VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 13:01:15
PHẦN II: PHÁT QUÀ TỪ THIỆN
Chiếc xe tải cố chạy lên gần sát trường, ghé lại một bên là bờ đất cao ngang thành xe để tiện xuống hàng. Một số bao tải bị bục do xóc, lắc nên anh em phải bê cẩn thận, những tải to, nặng phải 2 đến 3 người bê, đường dốc, khó đi nên một số bao không quá nặng thì cố vác một mình dễ đi hơn. Hàng từ thiện được xếp một bên sân khấu, trước nhà “hiệu bộ”, gọi là “nhà hiệu” bộ cho oai chứ đây chỉ là một dãy nhà 2 gian tường gỗ cao khoảng 2,5 m, cũng lợp mái phi bờ rô, vách gỗ tương đối khít, một gian nhỏ dùng làm nhà kho, gian lớn bày toàn bàn ghế tiểu học trông giống nhà ăn hơn, tôi gọi là nhà “hiệu bộ” vì trước nhà là sân khấu, cột cờ và sân trường.
Chuyển xong hàng lên sân trường thì thấy thấm mệt, nhất là tay phải bám vào thùng xe mỏi nhừ, tôi phải kiếm chỗ rửa tay, kiếm chỗ ngồi nghỉ cho đỡ mỏi. Nguồn nước ở đây được kéo từ một con suối cách trường khoảng 2 km bằng ống nhựa, chảy nhỏ bằng ngón tay, chẳng cần khoá, nước trong vắt, lạnh ngắt, theo lời mấy cô giáo kể khi kéo đường ống dài quá, nhiều người sợ nước không chảy được đến nơi, thế là may quá rồi, trường ở chỗ cao thế này cơ mà …
Từ trên trường nhìn xuống, tôi thấy quanh chân núi có lác đác vài nhà dân chen trong đám cây cối um tùm, hôm chúng tôi lên là thứ bảy, đúng lịch thì các cháu được nghỉ học (một tuần chỉ học 4 ngày thôi) nhưng do có đoàn từ thiện đến nên các cháu phải ở lại để đón và trực tiếp nhận quà. Trên sân trường không chỉ có học sinh mà còn cả phụ huynh nữa, các cháu xếp hàng theo lớp còn phụ huynh đứng xung quanh, “Quan khách” được ưu tiên xếp cho 3 hàng ghế băng để ngồi hai bên sân khấu trường. Phía đầu hồi nhà hiệu bộ có mấy người lớn đang hý hoáy khởi động máy phát điện phục vụ hệ thống âm thanh của trường, Cô hiệu trưởng nói khoảng 1 năm nữa thì Huyện mới kéo được điện lưới về đây, bây giờ vẫn chỉ dùng máy nổ thôi.
Theo danh sách, nhà trường hiện có khoảng 150 cháu nhưng hôm nay chỉ có hơn 100 cháu có mặt, số còn lại nhà xa quá nên đã về từ hôm trước, không ở lại được để nhận quà trực tiếp. Cô hiệu trưởng, cầm cái micro hô các cháu trật tự, giới thiệu đoàn và mới đại diện lên phát biết, Chủ tịch Long thay mặt Chapter phát biểu ý kiến, chắc chỉ quen điều hành cuộc họp của các giám đốc thôi nên khi phải nghĩ văn phát biểu trước các cháu là hơi lan man, không rõ được súc tích lắm. Kế đến Hằng Khách sạn làm MC dẫn chương trình, chả hiểu dàn âm thanh kém hay các cháu vẫn chưa sõi tiếng Kinh, tôi thấy các cháu nghe hình như không hiểu gì, chỉ khi cô Hằng kêu gọi cháu nào biết hát thì biểu diễn để được nhận quà mới có diện viên hưởng ứng và hình như nghe có quà là có mấy cháu giơ tay xung phong nhưng khi lên bục thì chả nói được gì, hỏi cũng không nói được câu nào chỉ thấy cười, phải công nhận MC nói rất suôn sẻ, thuyết phục nhưng rồi cũng đành phát quà cho các cháu về chỗ, cái micro tậm tịt lúc được lúc không!!!
Phần phát quà là lúc vất vả nhất, hơn 100 cháu các lứa tuổi, quà phát lại là quần áo, túi, mũ, vở, bảng, ủng, dép … không thể chia ngay từ dưới xuôi được nên lúc phát mới chia. Cô giáo hô các cháu lên theo lớp từ lớp bé đến lớp lớn để nhận quà cho đỡ nhầm. Nghe đơn giản thế nhưng rồi cũng không dễ tý nào, có cháu học lớp 1 nhưng lớn phổng lên vẫn phải phát bảng phấn, túi cặp loại nhỏ. Hỏi ra mới biết, trên này có nhà 2, 3 đứa được bố mẹ cho học cùng một lớp cho tiện, dễ quản lý nên tuổi học lung tung lắm, thế thì có “Chúa” mới xếp trước được, đến cuối buổi phải hô cháu nào nhận quà không hợp thì lên đổi lại thôi.
Mấy cháu nhỏ trong đoàn cũng được bố mẹ khuyến khích tham gia chia, phát quà cho các em, nào là đội mũ len, lấy dép cho vào túi … tham gia cũng rất nhiệt tình. Tôi ngồi nhìn những cháu nhỏ lem luốc, ngồi thu lu dưới sân đang mặc những chiếc áo phao Trung Quốc rẻ tiền, màu sắc sặc sỡ, to sụ, chân trần đi dép tổ ong, có đứa không có dép, nét mặt ngây thơ, má nứt nẻ, bê bết cứt mũi đã khô bết lại đang ngong ngóng hướng lên bục chờ đến lượt nhận quà hay những gương mặt rạng ngời, hớn hở tay xách nách mang những túi quà to đùng vừa được nhận đi về chỗ hoặc chỗ này là đôi mắt ngây ngô nhìn chiếc đèn bàn (đèn led do Linh Led tài trợ) như một vật thể lạ chỗ kia là cậu bé nghệt mặt ngồi mút sữa mà liên tưởng đến con cháu mình ở Hà Nội hàng ngày được ăn no, mặc ấm, ngồi điều hoà suốt ngày chỉ biết tranh nhau chơi Ipad, smart phone, lego … .
