VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/12/2024 12:48:07
TẢN MẠN CHUYỆN THAM NHŨNG "GIÁ"
(ảnh: sưu tầm)
Theo các thông tin chính thống do các báo đăng tải thông tin về sự mờ ám của hoạt động thẩm định giá trong các vụ án liên quan đến thiết bị y tế gần đây cho thấy các thông tin đều không rõ ràng, thiếu cơ sở. Việc tiếp cận hồ sơ điều tra và công bố thông tin là hành vi vi phạm pháp luật về Bí mật Nhà nước cho nên cũng như mọi người dân, tôi chỉ nhận biết qua báo chí và rút ra được một số vấn đề về giá như sau:
Việc thông tin giá máy thấp nhưng khi mua bán định giá cao và số chênh lệch được cộng trừ một cách cơ học như việc máy Real-time (PCR) hay robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa chỉ gồm giá bán trên hợp đồng trừ đi giá khai báo hải quan là cách hiểu chưa đúng về giá thành và giá bán trong sản xuất kinh doanh.
Vụ trung tâm CDC mua máy Real-time (PCR) thì thông tin từ cơ quan chức năng và báo chí báo chí chỉ tính trừ lùi giá bán với giá kê khai nhập khẩu hải quan ra hiệu số là xác định chênh lệch (kết luận tiêu cực), đến nay, với robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa đã được truyền thông cộng thêm chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ để xác định giá vốn cúa máy từ khoảng 7,6 tỷ thành khoảng 10 tỷ cho thấy sự "tiến bộ" của người ngoài cuộc.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ có hướng dẫn xác định Giá vốn nhập khẩu (GV) xác định theo công thức sau:
GV = Giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + Các khoản thuế, phí khác phát sinh tại khâu nhập khẩu (nếu có) + Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định (nếu có)
Trong đó, chỉ riêng Giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) được xác định bằng ) [Giá mua thực tế ở thị trường nước ngoài cộng (+) Các chi phí phát sinh để đưa hàng về Việt Nam (gồm chi phí bảo hiểm quốc tế, cước vận chuyển quốc tế) cộng (+) Các chi phí phải cộng khác theo quy định (nếu có) trừ (-) Các chi phí phải trừ khác theo quy định (nếu có) vào giá trị hàng nhập khẩu để tính thuế nhập khẩu theo quy định] nhân (×) Tỷ giá quy đổi ngoại tệ.
Như vậy giá kê khai nhập khẩu hải quan mới chỉ là một phần trong giá vốn nhập khẩu chứ chưa thể nói đến các chi phí khác được quy định như Thuế nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có); Các khoản thuế, phí khác phát sinh tại khâu nhập khẩu; Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định (nếu có). Ngoài giá vốn nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu còn rất nhiều khoản chi khác như: chi phí tài chính (chi phí vốn từ khi ký hợp đồng cho đến khi bán thành công), chi phí lưu kho bãi; chi phí quản lý chung (lương, khấu hao tài sản, thuê trụ sở …); chi phí bán hàng.
Đấy mới chỉ là xác định giá thành định mức, trong quá trình lưu thông, giá thành định mức bị thay đổi theo thực tế phát sinh còn bị thay đổi do các yếu tố giá tác động theo thời gian làm tăng chi phí do hàng chậm lưu thông như: chi phí kho bãi, chi phí vốn, lương … hình thành nên giá thành thực tế, thời gian lưu thông càng lâu thì giá thành thực tế càng cao và lợi nhuận càng giảm (nếu giá thành toàn bộ - giá bán) không đổi, chưa nói đến khấu hao vô hình do lạc hậu công nghệ).
Để tính đến giá bán không thể không nhắc đến lợi nhuận của bên bán, cũng theo Thông tư 25/2014/TT-BTC quy định: "tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dự kiến tỷ suất lợi nhuận hoặc mức lợi nhuận hợp lý (nếu có) đảm bảo giá bán hàng hóa, dịch vụ được xác định không vượt giá bán trên thị trường (đối với hàng hóa, dịch vụ có giá thị trường)".
Lợi nhuận dự kiến (tỷ suất lợi nhuận) thông thường được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá thành toàn bộ; hoặc trên giá bán; hoặc trên doanh thu tuỳ theo từng mô hình, lĩnh vực kinh doanh như điều quan trọng nhất là giá bán phải đảm bảo tính thị trường, tức là "không vượt giá bán trên thị trường" trong điều kiện thuận mua vừa bán. Mức trần "giá bán trên thị trường" đặt ra rủi ro trong kinh doanh khi quá trình lưu thông không được như dự kiến, giả định khi hàng hoá lạc hậu công nghệ do mẫu mới hay hãng khác có sản phẩm cạnh tranh, lỗi kỹ thuật ngoài dự báo của nhà sản xuất … Bên nhập khẩu phải điều chỉnh giảm dần lợi nhuận kỳ vọng, thậm chí là phải chấp nhận bán dưới giá thành để cắt lỗ.
