VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
3/1/2025 06:44:40
TẢN MẠN:
Nguồn gốc ngày tết
* Lịch sử chữ TẾT, ngày TẾT
Chưa có văn tự nào đưa ra dẫn chứng thuyết phục về ngày “TẾT” đầu tiên. Từ tết trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ của chữ 節, mà âm Hán - Việt hiện đại đọc là tiết. Tết và tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “節”. “Tết” xuất hiện trước “tiết”, vào giai đoạn chữ "tiết" 節 có âm đọc trong tiếng Hán trung cổ là /tset/.
Chữ “Tiết” xuất hiện sau “tết”, vào giai đoạn âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ "tiết" 節 đã biến đổi thành /tsiet/. Ban đầu cả "tết" và "tiết" đều được phát âm giống như âm đọc của chữ "tiết" 節 trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn, về sau do sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt cách phát âm của chúng đã thay đổi thành "tết" và "tiết" như hiện nay.
"Tết Nguyên Đán" vốn không phải là "Tiết Nguyên Đán" trong 24 bốn "Tiết khí" (chữ Hán : 節氣 pinyin: jiéqì) của Thời tiết phân chia theo lịch Mặt trăng (Nông lịch). Từ “nguyên” 元 trong “Nguyên Đán” 元旦 có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” 旦 có nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” 元旦 là chỉ "Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch".
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng lịch nông nghiệp (Nông lịch), cách tính thời gian theo chu kỳ mặt trăng ảnh hưởng đến thuỷ triều có tác động đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp được bắt đầu văn hóa Trung Quốc.
* Ngày TẾT của Trung Quốc
Hiện nay, tại Trung Quốc, Tết Nguyên Đán không còn được gọi là Tết Nguyên Đán nữa. Tại Trung Quốc, năm thành lập Trung Hoa Dân quốc (1912) được lấy làm mốc khởi thuỷ để định tên năm dương lịch được coi là Trung Hoa Dân quốc năm thứ nhất. Đến năm 1949, Trung Quốc quyết định gọi tên các năm dương lịch theo thứ tự trong kỷ nguyên Công lịch, chính thức quy định ngày 1 tháng 1 dương lịch (tức tết Tây) gọi là “Nguyên đán”, ngày mồng một tháng giêng nông lịch gọi là “Xuân tiết” (chữ Hán : 春節, pinyin: chūnjié) (nghĩa là lễ hội mùa xuân).
* Ngày TẾT của Việt Nam
Không có tài liệu nào nói ngày TẾT của Việt Nam bắt đầu từ năm nào, đời nào nhưng được nhắc nhiều đến trong các truyền thuyết dân gian mà lâu nhất là sự tích bánh trưng bánh giày thời vua Hùng.
Theo nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn, bắt đầu từ năm 1080, lịch ta đã khác hẳn lịch Trung Quốc. Có sự khác nhau này là do phép tính lịch khác nhau và còn do cách làm tròn không giống nhau ở chỗ bắt đầu một ngày mới. Vào thời Lê Trung Hưng đã có 11 lần Việt Nam ăn tết khác Trung Quốc. Sau năm 1945, có một thời gian ta không tính lịch âm nữa mà sử dụng một lịch ở vùng phía nam Trung Quốc.
Đến năm 1967, ta bắt đầu tính một lịch riêng theo múi giờ 7 là múi giờ chứa hầu hết phần đất liền của nước ta. Việc cải tiến lịch này đã khiến lịch ta so với lịch Trung Quốc càng lệch nhau nhiều, nhưng từ năm 1967 đến nay, ta và Trung Quốc đã ăn tết lệch nhau, vào các năm 1968, 1969, 1985 và năm 2007 là 4 lần
Trước Thống nhất (1975) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Miền Bắc) sử dụng múi giờ GMT+7, còn Việt Nam Cộng hoà (Miền Nam) sử dụng múi giờ GMT+8 giống như Trung Quốc. Điều này dẫn đến ngày TẾT của Việt Nam và Trung QUốc luôn luôn lệch nhau bởi vì hầu hết phần đất của VN nằm ở múi giờ 7, nếu lấy theo lịch Trung Quốc (múi giờ 8) thì sẽ bị lệch tối thiểu là 1 giờ.