Ngồi nghỉ được một lát, tôi cũng đến tham gia chia quà thành các suất theo lứa tuổi hay lớp học. Suất quà về cơ bản giống nhau tuy có lớp 1 được thêm có bảng, phấn, còn lại thì đều có áo len, mũ len, áo phao, dép tổ ong trắng, ủng nhựa, vở tập, bút, bao lô … về bánh kẹo về sau không chia vào túi quà nữa mà xé vào thùng cacton trộn lên, mỗi chú cầm một hộp đi xuống hàng gang tay ra bốc, nhét vào túi, đưa vào tay từng cháu. Ngoài ra còn quần áo người lớn, cá khô, dầu ăn, … ủng hộ cho bếp ăn nhà trường.
Đến gần 12 giờ, trời nắng, mọi người đã bắt đầu thấm mệt cũng là lúc công việc cũng gần xong, các cháu đã đủ quà và đã tản về gần hết, chỉ còn lại một vài cháu ở lại chơi tha thẩn trong sân và các mẹ, các anh đứng vòng quanh chỗ để hàng, tôi nhớ có một bà đến bảo cho xin một ít quần áo cho một cháu trai khoảng 12, 13 tuổi nói là bố mẹ nó chết hết, không được đi học, cô chú cho cháu cái áo ấm, tôi thấy anh Nội tìm mãi được một cái áo phao vừa cỡ, 1 áo len và mấy thứ nữa đưa cho nó, bà già cứ níu lấy anh Nội Quảng cáo khen các chú, các bác phúc đức quá … mọi người nghe khen nhiều cũng thấy ngường ngượng.
Khi chúng tôi chuyển đồ vào kho phát hiện ra còn mấy một thùng cacton bên trong toàn đồ coton cho trẻ sơ sinh, chả biết phát cho ai nên để ra sân cho người dân lấy, loáng cái chỉ còn mỗi cái thùng giấy, rồi đến một tải toàn quần bà bầu (nghe đâu của anh Tiệp tài trợ), các cô trong đoàn nhặt lên cười rũ rồi cũng lấy một ít cho các bà, các mẹ người địa phương đứng xung quanh, nhất là một bà chắc khoảng 70 tuổi mặc cái váy ngắn dưới gối, chân trần được ưu tiên hẳn 2 cái còn lại đưa tất vào trong kho. Tôi thấy trong kho vẫn còn vài tải hàng cứu trợ của đoàn khác, cô giáo hiệu trưởng nói đấy là quần áo của đoàn sinh viên lên ủng hộ chưa phát hết.
Lúc này mọi người đều đã mệt và đói, Anh Tiệp phổ biến từ Hà Nội, bữa trưa mọi người ăn cơm cùng nhà trường, đồ ăn như thường ngày các cô vẫn dùng (trải nghiệm mà), nhưng khi rửa tay vào nhà ăn, chính là ngôi nhà “hiệu bộ” tôi thấy đồ ăn đã được dọn lên từ lúc nào, trên mâm cũng nhiều món thịt, tôi thấy hơi ái ngại về mức độ thịnh soạn, Hằng Khách sạn thấy thế giải thích luôn “bữa cơm có tính chất trải nghiệm bữa ăn của cô giáo vùng cao sợ anh em trong đoàn không ăn được, đồ ăn này đoàn gửi tiền cho trường nhờ làm trước chứ không phải của nhà trường đâu, giò là của đoàn vừa mang đi ăn sáng đấy”.
Có thế chứ, tôi tự nhủ, vô tư ăn thôi đói quá rồi, không phải nghĩ nữa, chỉ khổ cho mấy anh chân dài cao 1 mét 80 như Long Chủ tịch hay Tình Nội thất … ngồi trên bàn ghế của học sinh cấp 1, thấp lè tè, cứ loay hoay mãi không xong. Tham gia có một số cô giáo và đại diện phụ huynh cùng ăn trưa với đoàn, cô hiệu trưởng có mang thêm rượu nói là rượu nấu bằng men lá cam kết uống không đau đầu, câu này quen quen giống câu PR của anh Bằng rượu. Lên đây tôi nghe thêm được một thuật ngữ mới là “thuốc nói” của một bác người dân tộc trong bữa ăn và được giải thích là uống rượu vào nói nhiều nên gọi rượu là “thuốc nói” tôi thấy cũng đúng.
Bữa trưa kết thúc nhanh, chả biết có phải vì đói không nhưng ai cũng khen thịt gà và rau cải ngon thật. Lúc này mọi người mới có thời gian chụp ảnh lưu niệm, tham quan cơ sở vật chất của trường và chuẩn bị ra về. Phải nói là trường nghèo thật, phòng học bằng gỗ thấp lè tè như chuồng trâu ở quê tôi, vách gỗ hở hoác, gió thổi vù vù. Khi còn bàn về việc lựa chọn mua sắm đồ từ thiện, nhà trường cũng gợi ý là đang thiếu bàn ghế học sinh nhưng thời gian gấp quá, sợ đóng không kịp nên chuyển sang loại khác.
(còn tiếp)
Người viết: Ngô Gia Cường