VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
23/11/2024 14:57:14
CÔNG TY TNHH THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ GIÁM ĐỊNH VIỆT NAM ---------------------------------- Số: 333/CV-VAI Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------------- Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2019 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Ngày 15/10/2019, Chúng tôi nhận được (qua email) công văn số 11809/BTC-QLG ngày 3/10/2019 của Bộ Tài chính V/v tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP. Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá, sau khi nghiên cứu dự thảo và thảo luận trong nội bộ, Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam xin đóng góp một số ý kiến như sau:
I. Tham gia góp ý vào nội dung Dự thảo
1. Góp ý thứ nhất:
a) Khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định: Bổ sung 01 Khoản (Khoản 3) vào Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định về thu hồi thẻ thẩm định viên về giá nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề của các thẩm định viên trong thực tế, cụ thể:
“3. Thẻ thẩm định viên về giá bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Gian lận để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá;
b) Người đã được cấp Thẻ thẩm định viên về giá bị kết án về tội liên quan đến hành nghề thẩm định giá và bản án đã có hiệu lực pháp lý;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn Thẻ thẩm định viên về giá từ 02 lần trở lên.”
Lý do bổ sung: quy định về thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá hiện được quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 06/4/2014 của Bộ Tài chính quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá. Tuy nhiên, quy định hiện hành mới quy định Thẻ thẩm định viên bị thu hồi trong các trường hợp gian lận để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá mà chưa quy định trường hợp thu hồi khi thẩm định viên về giá có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình hành nghề. Tham khảo một số các quy định về thu hồi các giấy phép, chứng chỉ hành nghề (như chứng chỉ hành nghề luật sư tại Luật Luật sư, chứng chỉ hành nghề dược tại Luật Dược…) cho thấy nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn chứng chỉ hành nghề từ 02 lần trở lên thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, những trường hợp đã được cấp Thẻ thẩm định viên về giá mà bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên thì cũng cần thiết phải thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật Giá về người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên không được hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.
Góp ý: Nếu đã có quy định về thu hồi thẻ hành nghề thì cũng nên có quy định về điều kiện được cấp lại hoặc thu hồi vĩnh viễn không cho thi lại và /hoặc cho thi lại khi thẩm định viên về giá mãn hạn hình phạt hoặc đã được xoá án tích để đảm bảo quyền công dân.
2. Góp ý thứ hai
b) Khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định: Bổ sung Điều 8b vào Điều 8 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, cụ thể:
- Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c Khoản 1 hoặc điểm c Khoản 2 hoặc điểm c Khoản 3 hoặc điểm c Khoản 4 hoặc điểm c Khoản 5 Điều 39 Luật giá ;
- Đồng thời có ít nhất 3 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá.
Lý do bổ sung: Luật giá quy định người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP khi cụ thể hóa quy định trên tại Luật giá chưa quy định riêng về điều kiện của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp với tư cách người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Hiện nay, điều kiện đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá không có sự khác biệt với các thẩm định viên về giá của doanh nghiệp. Thực tế đó dẫn đến thẩm định viên mới được cấp Thẻ thẩm định viên về giá, chưa có kinh nghiệm thực tế hành nghề thẩm định giá, chưa xây dựng được uy tín với khách hàng đã đăng ký hành nghề thẩm định giá với tư cách người đại diện pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá và để thu hút khách hàng thường cạnh tranh bằng hạ giá dịch vụ thay vì cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Do đó, cần thiết bổ sung quy định trên nhằm tăng cường chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá. Quy định này có thể làm tăng điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh thẩm định giá. Tuy nhiên, đối với loại hình kinh doanh có điều kiện có tính chuyên môn cao, kết quả tư vấn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá thì quy định này thực sự cần thiết.
Góp ý:
- Nếu mục đích quy định như trên cần bổ sung cho số lượng mỗi loại tài sản như Bất động sản, động sản, giá trị doanh nghiệp vì khi đã thành lập được doanh nghiệp thì họ đều có thể ký toàn bộ các loại tài sản theo nhu cầu thẩm định giá.