* Việc chênh lệch cách tính thời gian có ảnh hưởng đến hoạt động tâm linh hay không???
Do Việt Nam và Trung Quốc sử dụng hai múi giờ khác nhau nên âm lịch Việt Nam và âm lịch Trung Quốc cũng có đôi chút khác biệt, có lúc thì chỉ lệch có một giờ, có lúc thì lệch đến một tháng. Vì vậy mà có năm Việt Nam đón tết cùng ngày với Trung Quốc, có năm lại đón tết trước hoặc sau Trung Quốc. Điển hình là năm 1985, Việt Nam đón tết trước Trung Quốc 1 tháng do theo lịch TQ, tháng nhuận rơi vào tháng 10, cho nên sau tháng 10 là tháng 10 nhuận, rồi mới tới tháng 11, tháng Chạp. Còn theo lịch VN thì tháng nhuận lại rơi vào tháng 2 của năm sau, tức năm Ất Sửu 1985.
Tuy ngày âm trong hai lịch khác nhau nhưng ngày người dân thường xem đối với các hoạt động có tính chất tín ngưỡng gọi là ngày can chi. Mà ngày can chi trùng với ngày dương lịch, tức là ngày can chi của Việt Nam và Trung Quốc đều trùng nhau, không có sự sai lệch nên không ảnh hưởng. Cách tính ngày giờ theo lịch can chi được căn cứ vào Dương lịch được quy chiếu như sau:
+ Cách tính năm theo can chi như sau: Con số cuối cùng của năm dương lịch ứng với các can: 0: canh; 1: tân; 2: nhâm; 3: quý; 4: giáp; 5: ất; 6: bính; 7: đinh; 8: mậu; 9: Kỷ; Ví dụ năm Canh Thân 1980, năm Ất Sửu: 1985, năm Kỷ Tỵ là 1989
+ Cách tính Tháng theo can chi: Tháng giêng âm lịch luôn luôn là tháng Dần, tháng hai là Mão, cứ tuân theo thứ tự đó đến tháng 11 là Tý, tháng chạp là Sửu (12 tháng ứng với 12 chi). Trường hợp năm có tháng nhuận thì cứ theo tháng chính (không đổi).
+ Cách tính Ngày theo can chi: Ngày can chi theo chu kỳ 60, độc lập không lệ thuộc vào năm tháng âm lịch hay năm tháng can - chi (Kể cả tháng nhuận). Ngày âm lịch và ngày can chi chênh lệch nhau rất khó xác định. Tính ngày can chi chuyển đổi sang âm lịch rất phức tạp vì tháng âm lịch thiếu đủ từng năm khác nhau (âm lịch trong 19 năm có 7 tháng nhuận, lại có tháng đủ 30 ngày tháng thiếu 29 ngày theo trình tự không nhất định) nên tính ngày can chi theo dương lịch dễ hơn.
+ Cách tính giờ theo can chi: Giờ một ngày đêm có 24 giờ nhưng theo can chi chỉ có 12 giờ. Giờ Tý (chính Tý lúc 0 giờ). Giờ Ngọ (chính Ngọ lúc 12 giờ trưa). Ban ngày tính từ giờ Dần (tức 4 giờ sáng) đến giờ Thân lúc 4 giờ chiều. Ban đêm tính từ giờ Dậu đến hết giờ Sửu. Nếu theo lịch can thì bắt đầu từ 23 giờ 30 phút đã sang giờ Tý của ngày hôm sau.
Lưu ý: lịch can chi chỉ để ghi ngày giờ của người chết nhưng không áp dụng để tính ngày giỗ vì lịch can chi có cách tính bội số của 60 nên không trùng ngày - giờ - năm theo cách tính này
Ngô Gia Cường (tổng hợp - phân tích)