VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/1/2025 03:35:17
TẾT CỦA MỌI NGƯỜI
(Dựa trên câu chuyện có thật được nghe kể lại)
Phần I: Tết của người giàu
Phòng Tài vụ của Công ty xuất nhập khẩu Thép cuối năm bận tối mắt, thời mới mở cửa, kinh tế khởi sắc, bất động sản tăng thị trường xây dựng phát triển, kinh doanh sắt thép chỉ thấy tăng, chưa thấy giảm bao giờ, công việc khi cuối năm của phòng tài vụ là lo đi đòi tiền. Đến khổ, cả năm đằng đẵng không đòi, cứ phải giáp tết mới đi đòi, mà hình như lúc này mới đòi được. Chủ nợ thì lấy lý do cuối năm đòi rồi còn trả lương anh em, con nợ thì cũng phải cố vay muợn để trả, làm ăn buôn bán nên ai cũng ngại đầu năm bị đòi nợ, xui lắm, với lại nợ cả năm rồi, đây cũng là cái ngưỡng thời gian để cả xã hội trả và đòi, ai cũng vậy, trăm sự đều nhìn vào cái tết, anh nào đòi được là còn có tết, anh nào không đòi được thì ... trốn, coi như mất tết, những tháng cận tết là thời điểm dòng tiền trong xã hội quay vòng chóng mặt nhất.
Tết là cái ngày người ta tính để tổng kết xem cuối năm được mất những gì, so năm trước thế nào, có khi cả năm nợ lương nhưng đến tết thì nghĩ không ra cái để tiêu, anh nào có kế hoạch một tý còn đỡ, vô kế hoạch thì nợ đầm đìa, có khi chả sống đến khi chia tiền. Nói đùa vậy là để thông cảm cho chị em phòng tài vụ, cứ đến giáp tết là bận lắm, ghi chép chứng từ, tạm tính quỹ trong – quỹ ngoài để còn chia cho các bộ phận, phòng ban, lãnh đạo, loanh quanh nhầm là toi, được cái nhiều tiền nên anh em cũng đỡ thắc mắc, so đo, tỵ nạnh. Không có quy định nhưng đã thành tiền lệ là sang năm mới hạn chế chia tiền năm cũ, không kịp quyết toán trong năm thì có lẽ phải ngoài giêng mới được quyết toán, khi ấy ít tiền nên hay vặn vẹo này kia phức tạp, dông cả năm ....
Phải cái nghề xuất nhập khẩu thời mới mở cửa toàn thanh toán bằng ngoại tệ, thời ấy các doanh nghiệp thanh toán với nhau chưa bị quản lý chặt, chi trả toàn bằng tiền mặt, làm xuất nhập khẩu nên tiền ra vào Công ty hầu hết bằng ngoại tệ mạnh, tiền cứ từng cọc, từng cọc, cũ thì bó chun, mới thì còn nguyên đai giấy cứng đơ vẫn còn hắc mùi mực in. Tiền thường được bỏ vào túi giấy màu vỏ bao xi măng hoặc thùng giấy in A4 tận dụng cùng với chứng từ đòi nợ theo từng hợp đồng thanh toán cho khỏi lẫn, phòng tài vụ cuối năm la liệt thùng, túi giấy và … tiền.
Thời đấy đồng Đô la quý lắm, người ta trân trọng nó đến mức đặt riêng cho đồng 100 đô la là "tờ" hay "vé", chỉ giới xuất nhập khẩu hay dân mua bán xe mới nhìn thầy đồng tiền này chứ đem cho thường dân thì đều coi là tiền âm phủ hết. Tiền thường được đếm rồi cho luôn vào két, thùng giấy hồ sơ thanh toán để một chồng. Nhẽ là vậy nhưng đôi khi bận quá tiền không kịp cất vào két, vậy là quên tiệt đến khi kiểm kê tiền tiền trong quỹ mới tá hỏa đi tìm lại trong đống thùng còn nguyên cả tệp mới ghê … được cái chưa mất tiền bao giờ, Công ty toàn người ngay.
