VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 13:10:58
PHẦN III: VỀ NHÀ
Khi về thì tôi mới nhớ ra, sau khi chuyển xong hàng là xe tải về luôn, chắc bây giờ phải nhờ “xe ôm” thôi. Từ mép trường nhìn xuống tôi thấy một đám đông xe máy đang ở dưới chân đồi đang chờ để chở đoàn về, các bác nhiều tuổi “nhảy” ngay lên xe từ trên trường đi luôn, số còn lại đi bộ xuống chân đồi lục tục chọn xe để đi.
Số xe máy chuẩn bị cho chuyến về lại không đủ, phải thiếu đến 5, 6 xe nữa mới hết, mấy thanh niên khoẻ mạnh nhanh nhảu nhận đi bộ, trong số đấy có tôi, ưu tiên cho chị em nữ và “người già” đi xe máy trước. Lúc mới xuất phát, anh nào cũng hăng hái lắm, bước đi vững mà vui, thái độ rất hồ hởi cười nói vui vẻ, khí thế lắm, chắc là mới ăn no bụng, còn tý hưng phấn của “thuốc nói” nên rửng mỡ thôi chứ tôi nghĩ đến quãng đường dài, gập gềnh ấy tôi cũng thấy ơn ớn.
Đứng từ đỉnh núi bên này nhìn lại ngôi trường lần cuối, quang cảnh nhà cửa sơ sài, vắng tanh hiện rõ mồn một trong nắng, tôi chạnh lòng nghĩ đến tương lai của con em bà con dân tộc bao giờ mới thay đổi được, bây giờ tôi mới ngấm câu nói “đưa cái chữ lên vùng cao” khó thế nào, không biết khi lớn lên các cháu và gia đình “có gắng sức vượt khó” để theo học tiếp nữa không hay rồi cũng rơi rớt dần theo cái khó, cái khổ thường ngày!!! Nhưng thôi, được lúc nào hay lúc đấy, sống trong hoàn cảnh này mà đi học được thật là đáng trân trọng lắm rồi, ơn các cô giáo lắm rồi.
Ngay khi đi hết con dốc đầu tiên, tôi đã thấy anh Nguyễn Anh mặt hơi bạc bạc, nói hổn hển và cười không được tươi lắm, bước chân đã bắt đầu chuệch choạc, may quá có một xe máy xót lại từ dưới bản chạy theo, thế là ưu tiên “người già” đi trước. Còn lại mấy thanh niên như Tình, Long Google, anh Nội và tôi đi bộ tiếp.
Cũng may, đoạn đường về chủ yếu là xuống dốc, tuy hơi chồn chân nhưng “bon”, đỡ mệt, cảnh vật xung quanh sáng sủa hơn lúc đi, không bụi mù mịt bụi và sương như lúc sáng. Rừng cây nhiều, tương đối xanh tốt nhưng hầu như tôi không nhìn thấy hoặc nghe được bất kỳ con chim nào, thi thoảng lại thấy mấy cây cột điện bê tông ly tâm để bên rệ đường, cỏ đã mọc trùm lên một phần, chắc là của đường dây điện lưới đang kéo về mà cô hiệu trưởng đã nói đến. Con đường đi vắng tanh, nhà cửa rất thưa, gần như không có người đi lại, chúng tôi có đi qua một căn nhà gỗ nhỏ ngay sát đường có mấy đứa trẻ đang ngồi chơi, một đứa lớn chắc vừa ở trường về vẫn thấy còn mặc nguyên cái áo len của đoàn tặng đang bế em ngồi dưới hiên nhà.
Đi được khoảng 1 km thì có 2 xe đi ngược lại đón, Long Google và Tình cứ đùn đầy nhường 2 “anh già” đi trước, nhưng trông tướng 2 anh chàng này có vẻ mệt hơn nên quyết liệt bắt đi xe về trước, tôi và anh Nội quyết tâm “trải nghiệm” đến cùng, chắc do 2 anh em chơi tennis lâu, thường xuyên vận động nên vẫn chịu được, với lại chả mấy khi, vừa đi vừa nói chuyện cũng thấy đỡ mệt.
Đi thêm được khoảng 1km nữa thì có 2 xe quay lại đón, lúc này chúng tôi cũng hơi mỏi chân, thấy xe thì mừng quá. Đường toàn dốc xuống, ngồi sau xe máy phải gồng tay bám chắc vào tay cầm đuôi xe vì không thể dựa được vào lưng người trước, nếu dựa vào chả mấy là “lái xe ôm” cũng không thể chịu nổi, đường xóc tưng tưng nhưng các “bác tài” quen đường nên chạy ào ào, ngồi sau cũng thấy ghê. Đi một đoạn lại gặp người đi xe máy quay về, “tà ơ” tôi thấy họ hỏi nhau bằng tiếng dân tộc và đoán nghĩa là “còn không” để hỏi nhau xem có còn người để đưa tiếp nhưng thấy anh lái xe của tôi cũng trả lời là “tà ơ” vậy là “còn không” và “không còn” đều nói là “tà ơ” đơn giản thế thôi.
