VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
2/1/2025 23:31:36
I. Đối với doanh nghiệp:
Trường hợp tài sản thanh lý có giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp, tuỳ theo Điều lệ của mỗi doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp cần đối chiếu với tài sản cần thanh lý để xác định phân cấp xử lý tài sản, xin ý kiến của chủ sở hữu về chủ trương thanh lý tài sản; Đối với doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước cần tham khảo ý kiến của chủ sở hữu thông qua đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp; Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phải có ý kiến của cơ quan được giao quản lý vốn Nhà nước như Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính; các bộ ngành; UBND cấp tỉnh và được chấp thuận dưới hình thức văn bản phù hợp với các văn bản hướng dẫn tại từng thời điểm.
Căn cứ theo Điều lệ doanh nghiệp và văn bản quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Giám đốc phải lập phương án thanh lý tài sản chi tiết theo các bước trình Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH) hoặc Hội đồng quản trị (đối với Công ty Cổ phần) để xin ý kiến, chủ trương thực hiện.
Bước 1: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản
Hội đồng thanh lý tài sản chủ yếu là các thành viên như trong Hội đồng Kiểm kê và cần bổ sung thêm cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến tài sản cần thanh lý.
Hội đồng có trách nhiệm xác định số lượng, phân loại tài sản, thu thập hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật có liên quan đến tài sản cần thanh lý phù hợp với kế hoạch bán tài sản đã được thông qua. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc không thực hiện được đúng theo kế hoạch được duyệt thì Hội đồng thanh lý tài sản có trách nhiệm báo cáo, điều chỉnh kế hoạch bán thanh lý tài sản với cấp có thẩm quyền.
Bước 2: Đánh giá chất lượng còn lại của tài sản
Việc đánh giá chất lượng còn lại của tài sản chủ yếu dựa trên hồ sơ, sổ tài sản theo dõi chế độ bảo hành, bảo trì, sửa chữa nhỏ, trung - đại tu, đánh giá mức độ tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, mức độ cần thiết, hữu dụng, hiệu quả kinh tế.
Việc đánh giá chất lượng của tài sản có thể tự thực hiện nếu doanh nghiệp có bộ phận kỹ thuật chuyên môn; trương hợp không có bộ phận kỹ thuật chuyên môn có thể trưng cầu giám định chất lượng của tổ chức độc lập có đủ chức năng, năng lực.
Việc mô tả, đánh giá chất lượng còn lại cần được thiết lập thành văn bản dưới dạng Biên bản làm việc, chụp ảnh tư liệu làm căn cứ để lưu giữ hồ sơ, đối chiếu với kết quả tư vấn về giám định chất lượng ...
Bước 3: Đánh giá giá trị còn lại, xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.
- Các hình thức bán tài sản:
+ Bán chỉ định
+ Thông báo bán công khai
+ Bán đấu giá
Tuỳ theo mô hình doanh nghiệp, nguồn vốn hình thành tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu, Hội đồng bán thanh lý tài sản lựa chọn hình thức bán tài sản phù hợp với quy định hiện hành về quản lý tài sản theo Luật doanh nghiệp, Luật quản lý tài sản Nhà nước … (phù hợp với kế hoạch đã được duyệt)
Trên cơ sở chất lượng còn lại của tài sản, kết quả đánh giá hiệu quả sản xuất của tài sản, doanh nghiệp có thể tự tham khảo thị trường mua bán tài sản đã qua sử dụng trên cơ sở chào bán, khảo sát thực tế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, sử dụng tài sản tương ứng.
Trường hợp việc xác định giá trị tài sản để bán phức tạp, thành viên Hội đồng thanh lý không đủ trình độ, năng lực, thời gian thì có thể thuê tổ chức thẩm định giá có đủ tư cách pháp nhân tiến hành thẩm định giá bán tài sản theo các hình thức thông báo bán công khai, bán đấu giá hay bán chỉ định phù hợp với đặc điểm thị trường và hoặc mục đích bán tài sản phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước phải được chấp thuận phê duyệt giá bán khởi điểm để bán đấu giá của cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán thanh lý tài sản.
Bước 4: Bán tài sản
Việc bán tài sản có thể do Hội đồng thanh lý tài sản quyết định nhưng đối với những tài sản phức tạp, giá trị lớn có thể thành lập Hội đồng bán tài sản.
Trường hợp khác Hội đồng bán thanh lý tài sản có thể thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá thực hiện cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản theo đúng quy định hiện hành.