- Chúng tôi ủng hộ việc tăng cường chất lượng hoạt động thẩm định giá, tuy nhiên việc quy định giám đốc thẩm định giá quy định như vậy áp dụng với cả các doanh nghiệp đã hoạt động là quá khắt khe, không cần thiết vì Thẩm định viên chịu trách nhiệm về chuyên môn, Giám đốc là đại diện cho pháp nhân chỉ cần có kiến thức cơ bản đã được học và thi đạt kết quả là được rồi. Quy định này chỉ nên hướng đến quản lý chất lượng của doanh nghiệp thành lập mới sẽ hợp lý hơn, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp đã thành lập từ lâu, có nhu cầu thay đổi hoặc bổ sung người đại diện do yêu cầu của chủ sở hữu doanh nghiệp và / hoặc trường hợp giám đốc chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp và /hoặc trợ lý thẩm định giá đã hành nghề nhiều năm nhưng mới đạt điểm tại kỳ thi thẻ thẩm định giá …
3. Góp ý thứ ba
c) Khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định: 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP về trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá như sau:
“7. Doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 39 của Luật Giá”.
Lý do bổ sung: nhằm tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp đã được Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nhưng trong quá trình hoạt động không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 39 của Luật giá mà chưa đến thời hạn 03 tháng bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật giá.
Góp ý: Nên để thời gian dự phòng cho Doanh nghiệp, tránh phát sinh ngoài kế hoạch, bị lệ thuộc vào cá nhân thẩm định viên khi muốn kết thúc hợp đồng đột xuất. Chất lượng thẩm định giá theo tiêu chuẩn TĐGVN là còn đủ Thẩm định viên về giá ký Chứng thư và đại diện pháp nhân đủ điều kiện (phải là thẩm định viên về giá) là yêu cầu tiên quyết, thẩm định viên về giá thứ ba có hay không cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của Chứng thư phát hành trong thời gian này. Điều 39 Luật giá quy định cho trường hợp thành lập mới, không quy định điều kiện của doanh nghiệp đang trong thời gian hoạt động.
4. Góp ý thứ tư
đ) Khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị định: Sửa đổi, bổ sung điểm d và e Khoản 1 Điều 14; bổ sung điểm h vào Khoản 1 Điều 14; sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Bổ sung thêm tài liệu chứng minh việc đóng bảo hiểm xã hội của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp (Điểm d Khoản 1 Điều 14).
Lý do: nhằm tăng cường quản lý thẩm định viên về giá, bảo đảm thẩm định viên về giá thực sự làm việc tại doanh nghiệp, tránh tình trạng ký hợp đồng lao động mang tính hình thức (cho thuê Thẻ thẩm định viên) để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, nhưng thực tế không làm việc tại doanh nghiệp.
Góp ý:
Theo Khoản 1, Khoản 9, Điều 9 Luật Việc làm quy định như sau: [Những hành vi bị nghiêm cấm] quy định như sau: “1. Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp ; 6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động”
Theo Khoản 1, Điều 10, Luật Lao động quy định về [Quyền làm việc của người lao động] như sau:“1. Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”
Theo khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành như sau:
“Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.”
Như vậy, luật pháp không cấm người lao động làm việc 2 nơi thì không nên đặt ra quy định này. Người lao động có đủ điều kiện vẫn có thể tham gia hoạt động Thẩm định giá trong khoảng thời gian nhàn rỗi do công việc có thu nhập chính chính có tính thời vụ hoặc bán thời gian … . Việc cho thuê cho mượn có thể được quản lý qua công tác kiểm tra số lượng chứng thư ký trong năm sẽ biết chắc chắn Thẩm định viên về giá có hành nghề hay không, không nhất thiết phải đặt ra quy định này.
Nếu quy định như dự thảo sẽ có trường hợp doanh nghiệp (Công ty TNHH hai thành viên, Hợp danh, cổ phần) có 3 thẩm định viên về giá, theo quy định sẽ có 02 người trong đó là thành viên góp vốn, nếu có hơn 01 hoặc 02 người đang đóng bảo hiểm nơi khác sẽ không được ký chứng thư thẩm định giá mặc dù vẫn đang đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, như vậy sẽ gián tiếp điều chỉnh bổ sung Khoản 2, 3, 4, 5, Điều 39 của Luật Giá [Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá] là tối thiểu phải có 03 thẩm định viên đăng ký hành nghề và phải đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp thẩm định giá. Việc quy định bổ sung điều kiện như vậy là vượt thẩm quyền của Chính phủ theo Khoản 6 Điều 39 “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá”, không được bổ sung điều kiện cấp giấy phép hành nghề đã được quy định trong Luật.
