VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
31/12/2024 00:46:24
PHIẾM: chuyện … ỉa
Không nhiều người muốn nói đến đề tài này đơn giản vì tế nhị xuất phát từ trong tiềm thức con người cho đây là chuyện về cái bẩn vì dính đến chất bã thải, mùi thối, nhất là với những người cổ (U40) đã trải nghiệm với các thể loại dùng nhà xí lộ thiên, chuồng bò chuồng lợn ở nông thôn hay nhà xí công cộng, hố xí thùng hay nhà vệ sinh công cộng ở các trường học, bệnh viện ở thành thị … thời bao cấp quả là đáng quên vì nó tạo mức độ ấn tượng đến mức không dám nghĩ đến trước và sau bữa ăn vì tạo nên cảm giác … buồn nôn, chẳng hay ho gì.
Đây là nhu cầu sinh lý thường này của con người, dân gian tự xưa vẫn lưu truyền Tứ khoái đời người gồm "ăn - ngủ - đụ - ị", nó thể hiện một trong những nhân sinh quan dân gian cổ truyền lâu đời, đặc sắc, độc đáo của người Việt. Hành vi ỉa thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, các chữ tương đồng gồm: đi tiêu, đi cầu, ẻ (thổ ngữ miền trung), đi (ẩn dụ), xia (phiên âm Pháp Việt). Có thể vô tình các vị trí cảm xúc của tứ khoái được đặt theo âm vần những cũng có thể nó được cố tình đủn chữ "ị" xuống cuối cùng cho đống cảm xúc thường tình được thêm phần lịch thiệp, thanh tao chứ nếu theo cặp thì phải xếp "ăn" nên đi với "ị" và "ngủ" đi với "đụ" mới xứng.
Đối với đệ nhất "ăn", đệ nhị "ngủ", đệ tam "đụ" trong tứ khoái không bàn vì sự sung sướng, khoái cảm được người đời ca ngợi quá nhiều, đấy là mặt phải tức là chỉ nới đến cảm xúc hưởng, còn mặt trái nhiều người không nghĩ đến nhưng vẫn tồn tại, như khi ăn thức không hợp, buồn ngủ nhưng không được ngủ hay đang ngủ ngon bị quấy rầy, phải đụ khi … không muốn đụ đều cho ta cảm giác trái ngược. Nhưng nói "ị" nằm trong tứ khoái chắc nhiều người cũ không đồng thuận cho lắm vì lúc ị đâu có thấy sướng, chỉ thấy phải rặn khổ bỏ mẹ chứ khoái nỗi gì, ấy nhưng đấy là mặt trái dễ nhớ, còn mặt phải nữa chứ, đòn xóc có 2 đầu mà.
Ngoài câu tục ngữ "Nhất quận công, nhì ỉa đồng" thì tự cổ chí kim hầu như không có văn chương thơ phú nào tán, bình hay ca tụng về chuyện "ị" cả, nhưng nó vẫn được xếp trong tứ khoái. Xếp cái việc "ỉa đồng" ngay dưới việc được làm "quận công" là để ví đến việc được ỉa ở nơi thoáng mát, không có mùi xú uế mới tận hưởng được cái khoái cảm thứ tư. Ở nhiều vùng thôn quê miền bắc, do xuất phát truyền thống kinh tế lúa nước, thời xưa không có phân công nghiệp, phân bón chỉ có dùng phân từ trâu bò lợn gà gọi là phân chuồng và phân người, các thứ bã thải đều tận dụng, được tập trung lại để định kỳ đem ủ với rơm rạ, lá cây cho hoai đi (chuyển mùi dễ chịu hơn, tơi ra, khoa học gọi là phân hữu cơ) rồi mang bón cây; do đặc điểm đất đai màu mỡ nên dân miền nam chỉ được tiếp cận với cách làm phân này sau năm 1975 và đặt riêng tên tiêng cho loại phân bón này theo xuất xứ là "Phân Bắc" và hầu như họ không làm phân bón theo cách này.
