VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
3/4/2025 23:20:45
KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH THẨM ĐỊNH GIÁ
Hướng dẫn về thủ tục định giá, thẩm định giá tài sản theo Bộ luật tố tụng Dân sự
Ngày 28/03/2014 liên ngành: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC hướng dẫn thi hành Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, trong đó hướng dẫn quy trình, trình tự thực hiện định giá tài sản trong các vụ tranh chấp tài sản cơ bản như sau:
1. Nguyên tắc định giá tài sản
- Các bên đương sự tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản. Nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên thoả thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
- Việc định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá; Kết quả thẩm định giá phải bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, đúng quy định của pháp luật; Giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam;
- Trường hợp tài sản định giá không còn thì việc xác định giá căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc hoặc tham khảo giá của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định. Tài sản cùng loại, tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật được xác định theo quy định của pháp luật.
- Thỏa thuận về việc xác định giá tài sản đang tranh chấp phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ nguyên tắc nêu trên; Người tham gia thoả thuận về xác định giá tài sản phải là đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự; Các bên tham gia thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện; Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản, có chữ ký các bên tham gia thỏa thuận.
2. Trình tự thực hiện thẩm định giá tài sản tranh chấp
- Thỏa thuận về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản: Tổ chức thẩm định giá được lựa chọn phải đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.
- Yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản: Tên tổ chức thẩm định giá phải được thông báo cho các bên đương sự được biết các bên thống nhất và hoặc không có ý kiến phản đối; Toà án gửi văn bản yêu cầu tổ chức thẩm định giá. Trong trường hợp có đương sự không đồng ý về tổ chức thẩm định giá, thì các đương sự có quyền yêu cầu Toà án định giá tài sản theo quy định.
- Trình tự thực hiện yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản tiến hành thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của đương sự:
+ Toà án ban hành văn bản yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành thẩm định giá tài sản đang tranh chấp; trương hợp tổ chức thẩm định giá từ chối thực hiện thì Tòa án thông báo cho đương sự biết để lựa chọn tổ chức thẩm định giá khác.
+ Việc tiến hành thủ tục thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá được tiến hành theo quy định về pháp luật thẩm định giá tài sản.
+ Ngay sau khi có kết quả thẩm định giá, tổ chức thẩm định giá tài sản phải gửi kết quả thẩm định giá cho Toà án. Tòa án thông báo kết quả định giá cho các bên đương sự có liên quan đến việc định giá tài sản; Kết quả thẩm định giá được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự thủ tục định giá tài sản
- Tòa án ra Quyết định định giá tài sản khi có đơn yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án ra Quyết định định giá tài sản mà không phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự khi có căn cứ xác định các bên thoả thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
- Tòa án phải xác định tài sản cần định giá: Nội dung này không có hướng dẫn cụ thể và có nội dung trùng với quyền hạn của Hội đồng định giá
- Thủ tục thành lập Hội đồng định giá và ra Quyết định định giá tài sản: Toà án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp cử người đại diện làm Chủ tịch Hội đồng định giá, các cơ quan chuyên môn khác có thẩm quyền cử người có trình độ chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá tham gia làm thành viên Hội đồng định giá; Các thành viên của Hội đồng định giá phải đảm bảo đủ điều kiện tham gia, các bên đương sự có quyền yêu cầu thay đổi thành viên hội đồgn định giá nếu phát hiện, chứung minh được sự tham gia của thành viên đó là không độc lập, khách quan đối với tài sản cần định giá; Tòa án cử một Thư ký Toà án để giúp việc cho Hội đồng định giá ghi biên bản về việc tiến hành định giá tài sản. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án mời đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản cần định giá tham gia chứng kiến việc định giá tài sản của Hội đồng định giá.
