VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 09:17:00
Thuật ngữ kinh tế mới – PHÁI SINH
Các giao dịch phái sinh ngày nay được phổ biến trong các giao dịch kinh tế, ngày nay các hợp đồng phái sinh được phân tách là một thị trường kinh doanh tài chính riêng và được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Nguồn gốc của chúng được tìm thấy từ vài thế kỷ trước, một trong những thỏa thuận phái sinh lâu đời nhất là các hợp đồng tương lai lúa gạo, đã được trao đổi trên Sàn giao dịch lúa gạo Dojima, Osaka Nhật bản vào năm 1730. Các thỏa thuận phái sinh được phân loại chung bằng mối quan hệ giữa tài sản cơ sở và phái sinh đó (như kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi); kiểu tài sản cơ sở (chẳng hạn như phái sinh cổ phần, phái sinh ngoại hối, phái sinh lãi suất, phái sinh hàng hóa, hoặc phái sinh tín dụng); thị trường trong đó chúng được trao đổi công khai (ETD) hoặc có thể được trao đổi riêng (OTC).
Theo Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia, được dịch từ một tài liệu của Mỹ có đưa khái niệm về Phái sinh như sau: Phái sinh (thuật ngữ tiếng Anh: Derivative), hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại. Các nghiệp vụ phái sinh bao gồm một loạt hợp đồng tài chính, bao gồm các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu, các hoán đổi, các tương lai, các quyền chọn, các trần lãi suất, các sàn lãi suất, các vòng đai tài chính (collar), các kỳ hạn, và các kết hợp phong phú của chúng.
Trong thực tế, phái sinh là một hợp đồng giữa hai bên xác định các điều kiện (đặc biệt là ngày tháng, giá trị kết quả và các định nghĩa của các biến cơ sở, nghĩa vụ hợp đồng của các bên, và số tiền danh nghĩa) theo đó các khoản thanh toán được thực hiện giữa các bên. Các tài sản cơ sở phổ biến nhất bao gồm các loại hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất và tiền tệ.
Có hai nhóm hợp đồng phái sinh chính:
Hợp đồng phái sinh OTC (Over The Counter) được trao đổi song phương hoặc đa phương trực tiếp cho mỗi thỏa thuận riêng, không theo một nguyên tắc chung và không qua một sàn giao dịch hoặc trung gian khác. Các sản phẩm như hoán đổi tài chính, các thỏa thuận tỷ giá kỳ hạn, quyền chọn đặc biệt - và các phái sinh đặc biệt khác - gần như luôn luôn được giao dịch theo cách này. Thỏa thuận phái sinh OTC đại diện cho thách thức lớn nhất trong việc sử dụng các quy luật, công thức để định giá các phái sinh. Vì các hợp đồng này không được trao đổi công khai, không có sẵn giá thị trường hiện có để xác nhận việc định giá lý thuyết. Hầu hết các kết quả của mô hình là phụ thuộc vào đầu vào (có nghĩa là giá cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta lấy được các đầu vào định giá). Vì vậy tình trạng phổ biến là các phái sinh OTC được định giá bởi các Đại lý độc lập mà các đối tác tham gia giao dịch thỏa thuận chỉ định từ trước (khi ký hợp đồng). Giao dịch phái sinh OTC xuất phát bởi hoạt động phòng hộ (dự phòng rủi ro) chính đáng, thường là khía cạnh thận trọng của các hoạt động và quản lý tài chính đối với nhiều công ty trên nhiều ngành công nghiệp nhằm chia sẻ rủi roc ho nhau.
Hợp đồng phái sinh trao đổi qua sàn giao dịch ETD (Exchange-traded derivatives) là những công cụ phái sinh được giao dịch thông qua các sàn giao dịch phái sinh chuyên biệt hoặc các sàn giao dịch khác. Một sàn giao dịch phái sinh là một thị trường nơi các cá nhân trao đổi các hợp đồng chuẩn hóa đã được sàn giao dịch theo một số quy định tương ứng. Các phái sinh có thể được sử dụng để quản lý rủi ro (nghĩa là "phòng hộ" bằng cách cung cấp bồi thường bù đắp trong trường hợp của một sự kiện không mong muốn, một loại "bảo hiểm") hoặc để đầu cơ (tức là làm một "đặt cược" tài chính). Giao dịch Phái sinh trao đổi qua sàn giao dịch ETD là việc đầu cơ giữa chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư tài chính trong đó một cơ hội cơ hội kiếm lời là khả năng nhận định, đánh giá rủi ro của nhà đầu tư để tăng lợi nhuận.
