VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
23/11/2024 15:07:57
Sau khi nghiên cứu dự thảo thông tư quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
Về cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo, vì mục đích kiểm soát, đánh giá chất lượng của các doanh nghiệp thẩm định giá sẽ tăng tính trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên chúng tôi xin góp ý bổ sung một số nội dung như sau:
1. Không gửi báo cáo thẩm định kèm theo Chứng thư thẩm định
Theo tiết b, Khoản 2 Điều 42 của Luật Giá năm 2012 quy định Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá:
“b) Cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết;”
Theo thông tin chúng tôi tôi được biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp thẩm định giá không phát hành Báo cáo thẩm định kèm theo Chứng thư báo cáo không thể hiện được chất lượng dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
Việc không gửi báo cáo thẩm định sẽ gây khó khăn trong việc kiểm tra giám sát kết quả thẩm định với các bên liên quan như cá nhân, cấp xét duyệt khi kiểm tra đối chứng kết quả và không thể quy trách nhiệm liên đới của người sử dụng kết quả thẩm định và các bên có liên quan theo hướng dẫn của tiêu chuẩn thẩm định giá VN.
Hơn nữa, nội dung báo cáo thẩm định thể hiện khối lượng công việc, lập luận phân tích và mức độ tin cậy của văn bản của Thẩm định viên đã thực hiện để khách hàng và các bên có liên quan kiểm tra, đối chiếu phù hợp với hướng dẫn của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 (TĐGVN05)
“Khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định trong tiêu chuẩn này để hợp tác với doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình thẩm định giá”
Tuy nhiên, theo Thông tư số 31/2014/TT-BTC ngày 07/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá không quy định chế tài xử phạt trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định không thực hiện gửi báo cáo thẩm định kèm theo Chứng thư.
Trong dự thảo thông tư quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá mặc dù bảng chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp đã đưa yếu tố này nhưng chấm điểm quá thấp (02 điểm) là chưa phù hợp, đề nghị thang điểm chấm là 8 đến 10 điểm.
2. Góp ý về các tiêu chuẩn chấm điểm
3.1. Doanh nghiệp lập kế hoạch thẩm định giá tại doanh nghiệp đối với từng cuộc thẩm định giá: việc này không cần thiết vì phụ thuộc vào quy mô, mức độ phức tạp, doanh nghiệp mới yêu cầu lập kế hoạch– không nên chấm điểm;
3.2. Doanh nghiệp xác định giá trị tài sản thẩm định giá: Thẩm định viên áp dụng từ 02 phương pháp thẩm định giá trở lên đối với một tài sản thẩm định giá: Quy định này cũng không phù hợp, đa phần tài sản thẩm định giá chỉ có 01 phương pháp thẩm định giá có thể áp dụng không thể tìm được phương pháp khác; đây chỉ nên coi là một lưu ý hạn chế trong Chứng thư thẩm định – không nên chấm điểm;
3.3. Doanh nghiệp cần xác định mức giá chỉ dẫn của các tài sản so sánh: trường hợp tài sản so sánh và tài sản thẩm định là giống nhau thì không bắt buộc phải lập bảng điều chỉnh để phải lập luận đưa ra mức chỉ dẫn – không nên chấm điểm;
3.4. Doanh nghiệp áp dụng phương pháp chi phí chi tiết để xác định chi phí tái tạo, chi phí thay thế đối với máy, thiết bị: trong thực tế việc này gần như không thể thực hiện được - không nên chấm điểm;
3.5. Các nội dung khác
Trừ 2 yếu tố Tham gia hội thảo, hội nghị về thẩm định giá do Bộ Tài chính tổ chức và Tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế về thẩm định giá; những yếu tố còn lại không phản ánh chất lượng của doanh nghiệp như: Nghiên cứu khoa học có thể không liên quan đến thẩm định giá; Hợp tác quốc tế là việc kinh doanh đơn thuần; Vốn điều lệ lớn trên 5 tỷ có thể do DN kinh doanh nhiều ngành nghề; số lượng chi nhánh, thẩm định viên càng lớn thì càng khó quản lý, không ảnh hưởng đến chất lượng doanh nghiệp, cần tập trung đánh giá mức độ chi tiết của quy trình thẩm định giá nội bộ thì tốt hơn.