VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
4/12/2024 00:17:56
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT GIÁ LẦN THỨ 7
Văn bản Luật là loại văn bản quy phạm pháp luật cao nhất theo ngành, lĩnh vực cụ thể để hướng dẫn thực hiện các quy định của Hiến pháp, là xương sống cho các văn bản hướng dẫn khác như Nghị định, Thông tư, quyết định hay văn bản hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương áp dụng cho phù hợp với chức năng, lĩnh vực hay đặc thù xã hội trên địa bàn được giao theo quy định của pháp luật.
Nội dung của văn bản Luật phải đảm bảo tính tổng thể, bao trùm lên các mục đích, đối tượng, phạm vi chịu ảnh hưởng và phải có tính thống nhất trong nội dung văn bản luật và hệ thống văn bản dưới Luật. Khi Luật được ban hành sẽ đòi hỏi tính thống nhất và khả thi cho tổ chức cá nhân hướng dẫn thực hiện và đối trượng thực hiện, cụ thể:
Nếu chỉ cần nâng tầm quản lý từ Pháp lệnh lên Luật để đưa vai trò, vị trí của lĩnh vực Giá thì điều quan trọng là phải đảm bảo nội dung của Luật thống nhất với các văn bản pháp quy đã ban hành.
Trong trường hợp Luật cần có sự đột phá, thay đổi về chất sẽ phải trên cơ sở tổng kết, báo cáo, đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được của Pháp lệnh Giá để điều chỉnh tổng thể cho phù hợp với thực tiễn khách quan, yêu cầu cấp thiết phải thay đổi. Việc thay đổi như vậy sẽ dẫn đến hàng loạt các văn bản của các cơ quan có liên quan phải thay đổi, điều chỉnh hoặc thay thế lại cả hệ thống văn bản hiện hành để phù hợp với Luật, khối lượng công việc này rất lớn và đòi hỏi một thời gian nhất định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận trong xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của văn bản Luật.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo luật Giá lần thứ 7 được đăng tải trên trang web của Chính phủ, tôi có một số góp ý chủ quan như sau:
Thứ nhất: Về cơ sở hình thành giá trị của tài sản, hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là tài sản)
Trong nghiệp vụ thẩm định giá, căn cứ vào thông tin thị trường thu thập được kết hợp với mục đích thẩm định giá, thẩm định viên phải lựa chọn cơ sở hình thành giá trị thị trường hay phi thị trường của tài sản cần thẩm định. Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành có phân biệt rõ:
“Giá trị thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường”(TĐGVN 01)
“Giá trị phi thị trường của tài sản là mức giá ước tính được xác định theo những căn cứ khác với giá trị thị trường hoặc có thể được mua bán, trao đổi theo các mức giá không phản ánh giá trị thị trường như: giá trị tài sản đang trong quá trình sử dụng, giá trị đầu tư, giá trị bảo hiểm, giá trị đặc biệt, giá trị thanh lý, giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản chuyên dùng, giá trị tài sản có thị trường hạn chế, giá trị để tính thuế...” (TĐGVN 02)
Như vậy tài sản, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường không chỉ tồn tại duy nhất một cơ sở giá trị, thực tế này được thừa nhận trong các tiêu chuẩn thẩm định giá Quốc tế, Tiêu chuẩn thẩm định giá Asean và được chứng minh qua một thời gian thực hiện các tiêu chuẩn thẩm định giá tại Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế đang ở giai đoạn phát triển, hạ tầng thông tin giá cả, thị trường tiêu thụ tài sản, hàng hóa, dịch vụ chưa ổn định và thiếu minh bạch.
Việc Dự thảo luật không có khái niệm về cơ sở giá trị phi thị trường cũng phản ánh một cách khách quan, trung thực quan điểm của phần lớn cơ quan quản lý Nhà nước khi hướng dẫn, yêu cầu xác định giá trị của mọi loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ không phân biệt về đặc điểm, bản chất của đối tượng điều chỉnh thường xuyên sử dụng thuật ngữ “giá trị thị trường trong điều kiện bình thường”.
Trong quá trình thực hiện thẩm định giá, nếu gặp phải trường hợp như vậy, đa phần các tổ chức thẩm định buộc phải “điều chỉnh” lại cho “phù hợp” giữa yêu cầu – Thực tiễn thị trường – lý thuyết để đảm bảo hài hòa và nêu các hạn chế trong chứng thư, báo cáo để thể hiện tính “khách quan – trung thực” chứ không thể thuyết phục được cơ quan có thẩm quyền thay đổi cơ sở hình thành giá trị được. Trong lý thuyết và thực tế, cơ sở hình thành giá quyết định, chi phối và có ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ chính xác của kết quả xác định giá trị của một tài sản, tại một thời điểm và vào một mục đích nhất định.
Vì vậy, theo tôi, Dự thảo luật giá lần này vẫn chưa bao trùm hết mọi đối tượng về giá khi chỉ đưa ra được cơ sở hình thành giá trị thị trường mà theo cả lý thuyết và thực tế đã chứng minh còn một đối tượng nữa cần điều chỉnh là cơ sở hình thành giá trị phi thị trường.