Thị trường mua bán ETD mua bán những gì: cụ thể trong trường hợp của một quyền chọn châu Âu, chủ sở hữu có quyền yêu cầu việc bán sẽ diễn ra vào (nhưng không trước) ngày đáo hạn, trong trường hợp của một quyền chọn Hoa Kỳ, chủ sở hữu có thể yêu cầu việc bán sẽ diễn ra bất cứ lúc nào cho đến ngày đáo hạn. Nếu chủ sở hữu của hợp đồng thực hiện quyền này, bên đối tác có nghĩa vụ thực hiện giao dịch. Tùy chọn bao gồm hai loại: quyền chọn gọi (Call) và quyền chọn đặt (Put). Người mua của một quyền chọn gọi có quyền mua một số lượng nhất định tài sản cơ sở, ở một mức giá xác định, vào hoặc trước một ngày nhất định trong tương lai, tuy nhiên ông ta không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền mua này. Tương tự như vậy, người mua của một quyền chọn đặt có quyền bán một số lượng nhất định tài sản cơ sở, với mức giá quy định, vào hoặc trước một ngày nhất định trong tương lai, tuy nhiên ông ta không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền bán này.
Các phái sinh cũng có thể được phân loại chung là các sản phẩm "khóa cứng" hoặc "tùy chọn". Các sản phẩm khóa cứng (ví dụ như các hoán đổi, tương lai, hoặc hợp đồng kỳ hạn) ràng buộc các bên ký hợp đồng với các điều khoản trong suốt thời gian của hợp đồng. Các sản phẩm tùy chọn (ví dụ như trần lãi suất) cho người mua quyền, chứ không buộc họ phải có nghĩa vụ đối với hợp đồng theo các điều khoản quy định.
Các hợp đồng phái sinh điển hình gồm:
Hợp đồng kỳ hạn (Forwards): Hợp đồng được soạn thảo trực tiếp giữa các bên (OTC), trong đó thanh toán diễn ra tại một thời điểm cụ thể trong tương lai với mức giá được xác định trước của ngày hôm nay; hợp đồng kỳ hạn là một hợp đồng không được chuẩn hóa được chính các bên viết ra và gần như không thể mua bán.
Hợp đồng tương lai (Futures): là các hợp đồng mua hoặc bán một tài sản vào thời điểm nhất định hoặc trước một ngày trong tương lai ở một mức giá quy định ngày hôm nay; hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa được viết bởi một nhà thanh toán bù trừ vận hành một sàn giao dịch (ETD) nơi hợp đồng này có thể được mua và bán.
Hợp đồng quyền chọn (Options): là các hợp đồng cung cấp cho chủ sở hữu quyền, nhưng không phải là nghĩa vụ, để mua (trong trường hợp của một quyền chọn gọi) hoặc bán (trong trường hợp của một quyền chọn đặt) một tài sản. Giá mà tại đó việc bán diễn ra được gọi là giá cả đã quyết (giá điểm, giá thực hiện), và được xác định vào thời điểm các bên tham gia vào tùy chọn. Hợp đồng quyền chọn cũng quy định một ngày đáo hạn.
Quyền chọn nhị nguyên (Binary option) là hợp đồng cung cấp cho chủ sở hữu một hồ sơ lợi nhuận được ăn cả ngã về không (tất cả-hoặc-không).
Các chứng quyền (Warrants): Ngoài các tùy chọn ngắn ngày thường được sử dụng có thời hạn đáo hạn tối đa là 1 năm, có tồn tại một số tùy chọn dài ngày gọi là chứng quyền. Những hợp đồng quyền chọn này thường được giao dịch trên thị trường OTC.
Hợp đồng hoán đổi (Swaps) là các hợp đồng trao đổi tiền mặt (lưu chuyển tiền) vào hoặc trước một ngày xác định trong tương lai, dựa trên giá trị cơ sở của tỷ giá hối đoái, lợi tức trái phiếu/lãi suất, giao dịch hàng hóa, cổ phiếu hoặc các tài sản khác. Một thuật ngữ khác thường liên quan đến hoán đổi là quyền chọn hoán đổi (Swaption), về cơ bản là một quyền chọn trên cơ sở hoán đổi kỳ hạn. Tương tự như quyền chọn gọi và quyền chọn đặt, một hoán đổi quyền có hai loại: một quyền chọn hoán đổi người nhận và một quyền chọn hoán đổi người trả. Ở một bên, trong trường hợp của một quyền chọn hoán đổi người nhận thì có một quyền chọn trong đó bạn có thể nhận lãi cố định và trả lãi thả nổi. Ở bên kia, một quyền chọn hoán đổi người trả là một quyền chọn để trả lãi cố định và nhận lãi thả nổi.
Các giao dịch hoán đổi về cơ bản có thể được phân thành hai loại:
Hoán đổi lãi suất: Những phái sinh này về cơ bản đòi hỏi việc hoán đổi chỉ liên quan đến các lưu chuyển tiền tệ trong cùng một loại tiền tệ, giữa hai bên.
Hoán đổi tiền tệ: Trong loại hoán đổi này, dòng tiền giữa hai bên bao gồm cả gốc và lãi. Ngoài ra, những đồng tiền được hoán đổi thuộc các đơn vị tiền tệ khác nhau cho cả hai bên.
Ngô Gia Cường - Tổng hợp, phân tích (nguồn Wikipedia)