VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
3/1/2025 06:39:38
TẢN MẠN:
Nguồn gốc và hiện trạng tục cúng dâng sao giải hạn hiện nay và có nên cấm hay không???
1. Nguồn gốc và hiện trạng tục cúng dâng sao giải hạn hiện nay
Không ai biết chính xác thời điểm ra đời của nghi lễ dâng sao giải hạn, chỉ biết nguồn gốc cúng dâng sao giải hạn là một tập tục từ Đạo Giáo - Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ 14 (có được nói đến trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung). Theo thuyết Ngũ hành, con người sống và chịu ảnh hưởng, tác động của vũ trụ, mỗi cá nhân thuộc về một không gian riêng, hàng năm mỗi người đều bị một vì sao chiếu mạng vào ứng với tuổi của từng người.
Có nhiều học thuyết quay xung quanh quan điểm này như thuyết Âm – Dương; Bát quái … từ đó phát triển thành các thuật pháp tiên đoán (bói toán) dùng để đưa ra các dự đoán có tác động đến con người được coi như tiền định (số phận) trong khoảng thời gian (niên hạn) nhất định như Kinh dịch, Tử vi, Phong thuỷ …
Xuất phát điểm, Đạo Giáo Trung Quốc chỉ có 7 sao (thất tinh) gồm: Mộc Đức, Vân Hán, Thái Bạch, Thuỷ Diệu, Thổ Tú, Thái Dương, Thái Âm được tôn xưng là thần và được gọi là Tinh quân và con người muốn hoá đổi vận mệnh phải cúng các sao này. Khi truyền bá sang Việt Nam, Người Việt sáng tạo thêm 2 sao là La Hầu và Kế Đô nữa thành Cửu tinh. [Tóm tắt tài liệu của Dương thị Anh: về hiện tượng cúng dâng sao giải hạn]
Trong nhận thức dân gian Việt Nam thì có 3 sao ẩn chứa hung tinh là Thái Bạch: chủ sự Tiêu tán tài sản, cháy sạch cửa nhà; La Hầu (nặng hơn với nam giới) và Kế Đô (nặng hơn với nữ giới) chủ sự những điều đau ốm, bệnh tật, không may mắn cho những người có năm phạm phải sao này.
Nguyên gốc, việc cúng lễ được thực hiện tại các đạo quán của Đạo giáo do các pháp sư (thầy cúng) thực hiện tại các cung thờ Tử vi Đại đế. Lễ vật chủ đạo gồm bánh kẹo, hoa quả, tiền vàng (vàng mã) không cúng mặn (pháp sư cấm sát sinh), hình nhân thế mạng; Pháp sư mặc trang phục tượng trưng của Tử vi Đại đế (hoặc áo đạo sĩ) để làm các nghi lễ phép thuật như: múa kiếm gỗ (gọi là kiếm Thất tinh), dùng nước phép vẩy lên mọi người và cầm Bài y lệnh chiếu vào mặt người có sao xấu ...
Ở Việt Nam hiện nay, Tử Vi Đại đế (Chí tôn Bắc cực Tử vi Trường sinh Đại đế) được coi là Vua cha Thiên phủ của đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo, là vua cha của Cửu Trùng Thiên Thánh mẫu, quản cai hết bầu trời tinh tượng, hết Tiên Thánh Thần linh trên Thiên phủ, Ngài truyền trao Thiên phủ bầu trời cho Mẫu Cửu trùng coi sóc và quản lí ... và nếu theo tín ngưỡng thì việc dâng sao giải hạn phải được thực hiện tại các phủ, đền, đình, miếu, quán (nơi thờ thánh - thần) theo đúng nghi lễ riêng chứ không phải được thực hiện tại các chùa (thờ Phật) và do tăng ni thực hiện theo hình thức tụng kinh gõ mõ trong trang phục của đạo Phật.
Việc tổ chức dâng sao giải hạn trong chùa, do tăng ni thực hiện về bản chất là trái với đạo lý nhân quả của đạo Phật, thậm chí một số cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn coi việc dâng sao giải hạn là mê tín. Tuy nhiên, cúng sao giải hạn lại là một trong những hình thức phương tiện mà các chùa Phật giáo vận dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp, việc này có thể xuất phát cùng với cải cách tôn giáo thời nhà Lý , cực thịnh thời nhà Trần với thuyết Tam giáo đồng nguyên (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo) khi mà các thánh thần cùng được đưa vào thờ phụng khuôn viên nhà chùa.
Khi vận dụng nghi thức cúng sao giải hạn của Đạo giáo, các thầy chủ lễ là tăng ni không sử dụng nghi thức Đạo giáo mà thay vào đó là tụng kinh, sử dụng các nghi thức của Phật giáo và / hoặc cúng theo bài của Đạo giáo. Theo đúng nghi lễ nhà Phật, hàng năm nhà chùa chỉ tổ chức các khoá lễ cúng cầu bình an cho phật tử có ý nghĩa tương tự như dâng sao giải hạn
2. Có nên cấm dâng sao giải hạn???
Tục dâng sao giải hạn được nói đến từ nhiều năm gần đây nhưng từ sau "sự kiện" không nhận giải hạn do thiếu 50k ở chùa Phúc Khánh đã đẩy sự việc đến cao trào và làn sóng dư luận đả phá, coi là mê tín dị đoan, thậm chí nhiều sư tăng đức cao vọng trong trong giáo hội Phật giáo VN cũng đăng đàn trả lời báo chí thể hiện không đồng tình việc cúng dâng sao giải hạn trong chùa và không thừa nhận đây là nghi lễ nhà Phật.
