VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
24/11/2024 03:23:48
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC |
Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013;
Căn cứ Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
1. Thông tư này quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước trừ trường hợp phải đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.
2. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này bao gồm:
a) Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước dưới dạng tài sản vô hình, được xác định trên cơ sở hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, được tạo ra từ việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền cấp dưới hình thức cấp một phần kinh phí, toàn bộ kinh phí hoặc giao quyền sử dụng phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
b) Tài sản trí tuệ phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc được phát triển từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Đại diện chủ sở hữu nhà nước của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là đại diện chủ sở hữu nhà nước).
2. Tổ chức đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là tổ chức đề nghị giao quyền).
3. Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là tổ chức được giao quyền).
4. Tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá) được pháp luật công nhận.
5. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được xác định trên cơ sở hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, được tạo ra từ việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền cấp dưới hình thức cấp một phần kinh phí, toàn bộ kinh phí hoặc giao quyền sử dụng phương tiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu tài sản đó.
Tài sản trí tuệ bao gồm đối tượng được bảo hộ và đối tượng không được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, tác phẩm khoa học, sáng kiến, giống vật nuôi, thiết kế kỹ thuật.
3. Tiền chuyển nhượng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ là khoản tiền mà bên nhận chuyển giao phải trả để có quyền sở hữu kết quả, tài sản đó.
4. Tiền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ là khoản tiền mà bên nhận chuyển giao phải trả để có quyền sử dụng kết quả, tài sản đó.
5. Bên chuyển giao là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền chuyển giao quyền sử dụng thực hiện chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
6. Bên nhận chuyển giao là tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, nhận chuyển giao quyền sử dụng, nhận vốn góp bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
7. Quyền chuyển giao thứ cấp là quyền chuyển giao lại quyền sử dụng được giao của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Điều 4. Thẩm quyền định giá và các trường hợp định giá
1. Đại diện chủ sở hữu nhà nước, tổ chức được giao quyền quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 2 Thông tư này có thẩm quyền định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Các trường hợp định giá bao gồm:
a) Đại diện chủ sở hữu nhà nước định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ khi giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Tổ chức được giao quyền tiến hành định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ để xác định lợi nhuận tạo ra từ việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ đó;
c) Tổ chức được giao quyền sở hữu hoặc được giao quyền sử dụng kèm theo quyền chuyển giao thứ cấp tiến hành định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ đó trong phạm vi quyền được giao.
Điều 5. Hình thức và chi phí định giá
1. Đại diện chủ sở hữu nhà nước định giá cho trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư này theo một trong các hình thức sau:
a) Giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc có chức năng hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ để đề xuất giá;
b) Sử dụng dịch vụ hỗ trợ định giá của tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ được pháp luật công nhận;
c) Thành lập Hội đồng tư vấn giao quyền để xác định lại giá theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá có tính chất phức tạp.
2. Tổ chức được giao quyền định giá cho trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c, Khoản 2 Điều 4 Thông tư này theo một trong các hình thức sau:
a) Giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc có chức năng hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ để đề xuất giá;
b) Sử dụng dịch vụ của tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ được pháp luật công nhận trong trường hợp không có đơn vị quy định tại Điểm a Khoản này.
3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp khoa học và công nghệ để trả cho chi phí định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này.
Tổ chức công lập được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên để trả cho chi phí định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này.
Đối với tổ chức ngoài công lập được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, chi phí định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được phân bổ vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về hạch toán kế toán và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được thực hiện theo trình tự các bước sau đây:
1. Xác định giá trị kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá:
a) Xác định kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá (đặc điểm pháp lý, kinh tế, kỹ thuật và các đặc điểm khác);
b) Xác định mục đích, đối tượng sử dụng đề xuất giá, thời điểm xác định giá trị, cơ sở giá trị, quy trình tiến hành công việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ (theo quy định tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam);
c) Lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ phù hợp theo quy định từ Điều 10 đến Điều 12 Thông tư này;
d) Tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu liên quan (ví dụ: thông tin về giao dịch mua bán tài sản trên thị trường, chi phí và thu nhập tạo ra từ việc áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá hoặc các tài sản tương tự);
đ) Phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu;
e) Xác định giá trị kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo phương pháp được lựa chọn.
2. Lập Báo cáo đề xuất giá hoặc Báo cáo kết quả thẩm định giá của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
3. Đàm phán giá (nếu có) đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ:
Căn cứ các thông tin theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Thông tư này và trên cơ sở giá đề xuất, đại diện chủ sở hữu nhà nước đàm phán giá với tổ chức đề nghị giao quyền hoặc tổ chức được giao quyền đàm phán giá với bên nhận chuyển giao.
