VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/11/2024 17:08:20
TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÀ KẺ TRỤC LỢI GIẤU MẶT
Chưa bao giờ tranh luận về lương tối thiểu vùng ở Việt Nam lại căng thẳng như lần này. Sau hai phiên họp bất thành của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đến thời điểm (1/9/2015), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ - được coi là đại diện cho người lao động) vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng 16,8%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - được coi là đại diện cho giới doanh nghiệp) vẫn bảo lưu mức tăng 10%, tình hình căng thẳng đến mức Chính phủ phải can thiệp để đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp phải tìm được tiếng nói chung.
Đến ngày 3/9/2015, sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất trình lên Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng kể từ năm 2016 lên 12,4 %, chúng tôi có cuộc khảo sát các đối tượng có liên quan trong và sau khi có quyết định trên, kết quả nhận được những câu trả lời hết sức bất ngờ giành cho độc giả:
Ông phó chủ tịch TLĐLĐVN: (mặt đỏ phừng phừng) hết sức gay gắt khi phát biểu với báo giới "Làm chính sách mà ngồi phòng máy lạnh thì sẽ không bao giờ thấy được cái khổ, quyền lợi chính đáng của công nhân”
Ông phó chủ tịch VCCI (rất bình tĩnh): khi tăng lương tối thiểu, các chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.
Các chuyên gia kinh tế: (trầm ngâm) Việc tăng lương tối thiểu phải phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế toàn quốc, trong đó yếu tố quan trọng nhất phải là tăng năng suất lao động, đấy là theo lý thuyết về kinh tế của cải không tăng mà tăng chi phí phí thì lấy ở đâu ra, nếu không có thay đổi hay đột phá thì việc tăng lương cho người lao động sẽ đem lại hệ quả xấu khi giảm mức cạnh tranh, thu hút đầu từ FDI do giảm tiềm năng lao động giá rẻ, hiện nay so với các nước trong khu vực cũng đâu có thấp, nó sẽ là cú huých để các doanh nghiệp trong nước đang khó khăn đi đến phá sản, vì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn thôi.
Doanh nghiệp đang khó khăn: (nhăn nhó) các ông ấy nói thế hóa ra chúng tôi bóc lột thái quá người lao động à, không chịu được thì họ chuyển đi làm chỗ khác, còn doanh nghiệp chúng tôi không chịu được tăng lương thì chỉ có chết thôi. Các ông ấy nói cứ bàn cãi cứ như chuyện nhà mình nhưng thực chất chả biết gì, nếu cứ bắt tăng lương trong khi năng suất lao động không tăng thì cho giải thể, phá sản doanh nghiệp. Tôi hỏi anh, với người lao động thì thất nghiệp hơn hay lương thấp hay hơn, cái đấy phải để người lao động quyết định chứ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ: (nghiêm trọng) Thông thường các doanh nghiệp kinh doanh hay sản xuất đều có lương mềm, hay còn gọi là lương doanh thu, lương kinh doanh, lương khoán sản phẩm … tất cả được túm vào tổng quỹ lương, trong đó mức lương tối thiểu mà các ổng đang cãi nhau đấy là mức lương đóng bảo hiểm, nếu lương bảo hiểm tăng thì giảm lương doanh thu mà bù vào, nếu không thì lấy ở đâu ra.
Doanh nghiệp nhà nước: (cười cười) chuyện này chúng tôi không quan tâm lắm, thế nào chả được, mức thu nhập của người lao động cũng có thay đổi đâu, chỉ khổ cho kế toán tiền lương, bảo hiểm một chút thôi, tăng chi phí thì giảm lợi nhuận nộp chủ sở hữu là Nhà nước chứ có sao đâu, tăng giảm chút xíu thôi mà, đường nào chả nộp vào đấy.
Người lao động: (nói như khóc) tăng lương chỉ khổ bọn em thôi, này nha, trước mắt không thấy thêm được gì nhưng nhãn tiền là thấy tăng giá cái đã, thứ nữa đến tăng bảo hiểm phải nộp, tiếp đến doanh nghiệp điều chỉnh lại tổng quỹ lương, xây dựng lại mức lương khoán theo hướng giảm tương đồng để bù vào tiền bảo hiểm doanh nghiệp phải nộp, bọn em cũng giảm đi một chút thu nhập do phải đóng thêm bảo hiểm, doanh nghiệp đóng 2 thì em đóng 1, chủ doanh nghiệp còn có chỗ mà trừ chứ bọn em chỉ biết trừ thêm mấy cọng rau mỗi ngày thôi.
Công chức, viên chức hưởng lương ngân sách: (dửng dưng) lúc nào bảo tăng lương ngân sách chúng tôi mới quan tâm, thực ra tôi cũng không hiểu các ông ấy nói thế có thấy ngượng không chứ bảo tăng 12,4% lương từ chỉ đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu thì thật nực cười, đây nha, mức lương tối thiểu vùng cho hẳn là vùng 4 sau khi tăng là 2.400.000 đồng mà so với lương tổi thiểu của anh đại học bắt đầu làm công chức vùng 1 là 1.150.000 đồng nhân hệ số 2,34 là 2.691.000 đồng chỉ hơn anh công nhân có một chút thì chắc là đảm bảo 100% nhu cầu sống đấy …hơ hơ… chỗ đấy mới chỉ đủ tiền ăn trưa với đổ xăng cho xe máy Wave Anpha để đi làm thôi! nếu so với vùng 1 khối ngân sách thì công chức chết đói lâu rồi, ai mà thèm xông vào thi với cử cho thêm phức tạp! Nhưng nói là nói thế thôi, được cái cứ tăng lương doanh nghiệp thì rồi cũng tăng lương cho khối ngân sách, chủ yếu chỉ đủ bù trượt giá ấy mà, ăn thua gì đâu.
Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam: (phấn khởi) Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và tận tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, nói thật với các anh, năm 2015 là năm đột phá của ngành bảo hiểm, năm 2014 đứng trước bao bộn bề khó khăn khi dự kiến trong vòng 6 năm nữa Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu bị thâm hụt; 20 năm nữa, quỹ này sẽ cạn kiệt đến mức âm quỹ chủ yếu do cơ chế đóng ít, hưởng nhiều, trốn đóng, nợ đọng dồn ứ khiến cho quỹ an sinh xã hội lớn bằng ¼ ngân sách này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng, mong muốn nhất là mức đóng bảo hiểm phải được tính trên tổng thu nhập của người lao động cơ. Năm nay được ủng hộ của các cấp các ngành nên Bảo hiểm được điều chỉnh tăng bảo hiểm y tế học đường, tăng mức lương tối thiểu đương nhiên làm tăng thu bảo hiểm đã thay đổi toàn bộ cục diện, sang năm chúng tôi sẽ xây dựng lại kế hoạch phát triển đầu tư ngoài ngành đang bị trì hoãn mất mấy năm nay.
Ngô Gia Cường