VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
23/11/2024 15:07:31
KHUYẾN HỌC (lấy tích nay kể truyện xưa)
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một phủ nghèo ở miền trung xứ An Nam nhân đột xuất có một khoản kha khá muốn xây một công trình tâm linh vừa dùng để có nơi sinh hoạt cho dân đen mỗi khi đình đám hội hè, cũng vừa là để ghi dấu ấn của quan lại hàng châu phủ một thời nhưng loay hoay chưa biết làm cái gì cho phải.
Đang "bí đề" thì vừa hay có thầy phong thủy, đượctâm phúc giới thiệu là cao tay lắm, ghé qua Phủ chơi và kể chuyện của một phủ ngoài Bắc đã làm nhà “Văn Miếu” để khuyến học, đẹp mà có ý nghĩa lắm. Quan phủ thấy hay quá, vừa đúng ý, nên gọi ngay bên Công bộ sang giao việc, cứ thế, … cứ thế … mà làm, đỡ phải nghiên cứu, mẫu mã có sẵn rồi, khỏi phải lo dò dẫm hỏi ý dân .
Dự là xây theo mẫu, thấy bảo ngoài ấy bỏ bao tiền sang tận bên phương Bắc để tham khảo, xin thiết kế, làm quy hoạch cả rồi, hoành tráng lắm, theo thiết kế, thì nào là 4 cổng phụ, nhà đại bái, hồ bán nguyệt, tứ trụ tam quan, tả vu, hữu vu, từ đường, chum đường, hậu cung, đại bái ... nghe đâu làm hết tận 271 ngàn lượng ... Quan phủ nghe tả sơ sơ mà ù hết cả tai. Phủ mình nghèo, nhưng nghèo không phải là hèn, cần tiết kiệm tý chi phí đi lại không đâu, nên liên hệ xin sao chép lại quy hoạch là được, ngoài đấy có điều kiện thì làm to, mình nghèo hơn, làm nhỏ đi một tý, cắt xén vài hạng mục phụ trợ không quan trọng, bớt bớt một tý cho dân nhờ, mới lại cũng phải cân cân cho vừa túi tiền.
Công bộ nghe ý chỉ cứ thế triển khai, khốn nỗi chỉnh lại cái quy hoạch đồng bộ để cắt đâu có dễ thế, bỏ cái nào cũng không ổn, thôi cứ thế mà làm chỉ nhỏ đi thôi, dự toán trình lên chủ động lập thấp thấp đi cho dễ phê, chuyện tiền nong đến đâu hay đến đấy, đường nào chả xong. Nhưng thực tế nó không phải vậy, do khác vùng nguyên liệu, trình độ nhân công, với lại mấy thằng thầu nó hơi tham nên ban đầu chỉ ước khoảng 74 ngàn lượng là xong nhưng mới hết khu phụ trợ đến đoạn xây cái móng của nhà Đại Bái thì ước đã phải hết 80 ngàn lượng chưa chắc đã xong. Khi nghe Công bộ báo lên, Quan phủ la mắng tùm lum, mà toàn bảo bọn mày tham với ngu quá ... mới đau chứ, nhưng việc đã rồi, đành phải kêu gọi thí chủ trong phủ và thập phương đóng góp, cứ hướng cho nhà thầu xây dựng cầm chừng … chờ!
Đấy mới là nói đến chuyện tiền, thế còn mục đích chính là làm công trình tâm linh thì phải biết thờ ai chứ, thánh thần ở đâu cũng được nhưng phải thật thiêng vì bản tỉnh không có thánh nào xứng làm Thành hoàng Phủ cả, vậy là cũng tặc lưỡi, đã chép thì chép cho hết, ngoài Bắc đang làm rồi, có đứa nào kêu đâu mà lo, thầy phong thủy còn bảo ngoài Kinh thành còn có “Văn Miếu” mà Văn miếu thì phải thờ Khổng tử chứ ai nữa, cấp châu phủ bé như mình lo gì. Quan phủ quyết “cứ thế mà làm cho ... đồng bộ”.
Việc không chiều lòng người, đã cạn tiền thì chớ lại còn thêm việc đào được cái bia "sấm truyền" quân cán vừa mới bẩm lên, Quan phủ phải đích thân đi xem, chết chết ... thiêng lắm, được yểm đúng giữa cái móng nhà Đại Bái đang đào dở, mà lại của nhà tiên tri tên “Vĩnh Phúc” để lại, thấy bảo nổi tiếng lắm, sống đâu thời nhà Trương tận đầu thế kỷ 21. Cái bia đá trông rêu phong nhưng chữ viết sắc nét như vừa viết xong, sấm rằng "Đất phương Nam không được thờ Khổng Tử đất Bắc” lại còn tái bút, dọa bằng hàng chữ nhỏ phía dưới “không sẽ chết giống tao!"thế mới kinh chứ.
