VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 08:51:41
Ngay từ khi thành lập đến khi ngừng hoạt động, doanh nghiệp luôn có nhu cầu sử dụng đến các nguồn lực tài chính để phục vụ cho kế hoạch sản suất, kinh doanh của mình. Việc huy động vốn được thực hiện bằng nhiều hình thức như vốn vay tổ chức tín dụng, vay cá nhân, tín dụng thương mại … có tính chất vụ việc để phục vụ một mục đích ngắn hạn. Để thực hiện một chiến lược đầu tư chiều sâu hay khẳng định thương hiệu, thể hiện nội lực của doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với đối tác hoặc tham gia đầu thầu … doanh nghiệp phải chứng minh được bằng vốn chủ sở hữu mà trong đó chủ yếu là vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Để có một khối lượng tiền mặt ngay lập tức để phục vụ một mục tiêu chung của doanh nghiệp sẽ làm cho các “ông chủ” phải đau đầu vì không cá nhân hoặc tổ chức nào luôn sẵn có hoặc năng lực tài chính của các ông chủ đồng đều trong cùng thời điểm có quyết định tăng vốn trong khi không muốn giảm tỷ lệ chiếm hữu trong doanh nghiệp.
Để tháo gỡ vấn đề này Luật doanh nghiệp năm 2005 cũng đã đưa ra quy định về việc cho phép doanh nghiệp được nhận vốn góp bằng tài sản. Theo khái niệm của Luật về “Tài sản góp vốn” được xác định là “không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng” trên nguyên tắc phải được người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp tự “định giá theo nguyên tắc nhất trí” với giá trị quy đổi thành tiền Việt Nam đồng.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, khái niệm định giá theo nguyên tắc nhất trí được hiểu là phải có 100% các chủ sở hữu doanh nghiệp động thuận, tự thống nhất định giá khi thành lập doanh nghiệp, đây là một việc rất khó khăn do việc quy ra giá trị tài sản trong xã hội là rất phức tạp vì ngoài tính đa dạng của tài sản còn có mặt quyền lợi cá nhân do việc định giá cho người khác nhưng có ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và ngược lại sẽ khó thống nhất nếu định giá khách quan và hoặc cùng thống nhất cao nhưng đưa khống giá trị, thỏa thuận giá cao đối với giá trị tài sản góp vốn để vừa nâng cao giá trị doanh nghiệp vừa tăng chi phí trong tương lai (nếu tài sản góp vốn được tính khấu hao) nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh yêu cầu có vốn pháp định như bảo vệ, nghệ thuật, bất động sản ….
Việc cho phép thỏa thuận giá trị góp vốn như vậy vừa có thể gây thất thu thuế do doanh nghiệp (do tăng khống chi phí) vừa phức tạp cho việc xác định năng lực tài chính, quy mô thực tế, tạo ra giá trị ảo của tài sản trong doanh nghiệp. Trong cùng văn bản, theo tiết b khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 73 với mô hình công ty TNHH và tiết c khoản 1 Điều 110 đối với mô hình doanh nghiệp cổ phần của luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định đây là tài sản để chủ sở hữu phần vốn hữu hạn “chịu trách nhiệm giới hạn trong giá trị vốn góp” tức là trách nhiệm dân sự của chủ sở theo phạm vi vốn góp khi phải xử lý rủi ro, giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Đồng thời luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định “Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá” để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc định giá tài sản; Cụm từ “tại thời điểm kết thúc định giá” vẫn còn tồn tại trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 là rất chung chung, không có khái niệm rõ ràng, quá phức tạp để phán quyết tranh chấp khi một mức giá đưa ra có thể hiểu theo các thời điểm khác nhau như thời điểm thỏa thuận định giá, thời điểm đăng ký kinh doanh, thời điểm vay vốn thế chấp bằng tài sản hay giải thể, phá sản doanh nghiệp trong khi các bên liên quan không có khả năng chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến có thể phải hình sự hóa quan hệ dân sự không được ngăn ngừa từ đầu khi Luật quy định “liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế” khi người góp vốn không muốn đầu tư hoặc mất khả năng “liên đới chịu trách nhiệm”.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có quy định khắc phục nhược điểm nêu trên của Luật doanh nghiệp năm 2005 bằng cách bỏ “nguyên tắc nhất trí”, thay vào đó quy định “phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận” tạo điều kiện cho các quyết định của doanh nghiệp được chủ động theo đa số, đồng thời cho phép sự có mặt của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp thực hiện định giá ngay từ khâu định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên Luật sửa đổi vẫn cho phép các thành viên sáng lập được tự định giá tài sản góp vốn, nhưng việc quy định thêm sự có mặt của tổ chức thẩm định giá độc lập vẫn chỉ là một lựa chọn không bắt buộc.
Mặc dù luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về vốn pháp định nhưng việc tự định giá tài sản để đầu tư như quy định hiện nay vẫn chưa đảm bảo tính khách quan, vẫn tạo ra mâu thuẫn giữa việc xác định giá trị góp “vốn hữu hạn” bằng tài sản và giới hạn nghĩa vụ trong “giá trị vốn góp” trong cùng một văn bản luật tạo ra lỗ hổng pháp lý cho người thực hiện giám sát thực thi pháp luật và đối tượng điều chỉnh, chưa gắn được quyền lợi và nghĩa vụ của chủ đầu tư ngay từ bước đầu thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp.
Bản tin VAI