5. Góp ý thứ năm
- Bổ sung danh sách có xác nhận của doanh nghiệp về vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần (Điểm h Khoản 1 Điều 14). Thực tế sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, tại một số doanh nghiệp thẩm định giá, tỷ lệ vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông có thể thay đổi so với thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận, mà điều này lại ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá.
Góp ý: Đây là quy định của Luật doanh nghiệp, việc kiểm tra có đóng đủ vốn hay không thuộc phạm vi quản lý của Sở kế hoạch đầu tư nơi cấp đăng ký kinh doanh, không nên đặt ra nội dung này dẫn đến song trùng quản lý.
Nên quy định bổ sung về chế độ bắt buộc phải báo cáo bằng văn bản khi có biến động trong quá trình hoạt động khi doanh nghiệp thẩm định giá có thay đổi về số lượng thành viên, cổ đông (không cần thông báo khi thay đổi tỷ lệ góp vốn) là thẩm định viên về giá thuộc điều kiện thành lập doanh nghiệp quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 89/2013/NĐ-CP
6. Góp ý thứ sáu
- Bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp. Lý do: để có căn cứ xác định thẩm định viên không thuộc các trường hợp không được hành nghề thẩm định giá theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 36 Luật giá.
e) Khoản 6 Điều 1 dự thảo Nghị định: Sửa đổi, bổ sung điểm đ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP theo hướng bổ sung trường hợp doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi thay đổi “cổ đông hoặc thành viên góp vốn” hoặc “có thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp: bị cấm hành nghề thẩm định giá theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên; có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ thì doanh nghiệp thẩm định giá có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong trường hợp thay đổi dẫn đến không bảo đảm một trong các điều kiện cấp Giấy chứng nhận quy định tại Điều 39 của Luật Giá, nghĩa là liên quan cổ đông, thành viên góp vốn, hiện doanh nghiệp thẩm định giá chỉ phải thông báo nếu việc chuyển nhượng vốn góp, cổ phần dẫn đến doanh nghiệp không bảo đảm ít nhất 2 thành viên góp vốn hoặc cổ đông là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thông tin về thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp thẩm định giá cũng rất quan trọng bởi đây là cơ sở xác định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá do có liên quan về thành viên góp vốn, cổ đông với khách hàng thẩm định giá. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá, đề nghị bổ sung yêu cầu thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi doanh nghiệp có thay đổi cổ đông hoặc thành viên góp vốn.
Góp ý:
Nếu bắt buộc phải có thì bao nhiêu năm mới phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp 1 lần??? và ngay khi bị kết án thì ai sẽ cung cấp phiếu lý lịch tư pháp, nếu không cung cấp được trong thời gian thụ án thì trách nhiệm thuộc về cá nhân hay tổ chức thẩm định giá???
Từ đó cho thấy việc cung cấp lý lịch tư pháp chỉ nên quản lý trước khi cấp thẻ thẩm định viên về giá lần đầu, thành viên góp vốn, cổ đông góp vốn là thẩm định viên về giá có liên quan đến điều kiện hành nghề vì trong suốt quá trình hoạt động, cơ quan quản lý chuyên môn là Cục quản lý Giá đã phải mở sổ theo dõi biến động của từng thẩm định viên về giá và đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá, không nên thêm thủ tục hành chính cho thẩm định viên vừa mất thời gian vừa khó đảm bảo tính thời sự.
7. Góp ý thứ bảy
g) Khoản 7 Điều 1 dự thảo Nghị định: Bổ sung khoản 4 và 5 vào sau khoản 3 Điều 20 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP như sau:
“- Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đó không được là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của một doanh nghiệp thẩm định giá.”
Góp ý: Thêm chữ cho rõ nghĩa: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đó không được chuyển sang làm người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của một doanh nghiệp thẩm định giá khác.”
8. Góp ý thứ tám
- Doanh nghiệp không phát hành Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá trong 12 tháng liên tục thuộc trường hợp không kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong 12 tháng liên tục quy định tại điểm b khoản 2 Điều 40 của Luật giá.
Các quy định trên nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp thẩm định giá vừa bị thu hồi Giấy chứng nhận thì người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đó đã thành lập một doanh nghiệp khác và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận để được tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời, thống nhất về cách hiểu không kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong 12 tháng liên tục để có thể thực hiện.