Thời Pháp thuộc, Thực dân pháp thấy dân Phố cổ Hà Nội giải quyết nỗi buồn theo cách đại tiện, tức là tiện đâu ỉa đấy, mất vệ sinh quá nên nhà cầm quyền ban lệnh cấm ỉa bậy, khai hoá văn minh bằng cách bắt dân phố phải xây nhà xí theo công nghệ xí thùng, tức là làm bệ ngồi xổm đi thẳng vào thùng và tổ chức đấu thầu định kỳ cho công nhân đến dọn phân (đổi thùng phân) đem về bán lại cho các nơi nuôi cá hoặc ủ phân. Nhà nào muốn thì đăng ký với công ty trúng thầu còn nếu không thì phải gọi cho dân quanh vùng đến thu gom về bón ruộng. Ngôn ngữ Việt Nam được bổ sung thêm động từ đi xia theo phiên âm từ tiếng Pháp (tiếng Pháp "chier" đọc đồng âm Việt là "xia", nghĩa là ỉa). Quy định này được dòng văn học hiện thực phê phán nhắc đến trong tác phẩm "ông Cò" của nhà văn Tú Xương, một thời được ngành giáo dục cho vào sách cho học sinh để nói đến những quy định xấu xa của Thực dân Pháp (không biết nay có còn không):
"Ngớ ngẩn đi xia may vớ được,
Phen này ắt hẳn kiếm ăn to."
Thời sau Hoà bình, việc thu gom không chính thức (đấu thầu) mà chủ yếu là tự phát, ở Hà Nội lập cả 1 cái chợ gần khu Chùa Hà nay thuộc quận Cầu Giấy để mua bán phân người thu gom được dùng để có cá ăn hoặc ủ phân, theo đó hình thành cả làng chuyên thu gom phân trong phố, thợ thu gom chủ yếu là trai tráng dùng xe đạp thồ theo 2 cái sọt bằng sắt lót kín đi từ 2, 3 giờ sáng để lấy phân cho khỏi ảnh hưởng, gọi là lót kín nhưng chỉ tương đối thôi vì thời xưa là gì có nilon tấm to như bây giờ, xe thồ phân đi đến đâu là "thơm" lừng phố phường đến đấy, nước chảy giọt thành 2 hàng song song lượn theo từng bước chân của người đẩy xe, để lại dư hương không mấy dễ chịu, lâu tan cho phố phường. Người ta còn hình thành cả câu vè về nghề hiếm hoi làng này: "Thanh niên Cổ Nhuế xin thề, chưa đầy hai sọt chưa về quê hương" và hẳn không ít tuổi thơ đã từng bị bố mẹ mắng khi điểm kém, lười học, mài chơi: "ngữ mày lớn lên chỉ có nước đi xúc phân". Đến năm 1960 mới Hà Nội thành lập Công ty môi trường có nhiệm vụ giải quyết tập trung chất thải.
Do mục đích ị tập trung để bón cây và chưa có công nghệ xí 2 ngăn hoặc chi phí làm nhà vệ sinh tốn kém nên người dân quê có hai cách là ngồi lên thành chuồng đi trực tiếp vào chuồng gia súc để tiện thu gom hoặc ra góc vườn đào cái hố, quây ít lá hay cót che chắc, gác sơ cây que ngang miệng hố để rồi phải hưởng thức đệ tứ tứ khoái đấy ngay trên đống phân tươi roi rói lẫn nước tiểu, nhung nhúc dòi bọ, vo ve ruồi muỗi … vì nơi ấy rất bản nên người ta gọi là "chuồng xí". Tả sơ vậy thì bạn đọc cũng tưởng tượng được môi trường "hỗn tạp" như vậy làm sao mà thưởng thức gì cho thấu, nên có thời gian dài người ta khó coi nó là "khoái" được.
Cái văn hoá "ẻ đồng" là của dân miền Trung, xưa họ cũng ủ phân nhưng chỉ ủ phân chuồng (phân gia xúc), cũng không xây nhà xí mà đi ỉa ngoài đồng cho thoáng, do "ẻ" phải để lộ ra chỗ nhạy cảm nên phải đi theo giờ (thường là xẩm tối hoặc mờ sáng) và đi theo nhóm cho vui và đỡ nguy hiểm. Nơi ẻ thường cũng tập trung, họ rủ nhau như xem chiếu bóng, rôm rả đủ thứ chuyện nhưng thường là những chuyện tế nhị như khen chê hàng họ to nhỏ, phân đẹp xấu hay than phiền khi đau đụng té re, táo bón hay tiếng trung tiện dị thường … tạo thành nét văn hoá vùng miền mà người nơi khác đến rất khó hoà nhập. Thời xưa giấy tờ ít lắm nên dân thuần nông chỉ dùng que tre để quẹt (thổ ngữ gọi là quẹt khu) hay trịn tạm vào gốc cây (rất khổ cho ai bị trĩ), nhà có người làm tiểu thương, công chức sang hơn thì dùng giấy báo còn xịn nữa là nhà thợ may dùng giẻ vụn, giấy giẻ trắng xoá cả vùng …
Tôi có cô em họ quê miền Trung khi nhỏ gia đình tập trung học hành, lớn hết cấp 3 mới được về quê, trước khi về rất háo hức, dự là phải đi 1 tuần để ăn các món đặc sản quê hương, thăm hỏi bà còn họ hàng cho thoả những thứ thường được nghe mẹ kể, toàn chuyện mà thành thị không có. Nhưng chỉ đến ngày thứ hai đã thấy đòi về, dứt khoát về vì không thể ỉa được ngoài đồng hay ngồi thực hành trên thành chuồng lợn, chuồng trâu. Người ta có thể nhịn ăn một vài bữa nhưng không thể nhịn ỉa khi nhu cầu đến, bí quá đành phải vào nhà tắm đi vào chậu rồi mang đi đổ. Chỉ nghĩ đến phải thao tác lần tới là cô em nhất quyết xách ba lô lên là đi, mặc cho bố mẹ gạn hỏi, họ hàng bịn rịn níu kéo … và sau đó mới bật mí và tuyên bố chỉ về quê khi có nhà xí đàng hoàng.