Gần 12 giờ trưa 28 tết, Công ty tổ chức liên hoan tất niên muộn, khi anh em chờ lâu sốt ruột, đôi mâm đã bắt đầu nhấp rượu, lác đác đã có tiếng dô váng phòng ăn như giục dã khai cuộc, bàn của xếp xuống muộn nhất, nhẽ vẫn vậy, kiểm lại chưa thấy Tổ trưởng công đoàn, xếp cho người xuống giục mấy lần, thiếu bộ phận lo cơm áo gạo tiền thì áy náy, còn nhân cái dịp mà tỏ cái tấm lòng cảm ơn cho phải phép. Bà Phó phòng Tài vụ kiêm Chủ tịch công đoàn mới tạm xong việc, đang khoá cửa phòng … , thì có thêm khoản tiền về, bực quá bà đuổi không nhận, cơm đến mồm rồi làm ăn gì nữa. Nhưng cậu phòng kinh doanh nài nỉ quá, phòng em không có két, lát rượu bia vào sao mà biết được đâu với đâu, phòng chị an toàn hơn, cho em gửi, đằng nào mai phòng em còn sang quyết toán mà. Bực quá nhưng vì nó nói phải, đành mở cửa cho vào, "mày xuống nhà bảo chị thủ quỹ cùng lên đếm tiền cất ngay vào két, hồ sơ chiều hay mai xem nha" vừa đi xuống phòng ăn bà vừa dặn thằng bé giao tiền đi cùng mấy câu cho hết trách nhiệm.
Gió đông bắc thổi phần phật, lại tý mưa phùn nên buốt lắm, chỗ da thịt nào thò ra thì đều tím tái cả, việc nhiều mà ngày ngắn thế, trời chưa kịp sáng đã lại tối om. Liên hoan xong, anh em cơ quan lục tục về đi sắm tết hết cả, mới hơn 4 giờ chiều mà đã vắng tanh. Còn lại bà Phó phòng tài vụ về cuối, năm nay thuận buồm xuôi gió, tiền nhiều … nên bận là đúng, lắm tiền nhưng thấy chia thôi cũng bực, sểnh cái lại thấy phòng này gọi, phòng kia ới, rồi sếp hỏi tại sao với thế nào, chia tiền thiên hạ không đơn giản đâu, dễ dị nghị … sếp mà không quyết mạnh có mà cãi nhau đến ra giêng, tiền chưa chia thì còn đấy, sang năm tiêu, gì mà cứ loạn lên. Đã thế xếp lại chọn ngày hôm nay để tất niên, xếp muốn liên hoan tại văn phòng Công ty cho kín đáo, giao văn phòng làm một cái lễ đàng hoàng lên cúng lại cái cây hương xây ở góc sân, vàng mã, quần áo, hình nhân ngựa … đủ cả.
Bà Tổ trưởng công đoàn ăn xong thì phải theo lên phòng xếp phân trần mấy việc các phòng thắc mắc lại được xếp giao thêm vụ ở lại hóa vàng . . . Về đến phòng thì chả thấy còn ai, thôi đành tự làm vậy, ngồi gần nửa tiếng vẫn chưa xong, hóa vàng lâu lửa táp nóng rát, vừa cay mắt vừa nứt nẻ cả da mặt da tay, bà Phó phòng tài vụ sốt ruột không chờ được nữa, đã bận thì chớ, mà nhớ không nhầm thì vẫn còn 1 chồng vàng mã thờ riêng của phòng, trước khi xuống và đã để trên bàn quên chưa mang ra hoá cả thể, ... . Chiều qua vui mồm nhờ mua được lồng gà sạch của con bé phòng kinh doanh đi công tác tận trên Thái Nguyên, thấy quảng cáo gà sạch, thả đồi, chỉ ăn ngô nên thịt chắc, da giòn lắm … vậy là gật cái bây giờ mới hối, ai vặt lông làm thịt cho bây giờ … hôm qua đã định mang ra chợ mà quên mất, lại bận nữa, 9 giờ tối mới về, dắt xe ra thấy bu gà mới nhớ ra, đã phải nhờ phòng bảo vệ cho nắm gạo sống mòn đến giờ, không mang nhanh ra chợ nhờ con bán gà quen thịt hộ thì chết, thế mà giờ này vẫn còn ngồi đây, chợ nó về hết mẹ thì mai ngồi mà cắt tiết với vặt lông là toi, nghĩ đến đây bà quyết vứt đấy chạy luôn vào phòng bảo vệ.