Việc đưa ra thiếu khái niệm như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến khái niệm của thẩm định giá khi quy định “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của tài sản phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.”
Như vậy, trong tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02, các tài sản được hình thành theo cơ sở hình thành giá trị phi thị trường như giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản đang sử dụng trong doanh nghiệp, tài sản chuyên dùng, … sẽ không được thẩm định, hoặc nếu thẩm định sẽ sai với Luật.
Thứ hai: Khái niệm về mặt bằng giá
Theo tôi hiểu, mặt bằng giá là giá trị trung bình (bình quân) của một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ có cùng đặc điểm, tính năng, tác dụng được mua bán trên thị trường trong một thời điểm nhất định.
Việc hướng dẫn Mặt bằng giá “được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng” là sai về khái niệm do các “chỉ số” thể hiện mức độ biến động giá của một loại tài sản kỳ này so với kỳ trước ví dụ:
“Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu được phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng công trình theo thời gian” (Quyết định 02/2011/QĐ-BXD ngày 22/2/011)
“Chỉ số giá tiêu dùng (hay được viết tắt là CPI, từ các chữ tiếng Anh Consumer Price Index) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.
Đây là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức giá và sự thay đổi của mức giá chính là lạm phát (một chỉ tiêu khác để phản ánh mức giá chung là Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước hay Chỉ số điều chỉnh GDP).(Wikipimedia)
Như vậy khái niệm này đưa ra sai về khái niệm và công cụ đo lường do “chỉ số giá tiêu dùng”với đơn vị tính là phần trăm (%) chỉ thể hiện chỉ số biến động về giá của mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của kỳ sau so với kỳ trước chứ không thể đại diện cho tất cả các chỉ số giá của các lĩnh vực khác và càng không thể hiện giá bình quân có đơn vị tính bằng đồng (đ) của một loại tài sản theo khái niệm mặt bằng giá trong dự thảo.
Thứ ba: về thời điểm định giá, thẩm định giá
Điều 22 Dự thảo về chứng thư thẩm định giá hướng dẫn “chỉ được sử dụng đúng thời hạn có hiệu lực” như vậy thẩm định viên, tổ chức thẩm định giá có quyền đưa ra nhận định chủ quan về thời gian có hiệu lực của chứng thư trong khi không có hướng dẫn chi tiết về điều này.
Theo từ điển Việt Nam giải thích nghĩa của “thời điểm là khoảng thời gian rất ngắn, coi là một điểm trên đường thẳng cụ thể hóa thời gian”.
Theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (TĐGVN04) ban hành thì thời điểm thẩm định giá được quy định cụ thể tại ngày tháng năm có hiệu lực do các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của tài sản thẩm định đã được điều chỉnh từ trong quá khứ đến dự đoán trong tương lai đã được điều chỉnh về thời điểm thẩm định rồi.
Thời điểm thẩm định giá là thời điểm thẩm định viên có thể thu thập được các tài sản so sánh, sử dụng trong tính toán phải đảm bảo tương đồng về yếu tố thời điểm thẩm định của người có nhu cầu thẩm định. Các phương pháp thẩm định do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thẩm định viên điều chỉnh, quy về một thời điểm nhất định. Trường hợp thẩm định viên không thể thu thập được tài sản so sánh, thông tin tương đồng về thời điểm hoặc không có căn cứ để lập luận điều chỉnh về thời điểm đề nghị thẩm định phải từ chối cung cấp dịch vụ do không đủ điều kiện thẩm định. Việc ghi nhận giá trị của tài sản thẩm định tại một thời điểm nhất định trong chứng thư rồi lại cho phép đưa ra khung, khoảng thời gian có hiệu lực trong tương lai của chứng thư là không chính xác.
Trong thực tế, một số tổ chức thẩm định giá đưa ra thời hiệu (thời gian có hiệu lực) của Chứng thư thẩm định từ 3 đến 6 tháng sau ngày ban hành theo yêu cầu của khách hàng là không đúng với thực tế và lý thuyết. Dự thảo Luật cần đưa rõ khái niệm này để các đối tượng có liên quan tránh hiểu nhầm lẫn và đưa ra các yêu cầu không đúng với lý thuyết.
Thứ tư: về tính chuyên nghiệp của thẩm định giá, định giá
Trong dự thảo đưa tiêu chuẩn, quy định về thẩm định giá viên, doanh nghiệp thẩm định giá nhưng không đưa ra tiêu chuẩn về định giá viên, thẩm định giá viên Nhà nước và Hội đồng định giá trong khi lại đưa ra phạm vi hoạt động thẩm định giá Nhà nước tại Điều 44. Phạm vi hoạt động thẩm định giá của nhà nước
“1. Các trường hợp thẩm định giá khi bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”
Đây là khối lượng công việc chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng khối lượng mà thị trường cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các tổ chức có chức năng thẩm định đã và đang thực hiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động định giá của Hội đồng định giá các tỉnh thành phố trong cả nước không phải thành lập cơ quan chuyên trách, giảm chi phí hành chính và tăng tính chuyên môn đã được chứng minh là rất hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường và xu hướng phát triển của thế giới.