Vã mồ hôi, quan cho khảo cứu lại thì nhà Văn Miếu trên Kinh thành hóa ra không còn thờ Khổng Tử nữa mà chuyển sang thờ Chu Văn An từ lâu rồi, thế có chết không. Quan phủ đang phải bóp bẹp đầu chưa tìm ra tiền tiền thì nay lại phải tìm Thánh mà thay, chả nhẽ bỏ dở vứt đấy. Hồi đầu làm dự án đã định lôi thằng sử quan vào cho nó đủ bộ nhưng trông nó vừa ốm yếu lại vô dụng, tết nhất chả thấy mặt bao giờ, họp hành toàn "kỳ đà cản mũi", chia chác với nó thấy phí tiền nên chót lờ nó đi, bây giờ mặt mũi nào nhờ nó, nó lại không chửi cho là may chứ mong gì giúp, thế có chết không, biết đổ tội vào đầu đưa nào bây giờ.
Nghĩ mãi rồi cũng ra, Quan phủ xoa xoa cái trán hói bong loáng truyền gọi ngay thằng thơ lại giao việc: Có mấy việc mày cần làm ngay cho ông, thứ nhất, tìm cho được thằng phong thủy bố láo về đây, bửa ra cũng phải tìm được thằng nào giới thiệu để nó mà chịu trận, giám lừa ông; thứ hai đi thăm dò ý của thằng sử quan về cái nhà Văn Miếu thế nào ??? nói khéo khéo đùng để nó phật ý ... à mà mày sang bên đốc học hỏi cái môn … lịch sử … là môn gì, sao khóa thi năm nay có mỗi một thằng dự thi mà để gần sáu chục người chầu như "chó chực tát ao" thế, năm tới bảo bỏ hẳn đi nha, đỡ phí tiền.
Ngô Gia Cường - dựa trên chuyện có thật tại Vĩnh Phúc năm 2017
Xây Văn Miếu ở Vĩnh Phúc để làm gì??? (chuyện có thật năm 2017)
Văn miếu (chữ Hán: 文廟), tên ở dạng đầy đủ là Văn Tuyên Vương miếu (文宣王廟), còn được gọi là Khổng miếu (孔廟) hoặc Phu tử miếu (夫子廟) là nơi thờ Khổng Tử một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa.
Ở Việt Nam, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), có tạc tượng Chu Công, Khổng Tử cùng tứ phối (đại đệ tử của Khổng tử) là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và hình vẽ các hiền nho để thờ cúng, bốn mùa tế lễ.
Khi hoàn thành Văn Miếu (năm 1076) Vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu. Khi mới xây dựng, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử); đến năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc
Đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Đến năm 1370 Chu Văn An qua đời được Vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử
Đến năm 2000, hai công trình này được Nhà nước quy hoạch lại tổng thể có cùng khuôn viên nên ngày nay nhiều người vẫn cho rằng Văn miếu và Quốc Tử Giám là một nhưng thực chất không phải, nguyên gốc là hai công trình văn hóa là nhà Văn Miếu và cơ sở giáo dục Quốc tử Giám (hay còn gọi là Thái học) … nên có đường Văn Miếu và đường Quốc tử Giám.
Đến năm 2003, thành phố Hà Nội đã khởi công đúc tượng đồng 4 danh nhân văn hóa là: Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An để thờ tự trong nhà Thái Học là những người có công sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết về việc xây Văn Miếu ở tỉnh Vĩnh Phúc thì dường như mọi thông tin về việc xây công trình văn hóa này đều gọi là Văn Miếu, xét về nguồn gốc Văn Miếu là để thờ Văn Tuyên Vương tức Khổng Tử, ngoại trừ việc người học chữ nho đều được coi là đệ tử của Khổng tử thì việc tên công trình Văn Miếu hầu như không liên quan đến Chu Văn An, tức là việc xây Văn Miếu tại Vĩnh Phúc là để thờ người ... Trung Quốc
Đầu tư xây Văn Miếu ở tỉnh Vĩnh Phúc (năm 2017) là việc đầu tư có tính định hướng, có thể nói là lãng phí trong giai đoạn kinh tế đất nước, ngân sách gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã sử dụng ngân sách đầu tư không có nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử, nếu nghiêm túc thì ngay đầu tiên phải đặt tên của dự án là nhà Thái Học hoặc Quốc Tử Giám mới đúng.
Việc cẩu thả trong nghiên cứu lịch sử làm ảnh hưởng quá nhiều đến ý nghĩa của một “công trình văn hóa mang yếu tố lịch sử”, sự lãng phí và vô kế hoạch còn thể hiện trong quá trình lập dự toán đến thực hiện khi dự toán chi phí xây dựng từ 74 tỷ đồng đội vốn lên tới gần 300 tỷ (chắc là con số còn chưa dừng lại) có thể coi là một sự lãng phí ngay từ khi manh nha hình thành.
Ngô Gia Cường - tổng hợp phân tích