VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/12/2024 23:40:23
Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 có sở hình thành giá trị phi thị trường đã hết hiệu lực hướng dẫn:
"Giá trị thanh lý là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản sau khi trừ chi phí thanh lý ước tính.
Giá trị thanh lý phản ánh giá trị còn lại của một tài sản (trừ đất đai) khi tài sản đó đã hết hạn sử dụng và được bán thanh lý. Tài sản vẫn có thể được sửa chữa, hoặc hoán cải cho mục đích sử dụng mới hoặc có thể cung cấp những bộ phận linh kiện rời cho những tài sản khác còn hoạt động."
Sau này, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03 Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá (Ký hiệu: TĐGVN 03) Ban hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính không đưa ra khái niệm này.
- Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 430 quy định: "Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán". tại Điều 105 khái niệm. “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”
- Theo quy định tại Luật Thương mại 2005: tại khoản 8 Điều 3 quy định: "Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận" và khoản 1 Điều 3 Hàng hóa bao gồm: “Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; Những vật gắn liền với đất đai.”
Như vậy, theo khái niệm của Luật Thương mại không điều chỉnh đối tượng giao dịch chuyển nhượng - mua bán quyền sử dụng đất, không coi quyền sử dụng đất là hàng hoá. Có quan điểm cho rằng mua bán hàng hoá nhằm mục đích sinh lời còn mua bán tài sản có mục đích để sử dụng là chưa chính xác vì trong cùng một giao dịch nhưng các bên đều có thể hiểu đối tượng giao dịch là tài sản hoặc hàng hoá mà không làm thay đổi giá trị của đối tượng, nội dung giao dịch.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 35 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp phân chia thêm khái niệm chuyển nhượng và thanh lý tài sản như sau:
“3.2.1. Trường hợp nhượng bán TSCĐ dùng vào sản xuất, kinh doanh, dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án: TSCĐ nhượng bán thường là những TSCĐ không cần dùng hoặc xét thấy sử dụng không có hiệu quả."
"3.2.2. Trường hợp thanh lý TSCĐ: TSCĐ thanh lý là những TSCĐ hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.”
Mặc dù nội dung thông tư chỉ hướng dẫn thủ tục nội bộ của bên bán có hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng khác với thanh lý nhưng chỉ áp dụng cho đối tượng là bên bán có tài sản (đủ tiêu chuẩn là Tài sản cố định theo Luật kế toán), không hướng dẫn cho bên mua. Về bản chất động từ thanh lý hay chuyển nhượng đều chỉ đến hành vi giao dịch chuyển quyền sở hữu, sử dụng hàng hoá, tài sản cho bên khác mà thôi.
* Các khái niệm để tham khảo khác:
Theo từ điển Anh - Việt: Thanh lý tiếng Anh được dịch là (Dt) liquidation; (Đt) Liquidate
Theo VAI: Thanh lý là danh động từ thường được dùng từ thời bao cấp, chỉ hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản (của cải) cho người khác khi chủ sở hữu tài sản không có nhu cầu sử dụng, sở hữu (tương đương với bán).