VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
4/12/2024 00:45:54
CÔNG TY TNHH THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ GIÁM ĐỊNH VIỆT NAM ---------------------------------- Số: ......./CV-VAI Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính
Căn cứ Công văn số 11226/BTC-QLG ngày 22/8/2013 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến tham gia dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về Thẩm định giá, sau khi nghiên cứu dự thảo và thảo luận trong nội bộ, Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam xin đóng góp một số ý kiến như sau:
1. Góp ý mục b khoản 1 Điều 3 của Dự thảo:
“Đối với doanh nghiệp đang hoạt động phải có văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm đăng ký hoặc năm trước liền kề năm đăng ký).”
Việc quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp thẩm định giá hàng năm buộc phải tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính qua doanh nghiệp kiểm toán độc lập là không cần thiết, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, điều 18, điều 80, điều 84 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ tạo ra điều kiện khác biệt giữa nagnfh thẩm định giá so với các ngành nghề kinh doanh khác.
Doanh nghiệp Thẩm định giá là mô hình hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh bằng yếu tố tri thức, không yêu cầu đòi hỏi về vốn đầu tư nên không cần thiết phải có giám sát về năng lực tài chính hay vốn pháp định.
- Tại mục đ khoản 1 Điều 3 quy định:
“d)Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá doanh nghiệp, doanh nghiệp thẩm định giá phải công bố nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trên một trong các tờ báo viết hoặc báo điện tử trong 03 số liên tiếp.”
Việc Thông báo đủ điều kiện hành nghề được đăng tải công khai trên website của Bộ Tài chính đã đầy đủ yếu tố công khai điều kiện kinh doanh theo khoản c điều 3, hơn nữa các doanh nghiệp thẩm định đều đã có website riêng, khách hàng cần tìm hiểu thông tin có thể truy cập để đối chiếu điều kiện hành nghề giữa hồ sơ và thông tin của Bộ Tài chính nên không cần quy định nội dung này làm tăng chi phí của DN.
2. Góp ý mục b khoản 1 Điều 6 của Dự thảo:
Định kỳ 1 năm 2 đợt, Bộ Tài chính đã có yêu cầu nộp báo cáo ngành là đủ, việc quy định nộp báo cáo tài chính năm là không cần thiết do:
+ Bộ Tài chính không quản lý về vốn, kết quả kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá (không bao gồm doanh nghiệp Nhà nước);
+ Doanh nghiệp có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực do đó năng lực, báo cáo tài chính cũng là một trong các thông tin cần bảo mật;
+ Số liệu báo cáo 6 tháng, báo cáo năm theo báo cáo ngành và báo cáo tài chính thường là khác nhau do đó lưu giữ các thông tin này làm tăng thủ tục, chi phí hành chính không cần thiết.
3. Kiến nghị bổ sung
3.1. Cần xác định nghiệp vụ định giá, thẩm định giá nhà nước
Trong Luật Giá, Nghị định 89 và dự thảo chưa đề cập đến nghiệp vụ định giá, nghiệp vụ của thẩm định giá nhà nước tương đương với các nội dung của thẩm định viên về giá hoạt động trong tổ chức thẩm định giá độc lập cụ thể:
- Có phải thành lập tổ chức Thẩm định giá Nhà nước chuyên nghiệp (đơn vị sự nghiệp) như các Trung tâm Thẩm định giá đã thành lập trước đây hay không;
- Việc đào tạo, cấp thẻ nghề, chứng chỉ nghề, quản lý hành nghề như thế nào;
- Những thành phần nào được ký vào Chứng thư thẩm định giá Nhà nước;
- Có cần thiết ban hành mẫu văn bản cho hệ thống thẩm định giá nhà nước hay không;
- Điều 25 Nghị định 89/2013/NĐ-CP cho phép “rút gọn một số bước” trong trình tự thực hiện có đảm bảo kết quả thẩm định hay không, cụ thể là có thể giảm được bước nào vì một số bước phức tạp, mất thời gian quyết định đến mức độ chính xác của kết quả thì không thể “rút gọn” được;
- Trường hợp thuê được thẩm định giá độc lập: Quy trình thực hiện thẩm định giá lại từ đầu hay chỉ thực hiện kiểm tra một số nội dung trong chứng thư đã thuê thực hiện và có cần thiết lập chứng thư và báo cáo thẩm định hay không (hiện nay thường thực hiện theo cơ chế Hội đồng, làm tờ trình lên cấp trên ra quyết định).
Theo chúng tôi hiểu, nghiệp vụ định giá, nghiệp vụ thẩm định giá độc lập hay thẩm định giá Nhà nước đều thực hiện giống nhau nhưng khác biệt là do mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức thực hiện nghiệp vụ thẩm định với đối tượng thẩm định.
+ Thẩm định giá độc lập là độc lập về mặt quyền lợi, lợi ích từ kết quả thẩm định (ngoại trừ trường hợp giá trị dịch vụ tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản thẩm định nhưng mức độ ảnh hưởng không đáng kể).
+ Hội đồng thẩm định giá, Thẩm định giá nhà nước tiến hành thẩm định giá, định giá tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước, theo mặt lý thuyết là không độc lập về quyền lợi với tài sản thẩm định trong các trường hợp mua sắm tài sản có nguồn vốn từ Ngân sách; định giá đất thuê, đất giao có thu tiền sử dụng đất ...
Do đó nghiệp vụ thẩm định giá Nhà nước phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành, việc tạo ra quy trình giản đơn, rút gọn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện có thể dễ dàng vi phạm nghiệp vụ thẩm định giá, ảnh hưởng đến mức độ chính xác của kết quả thẩm định giá.
3.2. Phương pháp định giá:
Điều 22. của Luật Giá quy định
“a) Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ;
b) Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.”
Nếu theo hướng quy định của Luật, nghiệp vụ thẩm định giá và nghiệp vụ định giá sẽ khác nhau. Trường hợp có các phương pháp thẩm định giá khác, tổ chức thẩm định giá độc lập thực hiện thì nghiệp vụ nào được ưu tiên trước, có cần thiết phải có đào tạo, cấp thẻ hành nghề đối với từng lĩnh vực hay không (hiện nay đang cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng, định giá bất động sản ... hoặc Hội đồng định giá đất có hướng dẫn riêng về định giá đất thuê, đất giao có thu tiền sử dụng đất)
3.3. Kết quả thẩm định giá
- Điều 4 của Luật Giá,
“16. Báo cáo kết quả thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá lập, trong đó nêu rõ quá trình thẩm định giá, kết quả thẩm định giá và ý kiến của doanh nghiệp thẩm định giá về giá trị của tài sản được thẩm định để khách hàng và các bên liên quan có căn cứ sử dụng cho mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá.”
Nghị định 89/2013/NĐ-CP không nêu rõ Chứng thư thẩm định giá có bắt buộc phải gửi kèm Báo cáo thẩm định giá cho khách hàng hay không.
- Điều 4 của Luật Giá đưa khái niệm
“15. Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.”
Trong khi tại Điều 32. Kết quả thẩm định giá của Luật Giá quy định
“3. Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.”
Như vậy “thời điểm thẩm định” và khoảng thời gian “trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.” có sự khác biệt hay không.
Trên đây là một số ý kiến của Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam tham gia vào dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP gửi Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính tham khảo. Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh, bổ sung các nội dung đã góp ý để thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá có căn cứ thực hiện.
Xin chân thành cảm ơn./.
Nơi nhận: - Như trên - Lưu VP |
GIÁM ĐỐC
Ngô Gia Cường |