- Hội đồng định giá tài sản có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; cung cấp văn bản liên quan đến tình trạng, tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản; Đề nghị Tòa án thuê các dịch vụ cần thiết thực hiện việc định giá tài sản; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
+ Tuân thủ nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục, nội dung định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Thực hiện việc định giá tài sản theo đúng thời gian ghi trong Quyết định định giá tài sản; Kết luận về giá trị của tài sản được yêu cầu định giá và chịu trách nhiệm về kết luận đó;
- Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng định giá tài sản
+ Được nhận Quyết định định giá tài sản; Đưa ra nhận định, đánh giá về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về căn cứ, phương pháp định giá và giá trị của tài sản cần định giá; Biểu quyết để xác định giá của tài sản; Được Tòa án thông báo trước, kịp thời bằng văn bản về nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm mở phiên họp định giá tài sản và các nội dung liên quan; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định định giá tài sản và sự phân công của Chủ tịch Hội đồng định giá; Tham dự phiên họp định giá tài sản đầy đủ, đúng thời gian và địa điểm ghi trong Quyết định định giá hoặc văn bản thông báo về việc thay đổi thời gian định giá của Tòa án; Chịu trách nhiệm về nhận định, đánh giá và biểu quyết của mình được hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Quyền và nghĩa vụ của đương sự tham gia phiên họp định giá tài sản: Phát biểu ý kiến khi Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản cho phép; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản định giá đang tranh chấp; Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
- Trình tự, thủ tục phiên họp của Hội đồng định giá tài sản
- Phiên họp của Hội đồng định giá tài sản được tiến hành theo trình tự sau:
(i) Thư ký được Tòa án cử giúp việc cho Hội đồng định giá kiểm tra, xác định sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do; (ii) Chủ tịch Hội đồng định giá công bố Quyết định định giá tài sản đang tranh chấp; (iii) Hội đồng định giá tiến hành định giá đối với từng tài sản hoặc từng phần tài sản; (iiii) Đương sự phát biểu ý kiến về việc xác định giá của tài sản khi được Chủ tịch Hội đồng định giá cho phép; (iiiii) Thành viên Hội đồng định giá phát biểu ý kiến đánh giá về tài sản cần định giá và giá của tài sản cần định giá;
+ Chủ tịch Hội đồng định giá đưa ra mức giá tài sản để biểu quyết, Hội đồng định giá biểu quyết về giá tài sản. Quyết định về giá của tài sản được thông qua khi được trên 50% tổng số thành viên Hội đồng định giá biểu quyết tán thành. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn xử lý trong một số tình huống gồm:
- Xử lý trong trường hợp có hành vi cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản
- Tòa án xác định giá tài sản trong một số trường hợp khác
+ Trường hợp các bên đương sự không tự thỏa thuận được về việc xác định giá tài sản, nhưng không yêu cầu Tòa án yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá tài sản hoặc không yêu cầu Toà án thành lập Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản
+ Trường hợp có đương sự cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản;
+ Trường hợp các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra các mức giá khác nhau, thì Tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra. Trường hợp chỉ có một đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá tài sản còn các đương sự khác không đưa ra giá đối với tài sản đang tranh chấp thì Toà án xác định giá tài sản theo mức giá của đương sự đã đưa ra.
+ Sau khi Toà án xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà đương sự lại có yêu cầu định giá thì Toà án không tiến hành định giá tài sản.
+ Tiến hành định giá lại tài sản
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.
Nhận xét: Mặc dù nội dung hướng dẫn khá chi tiét nhưng vẫn chưa xử lý được hết tình huống như trường hợp không có đương sự nào yêu cầu định giá hoặc trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau giá thấp hơn giá thị trường tại thời điểm tranh chấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với Nhà nước (án phí) hoặc trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba, tuy nhiên do không có căn cứ để kết luận về giá thấp là như thế nào nên Tòa án đã chấp nhận giá thỏa thuận của các đương sự theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại thời điểm tranh chấp (là sai nguyên tắc) hoặc vấn đề chi phí định giá do đương sự không chịu tạm ứng chi phí định giá, thẩm định giá.
Để khắc phục vướng mắc trên, tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rõ: “Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Các bên thỏa thuận với nhau hoặc tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá”. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 164 BLTTDS 2015 cũng có quy định: Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
Để ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp chi phí định giá tài sản, điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ: “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Bản tin VAI
Xem đầy đủ Thông tư 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC: Tại đây