Nếu Dự thảo quy định thẩm định giá nhà nước thực hiện như vậy tất yếu phải thành lập đơn vị sự nghiệp có chức năng tương tự như Trung tâm giá trực thuộc Sở Tài chính tại các tỉnh thành phố trước đây được thành lập hàng loạt và đã phải chuyển thành doanh nghiệp thẩm định giá theo luật Doanh nghiệp và đang là nòng cốt của các tổ chức thẩm định giá hiện nay là đi ngược lại lịch sử.
“2. Trường hợp không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá”
Mục tiêu về xã hội hóa hoạt động thẩm định là để chuyên môn và tiêu chuẩn hóa nghiệp vụ, trong khi Dự thảo đưa ra tiêu chuẩn khắt khe về năm kinh nghiệm đào tạo, thi tuyển đối với thẩm định viên về giá nhưng không hề đưa ra tiêu chuẩn về thẩm định giá viên của nhà nước, thành phần Hội đồng định giá để đảm bảo thực hiện được việc mà cả một tổ chức chuyên nghiệp không nhận cung cấp dịch vụ là một quy định chưa hợp lý.
“3. Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước”
Trong Luật đã quy định chi tiết về giữ bí mật thông tin về tài sản thẩm định thì thẩm định viên, tổ chức thẩm định cung cấp dịch vụ thẩm định cũng đương nhiên phải giữ bí mật, nếu không có thể bị xử phạt không chỉ theo hành chính mà còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc tiết lộ bí mật quốc gia.
“4. Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt có căn cứ cho rằng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá là không trung thực, khách quan.”
Việc tổ chức thẩm định giá ban hành kết quả “không trung thực, khách quan” là hành vi cố tình làm sai lệch kết quả phải được giải quyết bằng các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án theo trình tự tố tụng của pháp luật về hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Để chứng minh được “kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá là không trung thực, khách quan.” phải dựa vào kết luận của cơ quan tố tụng hoặc có kết quả thẩm định của một tổ chức thẩm định giá khác theo yêu cầu và được cơ quan có chức năng công nhận kết quả lần đầu là “không trung thực, khách quan” thì đương nhiên đã có kết quả thẩm định đúng rồi, không nhất thiết phải có kết luận của Thẩm định giá Nhà nước xác nhận nữa.
Như vậy, theo tôi các nội dung trong Điều 44 của dự thảo là không cần thiết mà nên quy định chi tiết hơn về thành phần của Hội đồng định giá, tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng. Trường hợp định giá viên Nhà nước, thẩm định giá viên nhà nước phải có thẻ hành nghề thì có giá trị như thế nào và có thể vận dụng như đối với Kiểm toán viên nhà nước hoạt động trong Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán viên hành nghề trong tổ chức kiểm toán độc lập như hiện nay là hợp lý.
Thứ năm: Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá
Điều 34 Dự thảo Luật Giá quy định về Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá
“1. Có năng lực hành vi dân sự.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.
3. Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá.
4. Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp.
6. Có Thẻ thẩm định viên về giá.”
Theo tôi Điều 34 như trong dự thảo chỉ nên dùng để quy định cho người có đủ điều kiện để tham gia kỳ thi thẻ thẩm định viên về giá do Bộ tài chính tổ chức, còn Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá chỉ cần là người có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp đang có hiệu lực.
Các tiêu chuẩn khác có thể được xác minh, chứng nhận bằng các loại giấy tờ, bằng cấp, riêng đối với tiêu chuẩn tại khoản 2 thì quá khó và không biết cơ quan, tổ chức nào có chức năng và giám xác nhận để người có thẻ thẩm định viên về giá có đủ tiêu chuẩn được.
Thứ sáu: Nhận định chung
Dự thảo luật Giá sửa đổi lần thứ 7 có nhiều thay đổi so với các lần trước tuy nhiên theo tôi vẫn còn một số hạn chế như:
- Cần thống nhất phạm vi quy định, nếu có thể quy định chi tiết được thì quy định chi tiết hết đến các lĩnh vực có liên quan, không nên phần thì không nhắc đến, phần lại hướng dẫn quá chi tiết như :
+ Hướng dẫn chi tiết đến quy trình thẩm định giá: từ quy trình đến tiêu chuẩn thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định …
+ Khái niệm về Khung giá điện, mức bán lẻ giá điện (mục 18, 19, 20 Điều 4 của Dự thảo) nêu quá chi tiết trong khi điện chỉ là một trong những lĩnh vực quản lý giá theo quy định của Luật trong khi giá xăng dầu, giá nước, thuốc chữa bệnh … thì không nhắc đến.
+ Một số quy định bỏ ngỏ, giao cho Chính phủ hướng dẫn tiếp như khoản 4 Điều 40; khoản 3 Điều 43; Điều 46