Nói như vậy ta nghĩ rằng có thể đã xác định được hết các yếu tố cầu thành nên giá bán của sản phẩm nhưng không hoàn toàn vậy, đó mới chỉ là yếu tố chủ quan trong hoạt động định giá. Yếu tố khách quan tác động đến giá bán còn được điều tiết thêm cung cầu của thị trường còn được xác định là yếu tố tác động không nhỏ đến giá bán của hàng hoá, cụ thể như tính mùa vụ, trào lưu xã hội (trend), tính khan hiếm bất thường do cầu tăng đột ngột do yếu tố bất khả kháng như thời tiết, dịch bệnh, tai nạn …
Trong vụ án của CDC Hà Nội, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, việc cả thế giới khan máy thở hay các vật tư y tế như khẩu trang, bảo hộ y tế, … trong đó máy Real-time (PCR) phục vụ xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh Covid 19 đặc biệt khan hiếm, việc khan hiếm đương nhiên sẽ làm tăng giá bán của sản phẩm do nhu cầu cầu tăng đột biến trong khi khả năng cung cấp có hạn, đó là cơ hội của người bán và người kinh doanh được hưởng lợi nhuận chính đáng từ cơ hội này, tất nhiên lợi nhuận là bao nhiêu được cho là chính đáng còn tuỳ người ngoài phán xét.
Tuy nhiên cơ hội luôn đi cùng với rủi ro, ví như hiện nay đang có rất nhiều cơ sở kinh doanh ồ ạt nhập máy sản xuất khẩu trang và đến đợt dịch thứ 2 xuất phát từ Đà Nẵng mới đây cho thấy cơ hội luôn đi với rủi ro khi giá khẩu trang tăng 4 lần trong một ngày công bố thông tin dịch nhưng rớt thảm hại chỉ trong 2 ngày lại gần như không thể bán được với giá trước đó do tâm lý người dân đã ổn định, lượng dự trữ trong dân đã bão hoà làm không ít người đầu tư cơ hội phải ôm hận.
Quay lại vụ máy mổ sọ não robot Rosa của Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS), đây là một trường hợp khác, không liên quan đến quan hệ cung cầu đột biến như thông tin quá ít để có thể đánh giá, tuy nhiên tôi cũng xin có một số nhận định như sau:
Xét về quan hệ thì chưa thể nói chỉ Công ty BMS cấu kết với thẩm định viên về giá để nâng khống giá thiết bị trong hợp đồng hợp tác (xã hội hoá) này được vì hai lý do:
Thứ nhất: Việc thẩm định giá hẳn phải do Bệnh viện Bạch Mai thuê vì không thể để bên đối tác vừa là người định giá bán đồng thời thuê thẩm định giá sẽ không đảm bảo tính khách quan. Điều này là võ đoán vì tôi không biết bên nào trực tiếp ký hợp đồng thẩm định giá máy, nhưng nếu để đối tác gián tiếp hay trực tiếp làm việc này thì cần phải xem xét lại trách nhiệm Bệnh viện Bạch Mai.
Thứ hai: Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu ngành, cán bộ phòng vật tư thiết bị y tế bệnh viện Bạch Mai có rất nhiều kinh nghiệm trong mua sắm thiết bị y tế, có thể dễ dàng kiểm tra giá bán và khả năng họ là "nạn nhân" là chưa hợp lý. Hơn nữa, kết quả thẩm định giá thực hiện với quan hệ độc lập, khách quan, kể cả khi họ chủ động làm mất tính "khách quan" thì Bệnh viện Bạch Mai đâu khó khăn để phát hiện chênh lệch. Lưu ý là bên tư vấn giá chỉ đưa ra mức giá để các bên tham khảo, làm cơ sở chứ không quyết định giá trị tài sản góp vốn ăn chia hộ các bên.
Nếu có điều kiện tiếp xúc với hồ sơ một cách hợp pháp, tôi mới có thể đưa ra thêm nhận định đánh giá về hoạt động thẩm định giá trong trường hợp này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chuyên môn, khách quan, thì cần có nhiều thông tin hơn nữa để đưa ra số liệu, tránh nhận định không có đủ cơ sở xin trích nguyên văn: " Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng" lập luận này là thiếu căn cứ và kém tính thuyết phục vì giả sử giá máy tăng 4 lần (với giá máy hợp lý là 10 triệu) thì chi phí dịch vụ 1 ca mổ cũng không quá 15 triệu được vì còn rất nhiều chi phí khác liên quan như công ca mổ, vật tư tiêu hao ….
Đề nghị báo giới khi đưa tin về các lĩnh vực chuyên môn cần khách quan và có kiến thức về lĩnh vực đưa tin, nếu không cũng cần tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia để không làm trầm trọng hoá sự việc gây bất ổn xã hội không đáng có.
BẢN TIN VAI