VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 01:41:03
PHÍ và GIÁ khác nhau ở những điểm cơ bản nào???
Gần đây rộ lên chuyện chuyển tên gọi của hình thức thu phí sang thu giá, theo cách giải thích của một vị bộ trưởng về các ưu việt khi chuyển từ thu phí sang thu giá được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây thực ra không sai nhưng “chưa chuẩn” với tầm cỡ của người có vị thế hành pháp khi phát ngôn khiến dư luận được một phen sóng gió.
(ảnh sưu tầm)
Theo Luật Phí, Lệ phí năm 2015 quy định :
“Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này; Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.”
Theo đó cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí, lệ phí là “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí.”
Tất nhiên, khi bạn đọc khái niệm về phí và lệ phí "có vẻ" như không khác nhau một cách rõ rệt mà chỉ là cách nói khác đi về nguồn gốc và cách thức nộp của khoản tiền “dịch vụ công được quy định” mà đối tượng sử dụng dịch vụ công phải trả cho đơn vị sự nghiệp công lập là nhà cung cấp, người dân chỉ biết nộp tiền và nhận về một tờ Biên lai còn khác nhau thế nào thì đọc luật rồi cũng chắc gì đã hiểu
Theo tra cứu từ Từ điển Bách khoa toàn thư của nhân loại (Google) cho thấy từ “giá” không có nghĩa khi nó đứng độc lập ngoài từ thường dùng (của một cách gọi tắt) của danh từ "giá đỗ" chỉ một loại thực phẩm bổ dưỡng, là mầm của cây đỗ, thậm chí trong Luật giá năm 2012 cũng không có khái niệm của chữ này, từ “giá” trong luật chắc phải được hiểu là chữ viết tắt chung của giá trị, giá cả, giá bán, giá thành, bảng giá ... kể cả tên của Luật Giá cũng được bàn cãi rất nhiều từ khi dự thảo nâng mức quản lý giá từ Pháp lệnh lên thành Luật nên đặt đủ, dễ hiểu là Luật Quản lý Giá nhưng với quyền quyết cuối cùng của Quốc Hội quyết tên là Luật Giá – việc đã rồi, không bàn cãi.
Vậy "Giá " chỉ có nghĩa khi nó đi kèm theo một hoặc nhiều từ nữa như: giá trị, giá cả, giá trị sử dụng, giá trị khai thác, giá dịch vụ, giá thành, giá bán, giá niêm yết, giá giao dịch … trong đó Luật Giá quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được quyền “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu.” trong khi "Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật" (Luật Giá).
Như vậy GIÁ và PHÍ khác nhau ở điểm những điểm cơ bản như sau:
Phí và Giá (nói chung) được quy định tại 2 luật khác nhau là Luật Phí, Lệ phí và Luật Giá, trong đó các luật quy định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc ... hoàn toàn khác nhau
Phí, lệ phí là khoản tiền cố định do cấp có thẩm quyền đặt ra mà đối tượng khi sử dụng dịch vụ công phải trả cho cơ quan nhà nước phục vụ công việc cụ thể được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành theo Luật. Mức thu tiền phí, lệ phí do các cơ quan có thẩm quyền quyết định, chỉ định tổ chức được phép thu và Bên thu được tiền phí, lệ phí phải sử dụng tiền phí, lệ phí thu được đúng mục đích theo quy định của Luật Ngân sách.
Giá (giá bán) là mức tiền ước tính của bên bán tài sản, cung cấp dịch vụ được tự quyết định, đưa mức giá (giá bán niêm yết, giá đề xuất) để thoả thuận với đối tượng mua tài sản, sử dụng dịch vụ thoả thuận thống nhất mức giá cuối cùng (giá chuyển nhượng). Mức giá đưa ra chủ yếu chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu theo cơ chế thị trường trừ một số trường hợp cụ thể như tài sản, dịch vụ cung cấp thuộc mặt hàng nhà nước quản lý thì phải tuân thủ theo một số quy định có liên quan, không quy định mục đích sử dụng nguồn tiền thu được.
Bản tin VAI