Bà định lên phòng lấy tập tiền âm phủ trên phòng xuống đốt nốt nhưng nhìn ra phòng thường trực thấy có nhiều người, tiện qua kiểm cái bu gà xem sống chết thế nào. Ngó vào thấy cậu Tài cùng phòng vẫn ngồi trong đấy, mặt đỏ phừng phừng, bà gắt: Hội này sướng nhể, giờ này không về mà lo tết nhất cho vợ con mà còn ngồi đây xòe quạt, sát phạt thì để lúc khác, giải tán đi, anh Tài bỏ xuống ngay hộ tôi … đi, ra đây tôi nhờ chút việc, … đi. Đã quyết rồi, mồm nói, tay làm, bà vơ luôn đống bài úp vào làm một rồi kéo tay anh Tài đang họp nghị quyết 52 với mấy anh phòng kinh doanh. Đội tá lả bực lắm nhưng không giám nói gì, tổ trưởng công đoàn lo cơm áo gạo tiền cho anh em mà, lỡ mồm bị ghét dễ mất A, B, C như chơi với bà này, … thôi thì nghỉ.
Thế cái gì mà nhặng lên thế??? Anh Tài mặt tái tái, nồng nặc mùi hồng xiêm vùng vằng đứng lên vặn lưng rồn rột, vừa đi vừa đếm tiền rồi đút vào túi, anh biết là mình đang được, rượu bia suốt từ trưa đến giờ cũng oải lắm, chưa biết té bằng cách nào, đang được mà đứng lên bọn nó không cho, lại bảo ăn non … lý do này chính đáng quá nên anh chỉ tỏ thái độ cho có thôi.
- Anh vào phòng tài vụ, lấy nốt chỗ vàng mã của phòng mang ra hóa nốt cho tôi, xong rồi nhớ rưới cái chai rượu nhỏ vào, chờ nguội thì bỏ vào cái thùng bỏ ra sông cho tôi nha, tôi phải chạy ra chợ cái đã, tan mẹ nó chợ rồi, mai mà phải ngồi cắt tiết với nhổ lông gà thì chết tôi thôi, nhà cửa còn chưa kịp dọn đây này, tết nhất mà toàn chín mười giờ tối mới về đến nhà, ông chồng tôi đang doạ thay ổ khóa đổi đi đây này …
- Rồi rồi, có thế mà nhặng cả lên, tý tôi đốt nốt cho, còn sớm mà!!!
- Sớm sớm cái gì, mấy ông định ngồi đến mấy giờ, làm đi mà về cho vợ con nó mừng, lên phòng tôi lấy cái thùng vàng mã xuống hóa nốt đi, rồi nhớ rưới chai rượu lễ …
- Rồi rồi, có tý việc mà nói mãi để đấy, bà về đi . . . về đi . . . cho chồng con nó mừng, bà không phải lo, chuyển nhỏ như con thỏ …
Này cầm cái chìa khóa, lên phòng lấy chồng vàng mã trên bàn tôi xuống đây, tôi ra lấy cái xe, nhanh nhanh cái chân lên, muộn mẹ nó mất rồi, chưa gì đã tối thui thế này . . . lúc nãy phải gọi điện trước, chả biết nó có chờ mình không … Mà nhớ là đem đổ gio xuống sông đấy nha, vứt bừa thánh quở chết …
Lên đến phòng, qua ánh đèn đường hắt vào, anh Tài ngó quanh thấy thấy có chồng vàng mã trên ghế ngay cửa đất, rồi với tay lấy cái thùng giấy trên bàn, khua khua tay có mấy tờ giấy bỏ lại trên bàn rồi hắt hết đống vàng mã vào, khóa cửa đi xuống trả chìa khóa cho bà Chủ tịch công đoàn đứng cạnh cái xe máy, bu gà đã buộc phía sau xe, chân cứ xoắn lại như trẻ mót đái, liên mồm giục dã.
