VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/11/2024 20:01:23
CÔNG TY TNHH THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ GIÁM ĐỊNH VIỆT NAM ---------------------------------- Số: 69/CV-VAI Góp ý dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------------- Hà Nội, ngày 7 tháng 5 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính
Căn cứ công văn số 95/QLG-CSG-TĐG ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính về việc góp ý vào dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá, sau khi nghiên cứu dự thảo và thảo luận trong nội bộ, Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam có một số góp ý sau:
I. GÓP Ý CHUNG
Về cơ bản, các nội dung quy định trong Dự thảo là hợp lý, đảm bảo việc cập nhật kiến thức chuyên môn trong và ngoài nước, phổ biến kiến thức pháp luật thay đổi hàng năm mà trước đây chưa thực hiện, tuy nhiên còn một số nội dung cần nghiên cứu bổ sung như sau:
1. Bộ Tài chính là cơ quan chuyên môn xét duyệt kết quả nên các tổ chức đơn vị đào tạo phải gửi danh sách và đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng của mỗi học viên để Bộ kiểm tra trước sau đó mới cho phép khi đơn vị đào tạo quyết định cấp chứng chỉ, chứng nhận cho mỗi cá nhân (tránh việc có quyết định nhưng lại phải điều chỉnh theo kết quả thẩm định của Bộ).
2. Chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ công chức làm thẩm định ngắn ngày hơn của thẩm định viên, thời hạn có hiệu lực của Chứng chỉ không có, không quy định thời gian bổ sung kiến thức hàng năm là chưa phù hợp do:
- Việc cấp Chứng chỉ bồi dưỡng không qua kỳ thi cấp quốc gia (như đối với thì thẻ thẩm định viên về giá), chứng chỉ không có thời hạn làm giảm chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý;
- Thẩm định viên nhà nước là người xem xét, kiểm tra kết quả của thẩm định viên nhưng lại có thời gian đào tạo ngắn ngày đương nhiên về trình độ không so sánh được với Thẩm định viên là không hợp lý;
- Không có chính sách bổ sung kiến thức hàng năm làm cho Thẩm định giá Nhà nước, không cập nhật được kiến thức về ngành, pháp luật có liên quan mà chỉ tập trung vào một lĩnh vực ngành quả lý nhà nước tại nơi làm việc, thiếu kiến thức tổng quát.
3. Xem xét rút ngắn thời gian bổ sung kiến thức cho thẩm định viên không cần quá dài, địa điểm tổ chức nên phân bố đồng đều trong cả nước, số lượng tối thiều là 2 khoá một năm cho mỗi miền để tạo điều kiện cho thẩm định viên có thể tham gia và giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến công việc thường xuyên.
4. Bộ Tài chính cần cân nhắc việc trực tiếp thiết kế mẫu, quản lý phôi chứng chỉ đào tạo hoặc giao cho Hội Thẩm định giá quản lý in ấn, phát hành, quyết toán như dạng biên lai ấn chỉ để phù hợp với việc theo dõi, quản lý phù hợp với số lượng người được đào tạo, giảm thiểu công việc hành chính không cần thiết.
II. GÓP Ý CỤ THỂ TỪNG NỘI DUNG
1. Điều 6. Tiêu chuẩn học viên tham dự khoá đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá
Không nên quy định những tiêu chuẩn có tính định tính, không thể xác định rõ ràng, do vậy nên điều chỉnh khoản 1 như sau:
“1. Có đủ năng lực hành vi dân sự, có lý lịch rõ ràng, đăng ký tham gia và nộp đủ các hồ sơ cá nhân, chi phí đào tạo có liên quan do đơn vị tổ chức đào tạo yêu cầu.”
2. Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị tổ chức đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá
Điều chỉnh mục d) khoản 2 điều 9 để tránh nhầm lẫn giữa việc cơ sở tự in phôi thành
“d) Chi trả các khoản chi phí cần thiết để mua phôi chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, chi phí quản lý cho đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thực hiện in, quản lý phát hành.”
3. Điều 14: Cấp chứng chỉ đạo tạo nghiệp vụ thẩm định giá
“2. Kết thúc mỗi khoá đào tạo, đơn vị tổ chức khoá học gửi Báo cáo kết quả đào tạo kèm theo Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học (phụ lục số 06) và đề nghị được cấp chứng chỉ đào tạo về Bộ Tài chính để xem xét, chấp thuận danh sách học viên được cấp chứng chỉ để đơn vị đào tạo ra Quyết định cấp chứng chỉ đào tạo Nghiệp vụ thẩm định giá.”
“5. Cấp lại, xác nhận kết quả đạo tạo
Trường hợp Chứng chỉ còn thời hạn sử dụng bị mất: Học viên phải liên hệ với đơn vị, tổ chức đã cấp chứng chỉ làm thủ tục xin cấp lại Chứng chỉ và hoặc Giấy xác nhận
Trường hợp trong thời gian chờ nhận Chứng chỉ nhưng cần có xác nhận kết quả trước để phục vụ tham gia kỳ thi thẻ thẩm định viên về giá hoặc mục đích khác có thể đề nghị đơn vị tổ chức khoá đào tạo xác nhận kết quả thi trước khi có Chứng chỉ của Bộ Tài chính phát hành. Đơn vị tổ chức khoá đào tạo xác nhận kết quả thi phải chịu trách nhiệm về kết quả đã xác nhận đúng với kết quả của các nhân đã thi, phù hợp với báo cáo đã gửi Bộ Tài chính xem xét chấp nhận cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá”
4. Điều 18: Trình tự tổ chức khoá bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá
Điều chỉnh mục a khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khoá bồi dưỡng (từng khoá), đơn vị tổ chức khoá học gửi:
a. Báo cáo kết quả đào tạo;
b. Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học (phụ lục số 06) và đề nghị được cấp chứng chỉ đào tạo về Bộ Tài chính”
5. Điều 20: Kiểm tra đánh giá kết quả học tập và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá
“b) Kết thúc mỗi khoá đào tạo, đơn vị tổ chức khoá học gửi Báo cáo kết quả đào tạo kèm theo Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học (phụ lục số 06) và đề nghị được cấp chứng chỉ đào tạo về Bộ Tài chính để xem xét, chấp thuận danh sách học viên được cấp chứng chỉ để đơn vị đào tạo ra Quyết định cấp chứng chỉ đào tạo Nghiệp vụ thẩm định giá.”
