VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/11/2024 22:39:26
Hỏi: Khi có hai kết quả thẩm định giá của cùng một tài sản, tại cùng một thời điểm, cùng mục đích nhưng có giá trị khác nhau, vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp kết quả thẩm định giá???
Tại Điều 23 của Nghị định số 101/2005/NĐ-CP (có hiệu lực đến ngày 25/9/2013) dành một Chương về [Xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá] cụ thể:
“1. Bên cung cấp dịch vụ thẩm định giá và bên sử dụng kết quả thẩm định giá phải có trách nhiệm thực hiện những cam kết đã ghi trong hợp đồng. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực hiện hợp đồng thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng.
2. Trường hợp có tranh chấp về kết quả thẩm định giá thì các bên tiến hành thủ tục xử lý tranh chấp theo một trong hai hình thức sau:
a) Thoả thuận với nhau để giải quyết;
b) Thẩm định lại:
- Trong trường hợp không công nhận kết quả thẩm định giá của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì bên yêu cầu thẩm định giá có quyền yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá khác thẩm định lại và phải trả tiền dịch vụ thẩm định giá.
- Nếu chứng thư thẩm định giá lại phù hợp với kết quả của chứng thư thẩm định giá ban đầu thì chứng thư thẩm định giá ban đầu có giá trị cuối cùng.
- Nếu doanh nghiệp thẩm định giá ban đầu hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định lại không thừa nhận kết quả thẩm định lại thì các bên có thể thoả thuận giải quyết bằng trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại hoặc toà án theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên, sau khi Luật Giá năm 2012 ra đời, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 và Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá, có hiệu lực từ ngày 15/09/2013, không có quy định cụ thể về tranh chấp kết quả thẩm định giá nữa, thay vào đó là quy định thẩm quyền cho các cấp, ngành, địa phương quản lý nhà nước về thẩm định giá như sau:
Theo Điều 5. Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá
“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá.”
2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định giá có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “l) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá;”
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau: “c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý.”
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau: “c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.”
Do đặc thù của kết quả Thẩm định giá phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của thẩm định viên, về mặt lý thuyết “Thẩm định giá tài sản vừa là một nghệ thuật, hay mộtà khoa học về ước tính giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định và cho một mục đích nhất định theo những tiêu chuẩn được công nhận như những thông lệ quốc tế hoặc quốc gia” [tài liệu bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn chuyên ngành thẩm định giá] nên mức độ chính xác của kết quả thẩm định giá có tính chất tương đối do chịu ảnh hưởng, tác động của chất lượng tài sản so sánh và / hoặc khả năng trình độ nhận định, phân tích chủ quan của người làm thẩm định giá.
Để đảm bảo hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất, người làm thẩm định cần thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá theo đúng quy trình hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 Quy trình thẩm định giá (ký hiệu TĐGVN05) và phản ánh kết quả thẩm định giá theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 Báo cáo kết quả thẩm định giá, Chứng thư thẩm định giá, Hồ sơ thẩm định giá (Ký hiệu: TĐGVN 06) Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 20/4/2015.
Lưu ý: Luật Giá năm 2012 chỉ thừa nhận hoạt động thẩm định giá thực hiện theo đúng tiêu chuẩn thẩm định giá của cơ quan có thẩm quyền ban hành (Bộ Tài chính) không thừa nhận các phương pháp thẩm định giá đang được giảng dạy trong các trường đại học và hoặc tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế cũng như khu vực, cụ thể:
- Khoản 15, Điều 4 Luật Giá định nghĩa: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.”
- Khoản 1, 2, 3 Điều 29 của Luật Giá quy định Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá: “1. Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; 2. Chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; 3. Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.”