Anh Tài ôm cái thùng giấy ra góc sân hóa vàng tiếp, mới được 2 tệp thì đội tá lả ra gạ chiến tiếp. Hóa ra đội này chưa chịu về, ngồi kiểm tiền phát hiện ra anh Tài được nên cố chờ bằng được bà Chủ tịch công đoàn về để đòi lập lại sới, ăn non về sao được.
Ờ thì vào, nhưng để chờ đốt xong đã …
Thôi thôi, bố vào đi, chờ thế chó nào được, để đấy, miệng nói tay làm cả đội Tá lả xúm vào hất cả thùng vàng mã vào đống lửa. Thế là xong, dậy … đi đi, lửa to thế không phải lo đâu, cháy hết …
Loáng cái đã 7 giờ tối, phải đến cuộc gọi điện gay gắt của vợ anh Tài thì hội tá lả mới chịu đứng lên, bây giờ thì anh Tài thua, khi nãy có cuộc gọi đầu tiên của chéo cánh anh đã không cho về, đến cuộc thứ hai cũng thế, còn mỉa mấy thằng sợ vợ, nhưng đến cuộc thứ ba thì đúng vợ mình, nghe bảo ông bà ngoại sang chơi, ở ăn cơm tất niên, đã gọi cho anh khi 6 giờ, anh phải nói dối là đang đi cùng xếp, chưa về được, thế mà nhoằng cái đã 7 giờ đêm, … nhẩm nhẩm cũng đi mất một mớ, cũng tối rồi, đành thôi vậy, cả bọn phủi quần đứng dậy, cái phòng bảo vệ lúc này nồng nặc mùi thuốc lá, thằng được nhiều nhất rút tờ 20.000 đưa cho tổ bảo vệ kiếm cái gì ăn tối, cả bọn suýt xoa, lại thèm uống chén rượu cho ấm nhưng nói cho vui thôi, ngồi lại có đến sang mai … tết rồi.
Rượu thì 10 phần tan đến 5, 6 nhưng oải quá, vừa đi vừa vặn lưng thì anh Tài sực nhớ ra cái nhiệm vụ lớn lao của bà Chủ tịch Công đoàn giao hồi chiều, với cái lọ rượu cúng bé xíu, rưới lên mớ gio nguội ngắt cho phải phép, anh Tài với cái xẻng hót hết vào cái thùng giấy, vàng mã ẩm, chưa cháy hết, lại bị mưa phùn nên chỉ cháy được có một ít, còn lại gần nguyên, giờ này mà châm lửa đốt lại có mà đến khuya, thôi chả ai biết đâu với đâu, đường nào chả xuống sông hết, các cụ đại xá cho … tết đến đít rồi.
Ghé qua cầu Trung Tự, đạp nhanh cái chân chống xe, anh vươn người qua lan can thả cái thùng xuống dòng sông tối om. "Bốp" tiếng đáy thùng tọa cân xuống lòng sông cạn, hình như thả đúng chỗ không có nước, thôi kệ, quên không dốc ngược xuống cho nó tan ra, giờ này không nhẽ mò xuống … đen thế …, chần chừ 3 giây đấu tranh tư tưởng, đá nhanh cái chân chống, anh Tài vít ga bỏ đi trong ánh đèn trắng đục dưới cơn mưa phùn mà không biết rằng mình vừa suýt thả cái thùng vào đầu một người đang lom khom phía dưới chân cầu …
--------------------------------
Phần II: Tết của người nghèo
Phượng Gù là cái tên của bạn nghề đặt cho cho con Phượng. Thực ra nó không phải bị gù đến mức thành tật mà chỉ hơi hơi một tý thôi, các cụ bảo “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm" tức là lưng gù, cong hình chữ cụ; vú lồi chữ tâm: vú to, hơi sệ như hình chữ tâm là mắn đẻ lắm, chả thế mà sểnh ra ham vui tý là Phượng lại phải đi bác sỹ, lúc đầu còn sợ, đến lần thứ ba thì nhờn, nó tặc lưỡi bảo đã gù là mắn, sợ chó gì điếc, nói bừa thế thôi nhưng Phượng cũng sợ, nỗi sợ mơ hồ ...