Dân miền nam khác hơn, do đất đai màu mỡ nên họ không bón phân, mà thường dùng cho cá ăn, nhiều nơi vẫn duy trì cách làm nhà xí truyền thống từ xưa đến ngày nay. Do đặc thù nhiều ao, sông, rạch nên nhà xí chỉ cần bắc cây như cái cầu ao, dùng bất kỳ cái gì có thể che tạm như lá dừa, bao tải … nhưng có đặc thù là "cầu tõm" ở đây đa phần chỉ che đến thắt lưng thôi, hơi bất tiện khi tụt quần dễ lộ hàng hay khi ngồi xổm phần trên vẫn lộ thiên, chắc để tiện nói chuyện cho vui.
Chuyện "ỉa" cũng làm cho cái thứ văn minh ở đô thị thành cơn ác mộng, người ta có xây hố xí hẳn hoi nhưng vì nạn thiếu nước sạch và hoặc không quan tâm đến khâu vệ sinh, tẩy uế bề mặt nên không gian trong các nhà vệ sinh công cộng cực kỳ ô nhiễm. Việc phải ngồi xổm, lấy hơi sâu để rặn là một cực hình vì không thể không hô hấp trong cái không gian nồng nặc, quánh đặc, cay sè mắt mũi kèm theo ruồi nhặng vo ve trong suốt thời gian "gửi tình yêu vào đất".
Do không còn quy định phạt nặng khi nếu bắt được ỉa bậy như thời Pháp thuộc, nên tất yếu tái diễn nạn ỉa bậy ở phía ngoài nhà vệ sinh như sân, đường vào nhà xí hay bất kỳ chỗ khuất nẻo ít người qua lại, thậm chí chỉ là góc tường có đến 2 mặt che là được. Chính quyền và người dân phải viết nhiều "khẩu hiệu" CAM DAI BAY nhưng như lẽ đương nhiên, ở đâu có chữ này thì ở đó có đái bậy. Có cả chuyện cười về chuyện này khi người nước ngoài đến hỏi là Việt Nam có cái Vịnh Đái Bậy thấy quảng cáo nhiều ở nơi công cộng mà tìm không được, tất nhiên nó chỉ là chuyện tiếu lâm thôi.
Chuyện kém vệ sinh của nhà xí công cộng thành vấn nạn, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thậm chí bệnh viện là nơi phải được vệ sinh nhất thì khi vệ sinh công cộng cũng bẩn đến không tưởng, luôn phải có 2 hệ thống nhà vệ sinh dùng cho nhân viên và cho bệnh nhân. Tình trạng này kéo dài đến hết thập kỷ 20 của thế kỷ 21, nặng nề đến mức bà Kim Tiến Bộ trưởng bộ Y tế phải kêu gọi có ngày "Ngày nhà vệ sinh bệnh viện" chính thức ví: "Nhà vệ sinh bẩn tức là GĐ bệnh viện và trưởng khoa bẩn" theo đó là tình trạng nhà vệ sinh tại khối bệnh viện được cải thiện nhanh chóng; theo đó ngành giáo dục cũng đồng hành để khắc phục tình trạng này trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo; Tại các đô thị lớn, các nhà vệ sinh công cộng cũng được đặt nhiều hơn thiết kế đẹp mắt và có đội ngũ công nhân vệ sinh chuyên nghiệp, được đấu thầu vận hành khai thác hẳn hoi.
