VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
23/11/2024 14:53:53
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------------ Hà Nội, ngày tháng 12 năm 2008 |
Theo đề nghị của Hội Thẩm định giá Việt Nam về việc góp ý cho Hội về tham gia vào dự thảo Đề án nâng cao năng lực và phát triển nghề thẩm định giá Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Đề án do Cục Quản lý Giá gửi Hội Thẩm định Giá Việt Nam, Tôi xin góp một số ý kiến như sau:
1. Trong các chức năng hoạt động của thẩm định giá cần phải nhấn mạnh đến vị trí của các tổ chức doanh nghiệp thẩm định giá trong vai trò là tổ chức giám định tài chính trung gian để thực hiện xác định giá trị tài sản, vật tư, hàng hoá … trong các tranh chấp dân sự, đây là một khâu quan trọng để làm căn cứ trong các thực hiện các luật, bộ luật như tổ chức trung gian trong xác định giá trị doanh nghiệp theo Luật Phá sản, tranh chấp tài sản trong dân sự theo Luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại, trong thi hành án … thay cho việc phải thành lập hội đồng định giá nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách về con người, thời gian, tính chuyên nghiệp … mặt khác việc chuyên môn hoá nghề thẩm định trong lĩnh vực này làm cho kết quả giám định tài chính khách quan, sát hơn với thực tế.
Trong quá trình hoạt động thẩm định giá là đơn vị sự nghiệp, trước kia là Trung tâm TV, DV Thẩm định giá và Bán Đấu giá Tài sản được Sở Tài chính uỷ quyền tham gia Hội đồng định giá tài sản trong tranh chấp dân sự với Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội, Thi hành án Thành phố Hà Nội. Qua quá trình hoạt động, tiếp xúc với nhiều Thẩm phán và công việc định giá thực tế thấy việc xã hội hoá một phần trong thực hiện Luật Tố tụng dân sự là phù hợp. Mặc dù trong Bộ luật Tố tụng Dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004 quy định tại điều 6, điều 67, điều 68, điều 79, điều 80, điều 82 quy định quyền hợp pháp của các bên đương sự và trách nhiệm của người giám định; tuy nhiên không có hướng dẫn cho việc trưng cầu giám định tài chính mà chỉ có quy định về việc thành lập Hội đồng định giá tại Điều 92. Định giá tài sản quy định:
“1. Toà án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
b) Các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.
2. Hội đồng định giá do Toà án quyết định thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá.
3. Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá.
Kết quả giám định để xác định giá trị trong tranh chấp là giá thị trường tại thời điểm định giá, trong khi nghiệp vụ thường xuyên của “Cơ quan tài chính” là công tác định giá, do không đủ thời gian chuẩn bị nên trình tự định giá không có khảo sát, nghiên cứu trước hồ sơ, thị trường của tài sản định giá dẫn đến kết quả trưng cầu giám định không phải là giá trị trường mà thường áp dụng các định mức, văn bản không đúng đối tượng áp dụng, dễ dẫn đến tranh chấp ngay tại Hội đồng định giá. Để có hướng giải quyết, kính đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan chức năng ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc sử dụng kết quả thẩm định trong tố tụng dân sự.
2. Tránh chồng chéo về chức năng đào tạo, quản lý hành nghề thẩm định
Chức năng về giá, thẩm định giá là của ngành tài chính nói chung, tuy nhiên, hiện nay chức năng giá cả đã có sự thay đổi do điều chuyển một số chức năng cho một số bộ, ngành như việc xác định khung giá đất hiện giao cho ngành Tài nguyên môi trường, Ngành Xây dựng ban hành đơn giá vật liệu xây dựng … theo quy định tại Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá đã giao cho các bộ ngành các quyền quyết định giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý về giá.
Trên cơ sở đó, ngày 18 tháng 4 năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành quyết định 06/2008/QĐ-BTC về ban hành quy chế cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng; Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 29/2007/QĐ-BXD trong đó có cấp chứng chỉ hành nghề đối với định giá bất động sản, cấp chứng chỉ hành nghề nhưng không nói rõ việc:
- Không có hướng dẫn cụ thể về điều kiện hành nghề, đăng ký kinh doanh đối với 2 chứng chỉ này.