Quên nói đến nghề của Phượng, đó là cái nghề nhàn chân tay, thu nhập cao so với công sức nhưng phải cái xã hội lên án và thu nhập thất thường, mang tính mùa vụ, ngày đầu tháng, đầu năm hay ngày đèn đỏ thì vêu mõm, được cái từ giữa tháng hay cuối năm thì cũng tạm, sống có kế hoạch thì vẫn cất được một ít, chứ bừa bãi tý thôi thì đứt bữa, nợ è cổ. Nói vậy thì bạn đọc cũng đoán ra Phượng Gù làm nghề gì rồi, vì thế nên cái nghệ danh "Gù" lại không phải hãm lắm, đôi khi nó lại là niềm tự hào với mấy khách biết xem tướng ... đẻ.
Ở khoảng tuổi 25 nhưng không ai biết Phượng đã có bao nhiêu năm nghề, chỉ biết là nhan sắc vào bậc trung, khách khứa chủ yếu là dân lao động hay mấy cậu sinh viên của các trường đại học quanh đây đi khám phá thế giới mới ... Địa bàn hành nghề của Phượng là ở Cầu Trung Tự, thời cuối thế kỷ 20, cái cầu vẫn còn rất nhỏ chứ không hoành tráng như bây giờ. Cây cầu bắc qua sông Lừ, trước đây là một nhánh của Sông Hồng nhưng từ khi đắp đê lập đô thì nó bị cắt mất nguồn và trở thành con sông cạn, đa phần người dân không biết lai lịch con sông đều gọi là cái mương vì giờ đây chủ yếu là chứa nước mưa và nước thải sinh hoạt của người dân Thủ đô, sông quanh năm cạn trơ đáy, đầy bèo tây và chỉ nhiều nước sau mỗi cơn mưa to.
Quay lại với cây cầu cuối năm, mùa đông nước cạn, mưa lất phất chả đủ thẩm đất lấy đâu mà chảy ra sông, gầm cầu là nơi để dân tứ xứ đến hành nghề xung quanh dùng làm nhà vệ sinh công cộng, mấy thằng cửu vạn rảnh háng đứng ngay thành cầu tè xuống, còn mấy ả thì vẫn giữ ý hơn, phải tụt bờ sông chui hẳn xuống gầm mới hành sự được.
Dịp cuối năm là thời điểm củ mật, mọi người đều có tiền, nhận được tiền tích cóp trong cả năm, lương thưởng, đòi được nợ … của mọi nghề. Kèm theo việc có tiền là bia rượu, là rửng mỡ, giải đen nên Phượng cũng có việc đều đều. Tối 28 tết Phượng vẫn còn đứng chân cầu bắt khách, Phượng chưa muốn về mà làm cố đến qua tết rồi về quê một thể, tầm này còn có khách chứ ra tết thì đói rã họng, một phần không phải vì do yêu nghề hay ham làm tiền mà vì ở quê đang có khoản nợ trong năm sửa cái mái nhà, về giờ này được đồng nào trả nợ hết thì ra tết đi ăn mày, thôi cày thêm được đồng nào thì cày, đầu năm về có gặp người ta không nỡ đòi nợ còn trốn thêm được một ít.