4. Quyết định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ:
Căn cứ vào kết quả thực hiện các bước quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này và các thông tin quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Thông tư này, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
1. Phạm vi giao quyền: giao toàn bộ quyền sở hữu, giao một phần quyền sở hữu, giao toàn bộ quyền sử dụng hoặc giao một phần quyền sử dụng.
2. Đặc điểm kỹ thuật của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ví dụ công dụng, mục đích sử dụng, chức năng, dự kiến hiệu quả kỹ thuật của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
3. Đặc điểm pháp lý của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ví dụ: sự cần thiết và khả năng được đăng ký bảo hộ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tình trạng và phạm vi bảo hộ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
4. Đặc điểm kinh tế của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ví dụ:
a) Mức lợi nhuận dự kiến tạo ra từ việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
b) Các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ có khả năng thay thế trên thị trường;
c) Tính mới và tính hữu ích của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ so với các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ khác có cùng chức năng.
5. Giá giao dịch trên thị trường của một số kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ so sánh trong nước, trên thế giới và giá trị trong các giao dịch đã thực hiện đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần được định giá (nếu có).
6. Kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước để tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
7. Chính sách khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các chính sách ưu đãi khác được ghi nhận trong Luật khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 8. Căn cứ quyết định giá để sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn
Trong trường hợp định giá phục vụ việc sử dụng, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, việc định giá nên dựa trên các căn cứ nêu tại Điều 7 Thông tư này và các căn cứ sau:
1. Lợi thế thị trường mà kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ mang lại cho bên nhận chuyển giao, ví dụ:
a) Sự phù hợp và cần thiết của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ đối với nhu cầu của bên nhận chuyển giao;
b) Chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn, mức độ rủi ro dự kiến mà bên nhận chuyển giao phải chịu trong nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ;
c) Điều kiện cần thiết để khai thác, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ đó;
d) Khả năng xảy ra tranh chấp, tố tụng và chi phí dự kiến để giải quyết khi xảy ra tranh chấp, tố tụng về các vấn đề liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
2. Quan hệ giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ví dụ:
a) Bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao là độc quyền hay không độc quyền;
b) Khả năng thanh toán của bên nhận chuyển giao tại thời điểm định giá;
c) Năng lực của bên nhận chuyển giao trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, ví dụ: kinh nghiệm, năng lực về nhân lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật để khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
d) Lịch sử giao dịch giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao.
3. Tính chất và phạm vi của việc chuyển giao, ví dụ:
a) Chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng;
b) Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
c) Quyền được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho bên thứ ba;
d) Thời hạn sử dụng;
đ) Lĩnh vực sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
e) Quyền được cải tiến, nhận thông tin cải tiến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
g) Phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ, công nghệ được chuyển giao tạo ra;
h) Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, bảo hành và các điều kiện, tài sản kèm theo;
i) Đóng góp của mỗi bên đối với các hoạt động trong tạo lập, duy trì và khai thác kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ví dụ: hoạt động đăng ký, duy trì, trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, sản xuất thử nghiệm, sản xuất quy mô công nghiệp; tiếp thị, phân phối, thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
k) Phương án thanh toán giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ trong việc bảo đảm chia sẻ rủi ro.
Khi quyết định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, ngoài các căn cứ quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này, cần chú ý xem xét các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị của một số loại kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ như sau:
1. Đối với sáng chế:
a) Tình trạng bảo hộ; phạm vi bảo hộ; thời gian còn lại trong thời hạn bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ;
b) Khả năng rủi ro xảy ra trong quá trình sử dụng sáng chế, ví dụ: khả năng bị hủy bỏ hiệu lực, bị xâm phạm; khó khăn, cản trở về kinh tế, kỹ thuật trong việc ứng dụng, khai thác, thương mại hóa.
2. Đối với bí mật kinh doanh:
a) Nội dung, hình thức các biện pháp bảo mật; hiệu quả áp dụng các biện pháp bảo mật đối với bí mật kinh doanh cho đến thời điểm định giá;
b) Nguy cơ bí mật kinh doanh bị bộc lộ và khai thác một cách hợp pháp khi được tổ chức, cá nhân khác nghiên cứu, phân tích ngược, giải mã công nghệ hoặc nghiên cứu tạo ra bí mật kinh doanh tương tự một cách độc lập.
3. Các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị của sáng chế, bí mật kinh doanh cũng được xem xét, vận dụng khi định giá sáng kiến, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, chương trình máy tính, giống cây trồng mới, giải pháp, quy trình kỹ thuật mới, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dưới dạng vô hình khác.
4. Đối với kiểu dáng công nghiệp:
Các yếu tố đặc thù cần xem xét tương tự như đối với sáng chế. Đồng thời, cần xem xét đặc điểm mỹ thuật ứng dụng, sự khác biệt của kiểu dáng công nghiệp và sức hấp dẫn người tiêu dùng đối với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp đó.