Thành phần Hội đồng bán tài sản được thành lập trên cơ sở Hội đồng thanh lý tài sản nhưng cần có thành viên am hiểu về quy trình bán đấu giá tài sản, tốt nhất là thuê cá nhân có chuyên môn, được cấp thẻ đấu giá viên do Bộ Tư pháp cấp để tham gia tư vấn trong quá trình bán tài sản như quy chế bán tài sản, thủ tục phiên bán đấu giá (nếu thực hiện bán tài sản theo hình thức đấu giá), thủ tục công chứng mua bán, nộp thuế chước bạ, thuế thu nhập, thuế chuyển quyền ... (nếu có)
Bước 5: Xử lý kết quả bán tài sản
- Ký các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng cho người mua tài sản
- Quyết toán, cân đối thu chi từ việc bán tài sản;
- Xử lý chênh lệch thu chi từ việc bán tài sản;
Hội đồng thanh lý tài sản tự giải thể khi kết thúc công việc.
II. Đối với cơ quan, đơn vị đã được trang bị xe ô tô nhưng xe ô tô hiện đã cũ, hỏng đề nghị thanh lý mua mới thay thế xe thanh lý:
Theo tiêu chuẩn ISO về quy trình thanh lý xe ô tô hiện đã cũ, hỏng đề nghị thanh lý mua mới thay thế xe thanh lý của Sở Tài chính Hà Nội hướng dẫn:
(Các trường hợp được trang bị thay thế được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BTC ngày 14/1/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 103/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp xe ô tô đủ điều kiện được trang bị thay thế, cơ quan đơn vị liên hệ với Sở giao thông vận tải để thực hiện việc giám định chất lượng phương tiện đi lại là xe ô tô đề nghị thanh lý).
Hồ sơ bao gồm:
- Công văn đề nghị mua sắm phương tiện đi lại là xe ô tô (có ý kiến thống nhất của cơ quan chủ quản) kèm theo danh mục xe ô tô đề nghị thanh lý theo mẫu số 02-DM/TSNN Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
- Đới với cơ quan hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu, công lập ... trên địa bàn thành phố Hà Nội:
+ Công văn gửi Sở Tài chính Hà Nội (Phòng Hành chính sự nghiệp - Chi cục quản lý Công sản trực tiếp giải quyết): Nội dung Công văn phải nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, hiện trạng xe ô tô đang sử dụng, sự cần thiết phải trang bị xe ô tô mới thay thế xe ô tô cũ đề nghị thanh lý và đề xuất phương án trang bị xe ô tô thay thế xe thanh lý, cụ thể: số lượng xe, chủng loại xe, đề xuât hướng xử lý tài chính phù hợp với quy định hiện hành (nộp ngân sách hoặc nhập quỹ đầu tư phát triển của đơn vị sau khi trừ chi phí)… hồ sơ gửi kèm gồm:
+ Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
+ Hồ sơ phương tiện: Văn bản điều chuyển, giao mua, giao nhận tài sản (nếu có); giấy đăng ký; đăng kiểm phương tiện;
+ Biên bản giám định chất lượng phương tiện đi lại là xe ô tô đề nghị thanh lý do Sở Giao thông vận tải lập.
- Đối với môt số cơ quan Trung ương thường có quy trình thanh lý tài sản như sau:
+ Đơn vị quản lý, sử dụng tài sản lập công văn đề nghị xin thanh lý (nội dung tương tự như trên);
+ Văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản, có thẩm quyền cho phép bán thanh lý trong đó hướng dẫn đơn vị tự giám định chất lượng, thẩm định giá, tự tổ chức bán đấu giá tài sản;
+ Đơn vị quản lý sử dụng thuê các tổ chức có chức năng phù hợp cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành;
+ Báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan cho phép thanh lý tài sản.
Thủ trưởng đơn vị cần tham khảo văn bản hướng dẫn về quản lý tài sản Nhà nước tại thời điểm có nhu cầu thanh lý tài sản để áp dụng phù hợp với từng địa phương, từng trường hợp, thời gian cụ thể như Pháp luật về đất đai; Pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN; Pháp luật về sắp xếp lại xử lý nhà, đất thuộc sở hữu NN; Pháp luật về bồi thường hỗ trợ; Pháp luật về tài sản xác lập sở hữu nhà nước; Pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Trường hợp các văn bản quản lý Nhà nước không hướng dẫn chi tiết thì có thể tham khảo quy trình bán thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp nêu trên để triển khai thực hiện.
Lưu ý:
Các nội dung hướng dẫn trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo
Các văn bản khác có thể tham khảo tại Mục cơ sở dữ liệu trong website này