Vậy phải nhìn nhận sự việc này thế nào? Theo quan điểm của tôi sau khi tìm hiểu nguồn gốc của tục cúng sao giải hạn xin có một số nhận xét như sau:
Nếu thuyết "Tam giáo đồng nguyên" đã được chấp nhận, tam phủ, tứ phủ, thánh nhân được thờ cúng trong chùa thì nhà chùa cũng có thể là nơi tổ chức cúng dâng sao giải hạn được, tuy nhiên nghi lễ, nghi thức, y phục ... khi hành lễ không thể trùng nhau và phải được thực hiện ở các ban thờ khác nhau.
Cúng sao giải hạn lại là một trong những hình thức phương tiện mà các chùa Phật giáo sử dụng để đưa chúng sinh đến gần với Phật pháp, nói cách khác là một cơ hội đưa giáo lý nhà Phật tiếp cận song song với phong tục địa phương để từ đó có cơ hội cảm hóa người dân thành Phật tử.
Nhà chùa với việc gõ mõ tụng kinh chỉ nên nhận cúng cầu an đúng theo nghi lễ nhà Phật, còn cúng giải hạn phải do đạo sĩ hành lễ tránh hiểu nhầm hai trong một vì một người tu hành không thể ngộ (đắc đạo) đồng thời hai thuyết tâm linh của Phật giáo và Đạo giáo vốn dĩ không cùng triết lý.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy việc phổ cập Phật giáo đang được âm thầm thực hiện một cách có hệ thống và bài bản khi mà trong các bài cúng gia tiên, cúng ngày rằm, mùng một ... (là đạo thờ gia tiên ngàn đời của người Việt) được in sẵn đều bắt đầu và kết thúc là 3 câu niệm Phật. Người không am hiểu sẽ niệm Phật một cách vô thức trong khi chả hiểu có ý nghĩa gì??? Hay như việc khi đi chùa trong các dịp lễ tết thường khấn cầu đủ thứ trong khi giáo lý nhà Phật là thuyết nhân quả, tức là ở hiền gặp lành, hay muốn có sức khỏe thì phải giữ gìn, không ăn uống sinh hoạt vô độ rồi cứ đến chùa mà đến cầu xin là được ...
Người Việt chủ yếu theo đạo Gia tiên (tập tục thờ cúng người đã chết), Đạo giáo xâm nhập vào Việt Nam cùng với các thời kỳ Bắc thuộc có từ rất lâu so với sự xuất hiện của Phật giáo, cùng với đó là các thuật pháp tiên đoán (bói toán) dùng để đưa ra các dự đoán có tác động đến con người được coi như tiền định (số phận) trong khoảng thời gian (niên hạn) nhất định như Kinh dịch, Tử vi, Phong thuỷ … các thủ tục tín ngưỡng được dị bản như đốt vàng mã, hình nhân thế mạng ... từ đó mà hình thành gần như đã được chấp nhận một cách đương nhiên trong dân gian.
Vậy nếu xã hội đã chấp nhận Hầu đồng, hát văn là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; các đền, đình, miếu, mạo, am, quán thờ thánh thần là cơ sở tôn giáo thì sao lại không chấp nhận các nghi lễ tôn giáo (trong đó có cúng dâng sao giải hạn) của Đạo giáo ...
Nếu người dân đã tin vào bói toán, xem tử vi hay thuật phong thủy hiện tương đối phổ biến thì vẫn có thể coi đó là nghi thức tín ngưỡng hợp pháp được. Ví như thuật Phong thủy được thừa nhận, phổ cập ở Đài Loan, Singapo thì cũng không vì thế mà coi các quốc gia này đều là dị đoan hay ở Việt Nam hiện nay thuyết phong thủy được giới thiệu, giảng dạy như một môn tham khảo trong các trường liên quan đến kiến trúc, xây dựng; giảng dạy về nhân tướng học trong các trường an ninh ... đều là thuyết của Đạo giáo.
Nhà nước sẽ không cấm vì quyền tự do tín ngưỡng (tương tự như không cấm đốt vàng mã mà chỉ tuyên truyền về nhận thức) mà chỉ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được quyền không cho phép nhà chùa tổ chức cúng dâng sao giải hạn hoặc phải tuyên truyền rõ các nghi lễ là tách biệt, hướng dẫn cho sư tăng không được thực hành nghi lễ ngoại đạo hoặc nếu thực hành thì phải kèm theo những điều kiện gì.
Còn việc coi cúng giải hạn là nghi lễ tín ngưỡng hay quy là mê tín dị đoan là điều không có căn cứ vì vốn dĩ tôn giáo (Đạo giáo và Phật giáo ...) được hình thành và phát triển trên triết lý Duy tâm, không trên cơ sở thuyết Duy vật biện chứng.
Ngô Gia Cường - Tổng hợp phân tích