Nói thể mới biết, chuyện "đi xia" chả mấy hấp dẫn sao lại có chỗ trong "tứ khoái" được. Đấy là chuyện xấu, mặt trái do điều kiện khách quan thôi, ngày nay người ta tập trung vào đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống nên chỗ đắt nhất trong ngôi nhà lại là nhà xí, các thiết bị vệ sinh đắt có giá trị đến hàng trăm triệu để đáp ứng mọi theo khả năng, nhu cầu người dùng và để thay đổi quan điểm, nay người ta gọi là WC, Toilet để thay do danh từ nhà xí trước đây. Việc thay đổi quan điểm này đã dần lấy lại vai trò, vị trí của chuyện "ỉa" trong đời sống hàng này để đưa nó đúng với tầm quan trọng của nó.
Vậy chuyện "ỉa" được nằm trong tứ khoái có đúng không??? Thưa là thật đấy!!! Nếu như ai đó chưa từng bị đau bụng theo kiểu tào tháo đuổi, kiết lị hay táo bón hay phải nhịn ỉa thì chưa thể biết được cái sung sướng của người ta khi buồn ỉa được ỉa ngay và nhanh. Tại sao có thêm chữ "nhanh" ấy là khi cơn mót đạt đỉnh mà không được ỉa ngay, nhất là mấy anh có bệnh đại tràng co thắt mới thấu hiểu, khi xả được nó sung sướng thế nào, có lẽ cảm giác tức thời còn trên cả 3 cái khoái còn lại, khi ấy khoái cảm được tạo ra độ từ độ dồn nén, tích tụ không giải toả ngay được (do yếu tố khách quan) đến cực đại và được xả ra rất nhanh tạo ra cảm giác khoan khoái rất khó tả.
Về chủ quan, thông thường để được thưởng thức được cảm giác này người ta cần một số điều kiện nhất định như sức khoẻ tốt, vận động đều đặn, vừa đủ, ăn uống điều độ nhiều chất xơ, không dùng chất cay nóng, chất kích thích. Thời gian đi ỉa không quá 10 phút, không phải rặn nhiều, phân thoát ra kích thước vừa phải có màu nâu nhạt (vì nó có chứa một sắc tố được gọi là bilirubin, đây là sắc tố mật được hình thành khi các tế bào hồng cầu vỡ), hình dáng dài thuôn đều, bề mặt mịn láng ướt, mùi thối dễ chịu không tanh hay hắc. Cảm giá thoải mái nhất là khi đi xong cảm giác nhẹ nhõm, không khô rát, chảy máu (thường ở người bị trĩ), không có cảm giác mót muốn ngồi thêm, chắc đây là khoái cảm được nhắc đến trong tứ khoái.
Thành phẩm của tứ khoái gọi chung là chất bã thải thể hiện sức khoẻ của người thải ra nó, trong Đông y có nhiều hướng dẫn về cách chuẩn đoán bệnh qua hình dáng, màu sắc, vì của phân. Những người đọc sử Tàu chắc không lạ tích Việt vương Câu Tiễn khi bị bắt làm con tin đã ngửi phân đoán bệnh cho vua Ngô là Phù Sai để giả thuần phục, sau được tha về nước và lập nên tích lật đổ nước Ngô hình thành nên Ngũ bá cuối thời Xuân Thu trong tác phẩm Đông Chu Liệt quốc (lưu ý: Câu Tiễn là vua nước Việt, ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô, không phải Việt Nam nha)
Khi nói đến cứt hay phân người ta thường nghĩ ngay đến mùi thối khó chịu nhưng không hẳn vậy, chất thải vẫn có "mùi thối dễ chịu" đấy. Nếu người có sức khoẻ tốt, ăn những đồ có tinh dầu không bị chuyển hoá bởi hệ thống tiêu hoá thì không phải phân lúc nào cũng thối, mùi phân hay khí trung tiện đôi khi có mùi đặc trưng của tinh dầu bưởi, tinh dầu của thịt dúi, cầy hương … ăn trước đó, không gây cảm giác khó chịu ngoài việc người ngửi phải mặc định là thối, sự thật là người hít phải khí này hầu như không có cảm giác khó chịu, nhất là khi ngửi đúng mùi của mình thải ra.
Đấy là điều kiện chuẩn của để thưởng thức đệ tứ tứ khoái được dân gian truyền tụng, vì nằm trong thứ cảm khoái nên không viết ngắn được. Rất cảm ơn bạn đã kiên trì đọc đến đây, nó thể hiện ràng là bạn cũng rất quan tâm, hãy cho lời bình nếu thấy cần góp thêm ý.
Ngô Gia Cường