- Thẩm định viên về giá được cấp thẻ thẩm định viên theo quyết định 21/2004/QĐ-BTC ngày 24/2/2004 của Bộ Tài chính có nhất thiết phải có chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng, định giá bất động sản theo quy định của Bộ xây dựng thì mới được thẩm định xây dựng, bất động sản hay không.
- Hiện nay, đã có nhiều khoá đào tạo cấp chứng nhận đào tạo về thẩm định giá xây dựng, thẩm định giá bất động sản nhưng chưa tiến hành cấp chứng chỉ cho người đã có chứng nhận đào tạo nghề.
3. Thống nhất mức thu tiền dịch vụ thẩm định, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng dịch vụ, phục vụ trong thẩm định chứ không chạy theo lợi nhuận để thu hút khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, nhất là cơ sở dữ liệu về bất động sản, dây chuyền công nghệ cao, phức tạp … yêu cầu thành viên tham gia phải trả phí truy cập hoặc phí thành viên thường niên …
5. Xây dựng mạng liên kết giữa các Công ty thẩm định để tham khảo các hợp đồng thẩm định có tính phức tạp, nhạy cảm, tránh trường hợp khách hàng đã thẩm định tại một tổ chức thẩm định nhưng không thoả mãn được yêu cầu về giá lại tiếp tục thẩm định ở tổ chức khác làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành thẩm định nói chung, đảm bảo quyền lợi của hội viên cũng như các bên có quyền lợi liên quan; Trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 23 chương V Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về Thẩm định giá quy định về xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá:
“2. Trường hợp có tranh chấp về kết quả thẩm định giá thì các bên tiến hành thủ tục xử lý tranh chấp theo một trong hai hình thức sau:
a) Thoả thuận với nhau để giải quyết;
b) Thẩm định lại:
- Trong trường hợp không công nhận kết quả thẩm định giá của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì bên yêu cầu thẩm định giá có quyền yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá khác thẩm định lại và phải trả tiền dịch vụ thẩm định giá.
- Nếu chứng thư thẩm định giá lại phù hợp với kết quả của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì chứng thư thẩm định giá ban đầu có giá trị cuối cùng.
- Nếu doanh nghiệp thẩm định giá ban đầu hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định lại không thừa nhận kết quả thẩm định lại thì các bên có thể thoả thuận giải quyết bằng trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hoặc toà án theo quy định của pháp luật.”
6. Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn thẩm định về thẩm định giá tài sản vô hình như thương hiệu, phần mềm, bản quyền … để làm cơ sở thuận lợi, thống nhất phương pháp tính toán và tạo tỷ lệ chênh lệch chủ quan về kết quả thẩm định được đồng nhất.
7. Việc cấp thẻ thẩm định viên về giá quy định trong pháp lệnh Giá là chưa sát với thực tế:
Theo điều 6 Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 3 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thẩm định giá quy định giá trị pháp lý của chúng thư thẩm định giá được quy định:
“1. Là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chi từ ngân sách nhà nước, tính thuế, xác định giá trị tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hoá, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
2. Để tư vấn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Là cơ sở cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá sử dụng kết quả thẩm định giá theo mục đích đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.”
Như vậy, kết quả thẩm định giá tuy chỉ có tính tham khảo nhưng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị thanh toán của các giao dịch mua bán nhất là các khoản thu, chi ngân sách có những yêu cầu cao về chất lượng. Nhưng kết quả đó do con người tạo ra, nó cũng bị chi phối bởi khả năng, kiến thức, đạo đức … của người làm thẩm định. Theo Tôinên điều chỉnh, bổ sung Pháp lệnh Giá theo hướng phải thi đạt kết quả trong các kỳ thi mới được cấp thẻ hành nghề như hiện nay là hợp lý.
8. Hàng năm, hoặc đột xuất, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, Hội Thẩm định giá Việt Nam nên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành, tổng hợp, thông báo kết quả đã làm được, thu thập các vướng mắc trong quá trình thực hiện gửi Bộ Tài chính ra các phương án giải quyết.
Trên đây là một số ý kiến góp ý để Hội Thẩm định Giá Việt Nam xem xét, tổng hợp tham gia vào dự thảo Đề án nâng cao năng lực và phát triển nghề thẩm định giá Việt Nam./.
|
|