Góp ý: Quy định cần thống nhất đơn vị thời gian, 12 tháng và 1 năm có thể hiểu khác nhau nếu làm tròn như quy định trong Nghị định 89/2013/NĐ-CP. Nếu mục đích để giảm thiểu tình trạng bị tạm ngừng hoạt động nhưng các Thẩm định viên về giá thành lập doanh nghiệp mới thì có thể quy định cụ thể hơn, ví dụ:
“Các cá nhân liên quan trực tiếp đến việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá do có hành vi vi phạm gồm thẩm định viên về giá, đại diện doanh nghiệp đồng thời là thẩm định viên giá (không bao gồm trường hợp doanh nghiệp chủ động ngừng hoạt động đến 12 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 40 của Luật giá) không được tiếp tục hành nghề thẩm định giá tài sản trong thời gian tương ứng với thời gian ngừng hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá theo quyết định xử phạt hành chính”
Quy định như vậy để tránh cho các csa nhân, doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động vì lý do khách quan không có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về hành nghề dẫn đến phải thu hồi giấy phép, thẻ thẩm định viên về giá vẫn có thể chuyển sang doanh nghiệp khác.
9. Góp ý thứ chín
h) Khoản 8 Điều 1 dự thảo: Bổ sung khoản 3 vào sau Khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP như sau :
“3. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm gửi 01 bản sao Báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc Kết luận thẩm định giá tài sản về Bộ Tài chính để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, góp phần cung cấp thông tin kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá.”
Quy định như vậy phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá. Cụ thể: Khoản 2 Điều 8 Luật giá quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Đồng thời, tại Điểm o Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: “Quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá.” Tuy nhiên, trong thực tế, đối với hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trung ương thực hiện thì chưa có quy định cụ thể yêu cầu các đơn vị trên phải thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về Bộ Tài chính và Bộ Tài chính gần như không có thông tin, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá nhà nước. Trong khi đó, việc xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá căn cứ vào quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành, nhiều trường hợp, Hội đồng thẩm định giá cũng thuê doanh nghiệp thẩm định giá để có thêm thông tin phục vụ cho việc thẩm định giá của Hội đồng. Vì vậy, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá gửi 01 bản sao hồ sơ thẩm định giá về Bộ Tài chính để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, góp phần cung cấp thông tin kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá.
Góp ý:
Quy định này không rõ ràng và khó khả thi vì “Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá” có thể hiểu là khách hàng đề nghị thẩm định giá, có nhiều loại tài sản mà khách hàng mua sắm tài sản không thành lập hội đồng và thành phần Hội đồng thường không có kiến thức về thẩm định giá, nên sẽ không ai chuyển hoặc chuyển không đủ thông tin.
Do đó đề xuất sửa quy định là “Đối với các hợp đồng thẩm định giá mua sắm mới tài sản có sử dụng nguồn vốn ngân sách thì trong thời gian tối đa … ngày (hoặc gửi cùng Báo cáo năm), tổ chức thẩm định giá phải đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ thẩm định giá được số hoá (bản pdf) và bản kê doanh mục chi tiết kết quả thẩm định giá tài sản về địa chỉ email của Bộ Tài chính để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, góp phần cung cấp thông tin kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá”
Như vậy có thể giảm thiểu được 2 việc: Thứ nhất: giảm diện tích kho lưu trữ; Thứ hai: giảm công việc cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bộ Tài chính cân nhắc trong việc phải thành lập một bộ phận có số lượng nhân lực và trình độ chuyên môn tương ứng để vận hành việc cập nhật khi có quy định này. Đội ngũ này có yêu cầu trình độc chuyên môn cao vì khi tiếp nhận kết quả thẩm định giá trong trong hồ sơ gửi đến không đảm bảo điều kiện nhập cơ sở dữ liệu sẽ phát sinh nhiều tình huống như:
+ Không có Báo cáo kết quả thẩm định giá ;
+ Thiếu thành phần báo giá, hoặc phiếu khảo sát ;
+ Không có tiêu chí kỹ thuật, không rõ có bao gồm thuế hay chưa …
Khi phát hiện thì chế tài xử lý như thế nào vì chứng thư đã ban hành, có hiệu lực và có thể đã được sử dụng kết quả thẩm định giá rồi? Thẩm quyền xử lý đến đâu khi thấy sai rõ ràng nhưng không được phép xử lý như: để xác định được tài sản thẩm định sẽ dẫn đến cơ sở dữ liệu có nhưng không dùng được vì không biết cụ thể tài sản đấy là loại nào chưa kể là điều kiện thương mại đặc thù sẽ dẫn đến giá tài sản có chênh lệch không thể xác định làm nhiễu loạn, mất tác dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Những lưu ý khác khi xây dựng cơ sở dữ liệu:
+ Đối với tài sản thanh lý, mua bán tài sản cũ, đã qua sử dụng rất khó sử dụng thông tin này làm cơ sở dữ liệu vì không có mặt bằng về chất lượng còn lại, kiến nghị không cần thiết phải thu thập vào cơ sở dữ liệu.