Đang lúi húi "xả bầu tâm sự" dưới chân cầu thì nghe cái bộp, một cái thùng giấy vuông rơi xuống ngay cạnh làm Phượng Gù giật bắn người. Ánh đèn đường hắt xuống yếu ớt không đủ để soi sáng khoảng gầm cầu nên Phường không biết ở trong có cái gì, tò mò, nó cầm cái hộp lên sát chân cầu thì thấy là tro giấy biết ngay là đồ hoá vàng do dân đi qua ném xuống, bực mình nó đá cái thùng xuống sông thì thấy một lượt giấy tiền vàng còn mới nguyên văng ra, nó thấy cọc còn nguyên dây chun buộc, hơi lạ vì tiền âm phủ không ai buộc chun cả. Nó nhặt một cọc lên nhìn kỹ thì thấy giống y chang tiền âm phủ nhưng trông giấy dày dặn in đẹp chứ không lem nhem như thứ nó vẫn đốt cho các cụ.
Đang phân vân thì có 3 thằng nghiện dặt dẹo đi qua, thấy Phượng Gù lơ ngơ cầm xấp tiền thì xúm vào hỏi han, cũng chả thằng nào biết tiền gì, thật hay giả. Một thằng nảy ra ý hay, nó rút ra mấy tờ đến hàng rượu ngoại gần cầu mua thử 1 chai xem, bọn bán rượu tây thế nào cũng biết tiền gì, thật hay giả. Sau 15 phút, thằng ấy hớn hở cầm chai rượu trên tay chạy lại bảo tiền đô thật bọn mày ạ, vớ bẫm rồi vậy là cả lũ đòi chia. Ừ thì chia, với Phượng thì lộc bất tận hưởng, với lại nó không lạ gì dân nghiện, không chia nó đè ra lấy hết chứ chả chơi, Vậy là cả bọn xới tung đống gio lên những cũng không thấy thêm cọc nào, tổng số tiền là 30 nghìn đô may mà chưa xém tý lửa nào, ba thằng nghiện lấy 20 nghìn cho con Phượng 10 nghìn vì có công đầu.
10 nghìn đô tương đương với 140 triệu, thời đấy số tiền này khủng lắm, 1 chiếc xe Dream Thái xịn chỉ khoảng 35 triệu, bằng cả một gia tài không chỉ ở quê. Con Phượng tự nhiên thành người giàu, đổi đời rồi, có mơ nó cũng không nghĩ đến được cầm một đống tiền như vậy. Vậy là tết này xôm, về quê thôi, giờ này cố vẫn bắt được chuyến xe cuối về quê, lo gì mấy đồng vay kia nữa.
Các cụ có câu "Nghèo thì lâu giàu thì chóng" đúng vận vào nó thật, nhưng cái sự giàu nó bất ngờ và đến với nó bằng một cách mà không ai có thể ngờ được!!!
---------------------------------------
Phần 3: Cả làng cùng vui
Chuyện của Phượng Gù là đề tài nóng bỏng dịp đầu xuân, hầu như dân quanh đấy đều nghe kể hay từng bàn tán một vài lần về câu chuyện "đi đái có tiền" hiếm gặp của Phượng. Chuyện vui bay xa, chuyện buồn bay xa, các chủ nợ lục lại sổ để tra bằng hết những khoản nợ của Phượng, kể cả những khoản nhỏ đến mức ngày trước các bà đã tặc lưỡi cho qua, đã quên đi nếu không còn cái sổ nát tươm có nhật ký lại những khoản nợ lặt vặt từ thời tam hoánh nào rồi, lộc bất tận hưởng, đòi cho vui, để có cớ gọi nó lại mà tám chuyện chứ các bà cũng biết nó nhớ sao được, âu cũng là cái cách xin tý lộc rơi thôi, Con Phượng tính không bủn xỉn, phải ai tốt tính thì nó tốt lại, ngoài trả nợ nó cũng phát thêm cho tý lộc rơi.
Đa phần mọi người đều mừng cho nó vì nó nghèo, câu chuyện được các bà bán nước thêm bớt nhiều tình tiết cho ly kỳ, sinh động hơn để người mới nghe phải há mồm, ngồi lâu nói lắm sẽ gọi thêm vài thứ cho đắt hàng. Đám trai tứ chiếng kiếm cơm quanh đấy thì kể thêm vài "chiến tích" đã từng với Phượng nhân những dịp có tiền trời ơi như trúng lô đề hay vớ được bắt được "gà mờ" trả hớ. Các bà mừng vì những mong Phượng có tý vốn dắt lưng, có thể hướng thiện hơn mà tìm một cái nghề cho ra nghề, không còn tiếp tục hành cái nghề đánh đĩ ở đây biết đâu có thể ảnh hưởng xấu đến chồng con nhà mình.