Đi được khoảng 2 km nữa thì gặp phải 1 chiếc máy xúc đang san đường, mặt đường phồng lên đất đá lổn nhổn, xe máy rất khó đi, tôi và anh Nội lại tiếp tục đi bộ, qua đoạn đường đang làm dở thấy có rất nhiều xe quay về hỏi xem có đi xuống không, anh em tôi đoán là cũng không còn xa nữa nên hai anh em cám ơn, từ chối để chủ động đi bộ. May mà thời tiết cũng đẹp, không nắng lắm và đường bê tông dốc xuống thoai thoải nên cũng dễ đi, nhưng càng đi càng xa, chân bắt đầu thấy hơi phồng lên trong giày, hoá ra đoạn này lúc đi lên bằng ô tô nên thấy nhanh, tưởng ngắn, bây giờ đi bộ mới thấy cũng xa phết, có muốn gọi xe thì cũng muộn rồi.
Khi hai anh em ra đến xe thì hầu như mọi người đã ngủ lơ mơ cả, không ai hỏi thăm chúng tôi được câu nào, tôi lại chọn chỗ cuối xe, anh Nguyễn Anh vẫn ngồi chỗ cũ, thấy tôi về đến cười cười hỏi có mệt không, lúc này tôi chỉ thấy hơi mỏi, tức chân thôi chứ chưa phải là mệt lắm. Xe bắt đầu chạy về, hầu như không còn ai thức, tất cả đều thấm mệt, anh Hạnh BMS và anh Nội không ngồi ở hàng ghế cuối nữa mà kiếm một ghế trống ngả hết cỡ để ngủ, một lát tôi thấy anh Tiệp chui xuống cuối xe nằm lên 2 ghế băng sau ngủ ngáy vo vo. Tôi phải cởi giày cho đỡ tức rồi cũng bắt đầu gà gật. Trên đường về, xe phải dừng lại một lần chắc do chạy quá tốc độ, thấy phải loanh quanh mất khoảng 15 phút mới đi được, sự việc này chắc không nhiều người biết.
Xe về đến điểm xuất phát là khoảng 6 giờ tối, Hà Nội đã lên đèn, ra khỏi xe lại thấy không khí lạnh buốt, lại phải mặc hai áo khoác, găng tay đầy đủ để về với gia đình, với thực tại của mình để lại lăn lộn với mưu sinh thường ngày. Với tôi đây là một chuyến đi làm từ thiện đầu tiên, một chuyến đi có nhiều ý nghĩa và cảm xúc trái chiều đáng trân trọng, đến giờ tôi vẫn áy náy một điều, không biết tên trường chính thức là gì, trong backdrop của đoàn chỉ in xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Cám ơn anh Tiệp và Ban Sự kiện đã dày công thu xếp, không quản thời tiết mưa lạnh, chuẩn bị cho anh em chu đáo một chuyến đi để lại nhiều ấn tượng, trong chuyến đi tôi mới được biết anh Tiệp và Thu Y tế đã đi tiền trạm lên tận trường, làm việc chi tiết với cô hiệu trưởng, lên chương trình kỹ lưỡng để anh em có một chuyến đi an toàn, ý nghĩa,... Rất mong hàng năm Ban sự kiện duy trì hoạt động từ thiện đầy ý ngĩa này.
Sáng hôm nay ngày 13/1/2014, ngày hoàn thành ký sự, tôi được nghe bản tin thời sự buổi sáng phát tin “tỉnh Lào Cai thống kê về thiệt hại của đợt rét đầu năm 2013 là khoảng 30 tỷ, mức hỗ trợ của tỉnh cho nông dân thiệt hại là 20 triệu/ha Su su”. Đất nước ta vẫn còn nhiều vùng khó khăn, cần lắm những tấm lòng hảo tâm, vẫn biết chuyện làm từ thiện không thể làm thay đổi tận gốc cuộc sống khó khăn thường ngày được nhưng cũng là đỡ đần phần nào cho đồng bào mình trong những giai đoạn khó khăn trước mắt./.
Người viết: Ngô Gia Cường
(Trong ký sự có sử dụng các hình ảnh do thành viên khác trong đoàn chụp)