+ Đối với tài sản mua sắm không có nguồn gốc ngân sách không nên thu thập thông tin vì vi phạm quy định về bảo mật trong các hợp đồng thẩm định giá do khách hàng yêu cầu theo Luật Dân sự.
+ Đối với tài sản dùng trong đấu thầu nên có khoảng thời gian chuyển thông tin hợp lý tránh việc rò rỉ thông tin trước thời điểm đóng thầu.
+ Nên giới hạn loại tài sản cần thu thập cơ sở dữ liệu để tránh việc phân loại thông tin mất nhiều thời gian; Hướng xử lý các tình huống trong cùng một chứng thư, kết quả thẩm định giá giá tài sản bao gồm cả những loại tài sản không cần thu thập thông tin giá.
+ Tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn thông tin này vào cơ sở dữ liệu quốc gia vì nếu khi đã có quy định rõ ràng thì phải thực hiện trong khi chi phí tiền của, công sức và mức độ hiệu quả có thể không tương xứng.
II. Bổ sung một số điều khoản cần điều chỉnh, bổ sung gồm:
1. Quy định cụ thể hơn Tiết b, Khoản 1, Điều 19. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
“b) Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá, bao gồm: - Không tuân thủ Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.”
Ý nghĩa của câu “Không tuân thủ Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” là quy định không rõ ràng, mơ hồ, quá rộng nhưng lại thuộc lỗi nghiêm trọng có thể bị đình chỉ kinh doanh.
Góp ý: Cần quy định cụ thể hơn hoặc bỏ nội dung này để tránh các nội dung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có đưa ra nhận định cùng nội dung nhưng không hoặc chưa đến mức phải đình chỉ hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp.
2. Điều chỉnh bổ sung Điều 5. Thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá
Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý.
Tại các Tiết l, Khoản 2; Tiết c Khoản 3 và Tiết c Khoản 4 của Điều 5 của Nghị định có quy định
“l) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá”
“c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý”
“c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.”
Góp ý: Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến cơ quan quản lý các bộ ngành, địa phương và Bộ Tài chính đều ngang nhau trong ”giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý” trong khi các bộ ngành địa phương không phải là cơ quan có chuyên môn nhất về thẩm định giá. Nếu kết quả xử lý khiếu nại không đảm bảo mức độ chuyên môn mà tiếp tục khiếu nại sẽ dẫn thẳng lên Thủ tướng chỉ đạo theo Khoản 1, Điều 5, các bên khiếu nại có thể lựa chọn cơ quan giải quyết khiếu nại vì đều có vai trò ngang nhau trong khi trình độ chuyên môn khác nhau.
Cần có quy định cụ thể hơn về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết quả thẩm định giá cuối cùng, trường hợp vẫn có quy định các bộ ngành địa phương được xác định là cơ quan giải quyết thì cần thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại tố cáo phải có thành phần của Bộ Tài chính và / hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính vào kết quả xử lý khiếu nại có liên quan đến hoạt động thẩm định giá để trành việc đơn thư khiếu nại gửi đến nhiều nơi đều đúng thẩm quyền và có thể có các hình thức, nội dung giải quyết đồng cấp nhưng không giống nhau.
3. Quy định về thẩm định giá Nhà nước
Mặc dù Luật Giá có quy định về Định giá và Thẩm định giá Nhà nước, tuy nhiên tại các địa phương và bộ ngành không thống nhất về tên các Hội đồng được thành lập có liên quan về giá quy định trong Luật mà thông thường chỉ thành lập Hội đồng Định giá mà không thành lập Hội đồng Thẩm định giá Nhà nước là chưa phù hợp với quy định của Điều 45 Luật Giá và Mục 4 của Nghị định 89/2013/NĐ-CP.
Góp ý: Cần có quy định rõ ràng hơn vì hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Giá chỉ có quy định vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá chứ không có quy định tương tự cho Hội đồng Định giá
Trên đây là nội dung Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt nam góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá theo công văn số 11809/BTC-QLG gửi Bộ Tài chính xem xét, quyết định./.