Hết tháng giêng, chắc khoảng gần giữa tháng 2 âm lịch, có 2 thanh niên lạ mặt đến ngồi lê la ở quán nước gần chân cầu nghe ngóng câu chuyện ly kỳ của Phượng Gù. Họ chỉ gợi lại, đưa đẩy để các bà bán nước được dịp kể lại thêm câu chuyện đã được bao người thêm thắt không biết bao nhiêu tình tiết cho thêm phần ly kỳ hấp dẫn, rồi họ đi như bao khách vãng lai khác, dường như chả ai buồn quan tâm. Tuy nhiên, nếu dõi theo bước chân đến điểm kế tiếp thì cái kết của câu chuyện lại dẫn sang ngả khác, họ tới công an phường để xin thông tin về thành phần xã hội gặp may bất thường này, ở đấy thông tin về nhân vật chính là có đủ nhất.
Phượng Gù vừa lên được 3 hôm thì có hai thanh niên tìm đến nơi trọ, xưng là công an hình sự, có xuất trình thẻ và yêu cầu Phượng cùng lên công an phường làm việc. Nội dung xoay quanh vụ "trúng số" của Phượng, họ hỏi Phượng có biết nhặt được của rơi mà không trình báo công an là có tội không tiền đã đi đâu, còn bao nhiêu ….
Phượng thì không lạ gì chốn này, nó đã từng bị bắt đi trại phục hồi nhân phẩm nhân dịp quốc khánh năm nào đấy có duyệt binh … nhưng tự dưng bị áp tải lên phường thì rất lạ, lạ vì mới đầu năm chân ướt chân ráo đã kịp làm gì đâu mà bắt, nhưng khi họ hỏi về chuyện tiền nhặt được thì nó bớt sợ hơn, nó tưởng nhặt được thì tiêu thôi, lộc trời rơi vào đầu mà, sao phải trả, mà trả ai ???
Khi mấy anh công an giở quyển luật ra đọc dõng dạc cho nó nghe quy định về nhặt được của rơi thì nó biết nó có tội rồi, mẹ nó, thế ai gọi là lộc nữa, hoạ thì có, tiền tiêu gần hết rồi còn đâu, nhổ răng ra mà trả à??? Các anh ấy bảo phải khai ra hết, tiêu những đâu, trả những ai, ngày giờ nào … có lấy lại được không, không lấy được thì đi tù, nhiều tiền thế là lâu đấy, không phải trại phục hồi nhân phẩm mấy tháng rồi về đâu.
Doạ thế bố ai chả sợ, nếu chỉ là đi trại Phục hồi nhân phẩm thì Phượng đếch sợ, thật ra lần đầu thì cũng sợ lắm, khi bị cho lên xe lên trại 05-06 trên Ba Vì nó khóc như mưa, nhưng đi rồi thì coi như nghỉ dưỡng thôi, nhàn đầu, nhàn cả thân, không lo đói với lo trả nợ được mấy tháng, thậm chí còn béo lên mấy cân vì sinh hoạt điều độ, chỉ mỗi tội buồn thôi. Lần này khác, chuyện tù tội thì nó nghe chán vạn từ miệng mấy tay anh chị ngồi quán nước, nhưng là trại giam nam chứ chuyện trại giam nữ thì cũng khó tưởng tượng, chưa ai truyền cho nó tý kinh nghiệm thực tiễn nào nên nghe run lắm.
