàn thiện dần cho đến ngày nay.
Theo tôi, có nhiều lý giải cho việc người Việt Nam đang cố tình quên lãng cái tên A-lếc-xăng Đơ-rốt trong hệ thống văn hoá, giáo dục của nước ta hiện nay vì những lý do ích kỷ hoặc do tự tôn dân tộc khi viện ra một số lý do như:
- Ông là người Pháp, là người vận động quyết liệt để Pháp tiến hành chiếm đóng Việt Nam; Nước Pháp là nước cai trị theo chế độ thực dân, bóc lột nhưng luôn mồm rao giảng là "khai hoá văn minh” cho dân bản xứ;
- Ông sáng tạo ra chữ viết cho người Việt chỉ nhằm mục đích rao giảng, truyền bá tôn giáo, là mục đích không được "trong sáng" cho lắm;
- Nếu thừa nhận Ông là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chả hay thừa nhận người Việt kém cỏi mà phải nhờ đến "người ngoài" hay sao;
- Có người còn khẳng định Ông không phải là người sáng tạo ra chữ viết do có kế thừa của nhiều nhà truyền giáo trước đó …
- Tiểu sử của Ông không được “sạch sẽ” cho lắm khi đạo văn của người khác, bị lưu đày và chết ở Iran trong sự cô đơn, quên lãng;
Thôi thì hãy để các nhà sử học, nhà ngôn ngữ học... tiếp tục tranh luận và lý giải. Đối với người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ai có đóng góp cho sự phát triển của dân tộc Việt, chúng ta đều hàm ơn và hậu thế tôn vinh những người nước ngoài có cống hiến trên một số lĩnh vực nhất định (như Louis Pasteur hay Alexandre Yersin) tùy công lao đóng góp của họ, cho dù họ là người thế nào.
Ta không thể liệt kê một loạt các nhà giảng đạo phương Tây như Francisco de Pina, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa đã từng nghiên cứu, cố gắng sáng tạo ra chữ viết cho người Việt và đã thất bại mà hãy ghi nhận thành quả, nỗ lực cá nhân của Alexandre de Rhodes là chủ biên, tác giả cuốn từ điển đầu tiên của người Việt.
Nếu cứ lập luận theo kiểu truy tận cùng, cống hiến tập thể thì làm gì có anh hùng dân tộc như Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Trần Hưng Đạo; Không có các nhà khoa học như Anhxtanh; Darwin; Pasteur; Ngô Bảo Châu và chắc chắn không thể có Neil A.Armstrong vì ông không thể tự dang tay mà bay lên mặt trăng được …
Người Việt Nam có nên coi Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hoá hay không??? Thôi thì để cho người đọc tự cảm nhận, nếu ta chưa thể đúc tượng, khắc bia đá hay đặt tên cho địa danh thì cũng nên biết vì ai mà người Việt Nam ta có thể thành thục 4 kỹ năng nghe – nói - đọc - viết chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình …
(Nội dung bài viết được cóp nhặt, chỉnh sửa theo cảm nhận người viết)
Ngô Gia Cường