VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 08:27:10
SUNG ĐỘT VỀ NGUYÊN TẮC TRONG HOẠT ĐỘNG BÁN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
Tại tiết b khoản 12 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định về Nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có nội dung như sau:
“b) Bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.”
Vậy nguyên tắc thị trường và nguyên tắc bảo toàn vốn là gì???
* Nguyên tắc bảo toàn vốn là gì???
Nguyên tắc bảo toàn vốn được quy định tại Điều 22 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
“Điều 22. Bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Mọi biến động về tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát.
2. Việc bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:
a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.
b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.
c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;
- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi;
- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính;
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.
d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Định kỳ hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá mức độ bảo toàn vốn của doanh nghiệp, phương pháp đánh giá như sau:
a) Sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phát sinh lỗ hoặc có lãi, doanh nghiệp bảo toàn vốn.
b) Trường hợp sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ (bao gồm trường hợp còn lỗ lũy kế), doanh nghiệp không bảo toàn được vốn.”
Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp phải thực hiện theo những quy định bắt buộc trong đó kết quả kinh doanh (sau khi trích lập dự phòng) của doanh nghiệp không phát sinh lỗ hoặc có lãi, doanh nghiệp bảo toàn vốn.
* Nguyên tắc thị trường là gì???
Trong tắt cả các văn bản quản lý kinh tế của Nhà nước đều không nêu ra được khái niệm, quy định thế nào là Nguyên tắc thị trường, đối chiếu theo Luật Giá chỉ đưa ra khái niệm về “Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.”
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 thì đưa khái niệm cụ thể hơn: “Giá trị thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch khách quan, độc lập, có đủ thông tin, các bên tham gia hành động một cách có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc”
Như vậy, xét về mặt lý thuyết, nguyên tắc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong Nghị định 32 đưa ra đã có điều mâu thuẫn ngay trong cùng một câu khi nguyên tắc “bảo toàn vốn” được hướng dẫn chi tiết còn nguyên tắc thị trường lại không tìm thấy khái niệm.
Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến nguyên tắc bảo toàn vốn sẽ được ưu tiên thực hiện, việc quản lý tài chính đã được “điều chỉnh” cho phù hợp với nguyên tắc bảo toàn vốn, đảm bảo thành tích của người đại diện phần vốn đã làm méo mó bức tranh tổng thể của doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động yếu kém như việc khấu hao chậm, không khấu hao hoặc phân bổ chi phí không phù hợp trong thời gian dài, hàng tồn kho mất phẩm chất, tồn ứ không tiêu thụ được không trích lập dự phòng ... sẽ hiện ra tại thời điểm phải thẩm định giá giá trị doanh nghiệp phục vụ bán phần vốn Nhà nước.
Vậy theo nguyên tắc bảo toàn vốn, giá trị tài sản nói chung trong doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo một “nguyên tắc” được định hướng rất kỳ lạ, giá trị còn lại phải bằng hoặc cao hơn giá trị sổ sách, đối với tài sản khi thẩm định giá có giá trị thấp hơn giá sổ sách sẽ đương nhiên được tính bằng giá trị còn lại trên sổ sách kế toán và xuất hiện một kết quả xác định giá trị doanh nghiệp có giá cao hơn giá trị thực để đưa ra thị trường, thành tích quản lý của doanh nghiệp vẫn bảo toàn, các con số thể hiện thực trạng yếu kém, các nguy cơ tiềm ẩn của doanh nghiệp vẫn được "ẩn giấu" còn việc bán phần vốn Nhà nước được hay không vẫn còn do “thị trường” quyết định không thể áp đặt được, sự phức tạp ở chỗ không có cơ chế cụ thể cho việc giảm giá bán trong trường hợp giá chào bán đấu công khai nhưng không thành công.
Vậy để thực hiện được cùng một lúc cả hai nguyên tắc như vậy liệu có khả thi, đảm bảo được mục đích là xắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước hay không cần phải hỏi lại cơ quan chấp bút ban hành văn bản???
Bản tin VAI