Vậy là Phượng kể tồng tộc hết, không giám thêm nếm tý gì, bắt đầu từ khi chui cầu đái bậy suýt bị hộp đựng tiền rơi vào đầu, chuyện chia tiền với 3 thằng nghiện, đến về quê trả nợ, trả ai, bao nhiêu, tiêu tết hết bao tiền mà chủ yếu là chúc tết người già, trẻ con, giờ ra lại đây định là trả nốt mấy khoản nợ lặt vặt, buôn mấy câu chuyện với đội ở chân cầu, rồi chuyện em định giải nghệ, tìm chỗ học nghề gội đầu, vẽ móng gì đấy hợp với tính, có tý tiền làm vốn nhưng vì có tiền nhanh quá chưa kịp nghĩ ra là sẽ làm gì, để lâu sợ lại tiêu mất …
Mấy anh công an quan tâm nhất đến lai lịch của 3 thằng nghiện đã chia tiền với Phượng, thực ra Phượng biết lơ mơ về hội nghiện chuyên dặt dẹo trộm vặt, thấy ai có gì hở ra là lấy, từ đôi dép đến đồng hồ, cốp, mặt nạ xe máy … cứ có thể quy được ra tiền là nhặt, đi trại cai nghiện như cơm bữa, bọn đấy chưa dùng "dịch vụ" của Phượng bao giờ, tiền đâu với lại nghe nói bọn đấy vừa bẩn vừa dai, mệt người. Biết thế nên Phượng không dám nói ra, chỉ lắc đầu quầy quậy mỗi khi công an hỏi đến đám nghiện này, thấy bảo từ tết đến giờ chưa thấy mặt chúng nó đâu, cứ khai không biết là tốt nhất. Phượng biết, với tình hình này nó chắc chắn sẽ mất khoản tiền còn lại, nhãn tiền là phải quay lại với nghề rồi, loay hoay khai ra thì sống sao được với bọn nó.
---------------------------
Phần kết của câu chuyện
Đầu năm, Đội hình sự nhận được một đề nghị từ người quen muốn tìm lại khoản tiền thất lạc do sơ suất trong khâu quản lý, chỗ làm mất thì có thể xác định được rồi, số tiền không quá nhiều nên không muốn chính thức đề nghị điều tra, mà nhờ lấy lại được bao nhiêu thì lấy, còn lại để anh em trong công ty tự giải quyết. Là doanh nghiệp lớn họ không muốn bung chuyện này ra, đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại, vỡ chuyện này ra thì ê mặt, báo chí tùm lum ai hơi đâu mà tiếp, hơn nữa với họ số tiền không quá lớn, bỏ thì tiếc, chỉ là vớt vát được đồng nào hay đồng ấy để giảm thiệt hại cho người bồi thường thôi.
Số tiền mấy thằng nghiện cầm chắc là mất, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, biết đâu sướng rửng mỡ lại sốc thuốc chết đâu rồi cũng nên, mà các anh cũng biết, có cố tìm ra chúng nó thì cũng chả còn đồng nào, doạ bọn đấy đi tù thì chúng đâu có sợ, bọn nó ăn cơm nhà nước có khi nhiều hơn ăn cơm nhà, chỉ mất công làm hồ sơ thôi. Hơn nữa đây là điều tra không chính thức, không đơn thư, không khởi tố điều tra nên không lần đến tận cùng của đồng tiền mà thu hồi như quy trình thông thường được, thế nên số tiền mà Phượng đã trả nợ cũng coi như ... xong.
Kết lại số tiền thu về không được nhiều, chỉ doạ và thu lại được một phần là số tiền Phượng dành lại giắt lưng làm vốn định chuyển nghề mới, chỗ nó đã tiêu với trả nợ thì đành thôi, nó được thả ra ngay sau khi được áp tải đi lấy số tiền còn lại.
Chỗ nhờ tìm số tiền mất cũng không căng quá, với lại câu chuyện như thế họ biết có cố đòi cũng chả thêm được mấy. Thế là đầu xuân mọi người đều vui, người mất tiền lấy lại được một ít, Phượng thì trả hết nợ và đã có một cái tết vui vẻ, anh em công an có chút tiền cảm ơn thế đầu năm cũng là có lộc rồi.
Vậy là cả làng cùng vui, tết mà ./.
Ngô Gia Cường