VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
26/4/2025 04:04:25
Ngày 20/02/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/04/2019. Thông tư này hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách nhà nước) nhằm phục vụ việc thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản này, trong đó:
Đối tượng áp dụng là Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; Doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức dịch vụ có chức năng tư vấn về giá và Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc xác định giá trị tài sản
Về cơ bản, Thông tư hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện trên cơ sở giá trị thị trường và tuân thủ theo Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình số 13 (TĐGVN13) với các phương pháp chi phí, thu nhập … trong đó có hướng dẫn chi tiết Các bước xác định giá trị tài sản; Căn cứ xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Kinh phí đầu tư để tạo ra tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên nội dung Thông tư có một số hạn chế như sau:
Thứ nhất: Chỉ xác định giá trị theo cách tiếp cận từ thị trường: “Cách tiếp cận từ thị trường là cách thức xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua việc so sánh tài sản thẩm định giá với các tài sản giống hệt hoặc tương tự đã có các thông tin về giá trên thị trường” (TĐGVN08).
Đây là một hướng dẫn hạn chế nghiệp vụ thẩm định giá do các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ chủ yếu không có công nghệ giống hệt (trừ trường hợp coppy hoặc bị coppy) hoặc nếu có tài sản tương đương thì việc đánh giá chấm điểm để điều chỉnh công nghệ tương đương trên thị trường so với công nghệ cần xác định giá trị là quá phức tạp đối với kiến thức và tầm hiểu biết của thẩm định viên về giá.
Nếu theo khái niệm của cách tiếp cận này, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ chỉ có thể định giá theo phương pháp Chi phí tức là tập hợp chi phí thuần để chế tạo, nghiên cứu, thẩm định báo cáo … không bao gồm giá trị tiềm năng phát triển chính là mục đích nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học và / hoặc phương pháp Thu nhập chỉ thực hiện theo giá trị thị trường mà không thể xác định theo giá trị phi thị trường, trong khi thẩm định viên có thể phản ánh được các đặc điểm đặc thù của đối tượng sử dụng đặc biệt hoặc tính năng sử dụng đặc biệt, đây cũng là đặc trưng cơ bản của tài sản thẩm định là đề tài nghiên cứu khoa học và Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình vẫn có hướng dẫn thực hiện thẩm định giá với ước tính giá trị phi thị trường phù hợp với đặc điểm của đề tài nghiên cứu khoa học.
Thứ hai: Hạn chế phương pháp thẩm định giá
Theo thiêu chuẩn thẩm định giá số 10 Cách tiếp cận từ thu nhập (TĐGVN10) thì “cơ sở khảo sát thị trường trong quá khứ của tài sản thẩm định, dự đoán tương lai” nhưng đối với đề tài khoa học thì việc cần phải có số liệu “trong quá khứ” là điều không thể vì tài sản này đa phần đều chưa từng hoạt động, vận hành có phát sinh chi phí - lợi nhuận đầy đủ theo cơ chế thị trường.
Trước đây hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam có hướng dẫn phương pháp Thặng dư (TĐGVN10) Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2008/QĐ-BTC đã hết hiệu lực là một phương pháp thẩm định giá độc lập, sau quá trình sửa đổi chỉ được áp dụng trong thẩm định giá bất động sản (TĐGVN11) có hướng dẫn “Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị ước tính của phát triển giả định” cũng tương tự như tài sản là đề tài nghiên cứu khoa học chỉ có thể “ước tiềm năng phát triển” trong tương lai.
Đây cũng là hạn chế, mâu thuẫn trong hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá hiện nay khi không đưa ra một tiêu chuẩn thẩm định giá theo phương pháp Thặng dư độc lập để áp dụng trong thẩm định giá tài sản mới hoặc sắp hình thành (ngoại trừ bất động sản) như tiềm năng phát triển của dự án đầu tư vào sản xuất, tài sản vô hình vốn chỉ có thể sử dụng thông số ước tính giả định.
Thứ ba: Hoạt động “xác định giá trị” không được quy định trong luật Giá
Theo quy định của Luật Giá, Thông tư này không có hướng dẫn đối với hoạt động Thẩm định giá Nhà nước thuộc phạm vi quản lý như:“Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” hay Định giá “là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền” được quy định rõ trong Luật Giá mà chỉ nêu chung chung là “xác định giá trị” không được nêu trong Luật.
Xem đầy đủ văn bản: Tại đây