VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 08:48:38
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, TSBĐ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNN), tổ chức mua bán nợ xấu…
Liên quan đến điều kiện thu giữ TSBĐ, để tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu của TCTD, CNNHNN, VAMC, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đa số người gửi tiền, nâng cao kỷ luật hợp đồng, đồng thời, hạn chế việc TCTD, CNNHNN, VAMC lạm dụng quyền thực hiện hành vi thu giữ gây mất trật tự xã hội, xâm phạm đến các quyền khác của các chủ thể có liên quan, Nghị quyết cho phép TCTD, CNNHNN, VAMC được thực hiện quyền thu giữ TSBĐ khi có đầy đủ 05 điều kiện sau:
Thứ nhất: Khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 299 Bộ luật Dân sự, quyền xử lý TSBĐ phát sinh trong các trường hợp sau:
(i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
(ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
(iii) Trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Thứ hai: Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, CNNHNN có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định pháp luật. Quy định này bảo đảm việc thu giữ TSBĐ được thực hiện khi có sự thỏa thuận trước của các bên. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định ”hợp đồng bảo đảm” theo Nghị quyết bao gồm cả văn bản khác ghi nhận thỏa thuận giữa các bên.
Thứ ba: Giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật. Quy định này bảo đảm quyền của bên nhận bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba.
Thứ tư: TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
Thứ năm: TCTD, CNNHNN, VAMC đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.
Liên quan đến việc công khai thông tin, Nghị quyết cũng quy định cụ thể TCTD, CNNHNN, VAMC phải thực hiện công khai thông tin trước khi thực hiện thu giữ TSBĐ như sau:
- Đối với TSBĐ là bất động sản, Nghị quyết quy định chậm nhất 15 ngày trước ngày thu giữ, TCTD, CNNHNN, VAMC phải:
+ Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình;
+ Gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã và cơ quan Công an nơi có TSBĐ;
+ Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở UBND cấp xã nơi có TSBĐ;
+ Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
Đối với TSBĐ là động sản, việc công khai thông tin được tiến hành theo phương thức:
+ Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ cho UBND cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ TSBĐ;
+ Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ TSBĐ bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
- Về thực hiện thu giữ, Nghị quyết quy định việc ủy quyền thu giữ TSBĐ được thực hiện như sau:
+ TCTD chỉ được ủy quyền việc thu giữ TSBĐ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD;
+ VAMC chỉ được ủy quyền thu giữ TSBĐ cho TCTD bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD bán nợ.
- Nghị quyết cũng quy định rõ TCTD, CNNHNN, VAMC, tổ chức được ủy quyền thu giữ TSBĐ không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ TSBĐ, cụ thể:
+ Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ theo đề nghị của TCTD, CNNHNN, VAMC;
+ Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, CNNHNN, VAMC, đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBĐ tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ TSBĐ;
+ Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, CNNHNN, VAMC thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.
Việc định hướng mới làm thay đổi cục diện trong quan hên tín dụng, trao quyền chủ động "thi hành án" cho tổ chức tín dụng nhưng vẫn cần Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ... thể chế hóa ở dạng văn bản quy phạm pháp luật một cách cụ thể hơn, tránh việc lạm dụng để xử lý tài sản vi phạm luật Dân sự.