“d) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cho cán bộ công chức có giá trị trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ. Quá thời hạn 05 năm học viên có yêu cầu cấp lại Chứng chỉ phải học lại khoá đào tạo từ đầu”
6. Điều 22: Đối tượng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá
“1. Thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề, đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá.
2. Thẩm định viên về giá chưa đăng ký hành nghề hoặc chưa đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá (đình chỉ hoạt động, thiếu năng lục pháp lý ... ) mà thời gian tính từ ngày được cấp thẻ thẩm định viên về giá đến ngày đăng ký hành nghề thẩm định giá quá 12 tháng.
3. Đối tượng khác (đang hoạt động thẩm định, là trợ lý thẩm định đang làm việc tại các doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá ...) có nhu cầu được đào tạo, bổ sung kiến thức: đang hoạt động thẩm định, là trợ lý thẩm định”
7. Điều 24: Trình tự tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá
“7. Chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khoá bồi dưỡng (từng khoá), đơn vị tổ chức khoá học gửi:
a. Báo cáo kết quả đào tạo;
b. Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học (phụ lục số 06) và đề nghị được cấp chứng chỉ đào tạo về Bộ Tài chính”
8. Điều 25: Quyền và nghĩa vụ của đơn vị tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá
Điều chỉnh mục d) khoản 2 điều 25 để tránh nhầm lẫn giữa việc cơ sở tự in phôi thành
“d) Chi trả các khoản chi phí cần thiết để mua phôi chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, chi phí quản lý cho đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thực hiện in, quản lý phát hành.”
9. Điều 26: Hình thức, nội dung, tài liệu và thời gian bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá
Điều chỉnh mục d) khoản 2 điều 25 để tránh nhầm lẫn giữa việc cơ sở tự in phôi thành
“1. Hình thức bồi dưỡng kiến thức:
a. Lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá được tổ chức tập trung một kỳ liên tục (không dưới 3 ngày và không quá 5 ngày) và phải đảm bảo đủ thời gian và nội dung, tài liệu theo các quy định tại Thông tư này”
“4. Thời gian bồi dưỡng kiến thức
a) Thời gian bồi dưỡng kiến thức tối thiểu 24 giờ liên tục trong năm trước liền kề năm đăng ký hành nghề thẩm định giá (không bao gồm Thẩm định viên mới được cấp chứng chỉ Thẩm định viên về giá trong vòng 12 tháng) trong đó có tối thiểu 08 giờ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thẩm định giá và 04 giờ bồi dưỡng kiến thức về đạo đức nghề nghiệp.
b) Thẩm định viên về giá không hành nghề thẩm định giá trong thời gian từ 02 năm liên tục trở lên trước năm đăng ký hành nghề thẩm định giá phải học lại, được cấp lại Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá cho người dự thi lấy thẻ thẩm định viên về giá và có thời gian bồi dưỡng kiến thức tối thiểu 24 giờ liên tục trong năm trước liền kề năm đăng ký hành nghề thẩm định giá.”
Việc giảm thời gian đào tạo xuống đảm bảo không mất quá nhiều thời gian của học viên do lượng kiến thức về pháp luật hàng năm không biến động quá nhiều, năm sau học lại của năm trước gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Trường hợp có biến động lớn thì Bộ Tài chính chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo, yêu cầu tăng số giờ.
Việc quy định như khoản b) mục 4 điều này không làm cho thẩm định viên chưa đăng ký hành nghề phải học 2 khoá liên tục cùng một giáo trình đào tạo gây lãng phí tiền và thời gian trong khi không thay đổi về chất lượng thông tin được cập nhật.
10. Điều 30: Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá
Điều chỉnh mục b) khoản 2 như sau:
“b) Kết thúc mỗi khoá đào tạo, đơn vị tổ chức khoá học gửi Báo cáo kết quả đào tạo kèm theo Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học (phụ lục số 06) và đề nghị được cấp chứng chỉ đào tạo về Bộ Tài chính để xem xét, chấp thuận danh sách học viên được cấp chứng chỉ để đơn vị đào tạo ra Quyết định cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá.
11. Điều 31: Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá
7. Cơ quan, tổ chức đào tạo được Bộ Tài chính giao, quản lý đào tạo có trách nhiệm bố trí địa điểm đào tạo tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam; mỗi năm tối thiểu phải tổ chức 2 lớp/mỗi miền để học viên lựa chọn thời điểm tham gia thích hợp, tham gia bồi dưỡng, ổn định công việc”
Trên đây là một số ý kiến của Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam tham gia, góp ý vào hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam theo các nội dung tại công văn số 95/QLG-CSG-TĐG gửi Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính tham khảo. Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh, bổ sung các nội dung đã góp ý để thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá có căn cứ thực hiện.
Xin chân thành cảm ơn./.
Nơi nhận: - Như trên - Lưu VP |
GIÁM ĐỐC
Ngô Gia Cường |