5. Đối với nhãn hiệu, tên thương mại:
a) Thời gian và phạm vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trong thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh;
b) Nguy cơ nhãn hiệu, tên thương mại bị mất khả năng phân biệt trên thị trường do trở thành tên gọi chung của sản phẩm, dịch vụ;
c) Khả năng mở rộng đối tượng, phạm vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, nhượng quyền thương mại cho các đối tác;
d) Nguy cơ, khả năng quyền của nhãn hiệu, tên thương mại bị xâm phạm.
Điều 10. Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ chi phí
1. Các phương pháp theo cách tiếp cận từ chi phí được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo hướng dẫn cụ thể tại Điều này.
2. Chi phí tái tạo, chi phí thay thế của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ bao gồm các khoản chi phí sau:
a) Chi phí cho việc tạo dựng, nhận dạng, phát triển kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ bao gồm: chi phí cho nhân lực, nguyên vật liệu, năng lượng, trang thiết bị, thử nghiệm, thiết kế, xây dựng dữ liệu, kiểm kê, lập bản đồ, lập danh mục;
b) Chi phí cho việc đăng ký xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ bao gồm: chi phí nộp đơn, chi phí công bố đơn, chi phí thẩm định nội dung, chi phí cấp văn bằng bảo hộ, chi phí đăng bạ, chi phí duy trì hoặc gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ; chi phí cho việc đăng ký lưu hành, nộp lưu mẫu sản phẩm chứa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
c) Chi phí cho việc bảo vệ tài sản trí tuệ bao gồm: chi phí thực hiện các biện pháp bảo mật đối với bí quyết kỹ thuật, chi phí cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm chống lại hành vi xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, dân sự, hình sự để giải quyết tranh chấp, xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ.
3. Xác định giá trị hao mòn của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ gồm:
a) Hao mòn do lỗi thời chức năng, công nghệ: Trong trường hợp lỗi thời về chức năng, công nghệ có thể khắc phục được thì giá trị hao mòn do lỗi thời về chức năng, công nghệ được xác định trên cơ sở chi phí để khắc phục sự lỗi thời về chức năng, công nghệ của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá, ví dụ: chi phí cải tiến sáng chế, chi phí thay đổi kiểu dáng công nghiệp. Trong trường hợp lỗi thời về chức năng, công nghệ không thể khắc phục được thì giá trị hao mòn do lỗi thời về chức năng, công nghệ được xác định trên cơ sở tổn thất về giá trị tài sản do lỗi thời về chức năng, công nghệ;
b) Hao mòn do lỗi thời về kinh tế: được xác định trên cơ sở mức giảm giá trị tài sản trí tuệ do chịu sự tác động trực tiếp của môi trường bên ngoài, tình hình thị trường so với thời điểm tạo ra tài sản trí tuệ, ví dụ: tỷ lệ lạm phát tăng làm giá trị thực tế của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ giảm xuống; quy định của Chính phủ hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ làm giảm cung sản phẩm dẫn tới giảm giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; khả năng thanh toán của xã hội suy giảm làm giảm cầu đối với sản phẩm có chứa tài sản trí tuệ dẫn tới giảm giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
Điều 11. Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường
1. Các phương pháp theo cách tiếp cận từ thị trường được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo hướng dẫn cụ thể tại Điều này.
2. Giá thị trường của tài sản so sánh có thể là các mức giá sau đây:
a) Tiền chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được lưu giữ tại cơ quan quản lý nhà nước hoặc được công bố trên thị trường;
b) Giá chào bán, chào mua trên thị trường;
c) Giá niêm yết trên sàn giao dịch;
d) Giá chào thầu, đấu giá;
đ) Giá góp vốn liên doanh, liên kết, thế chấp;
e) Giá mua thực tế trên thị trường;
g) Giá tài sản so sánh trong các hình thức giao dịch khác trên thị trường.
3. Trường hợp thực hiện định giá theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư này thì có thể sử dụng hai tài sản so sánh được giao dịch trên thị trường.
Điều 12. Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thu nhập
1. Các phương pháp theo cách tiếp cận từ thu nhập được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo hướng dẫn cụ thể tại Điều này.
2. Phương pháp tiền sử dụng
a) Tiền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ được xác định bằng số tiền sử dụng thực tế được ghi nhận trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá hoặc tài sản so sánh;
b) Tiền sử dụng bao gồm:
Tiền sử dụng trả trước, tiền sử dụng kỳ vụ (có thể xác định trên cơ sở suất tiền sử dụng theo doanh thu, lợi nhuận, đơn vị sản phẩm); thuế phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng; chi phí quảng cáo, chào bán và các chi phí khác phát sinh đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng.
3. Phương pháp lợi nhuận vượt trội
Lợi nhuận vượt trội được xác định trên cơ sở chênh lệch lợi nhuận giữa việc sử dụng và không sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá.
4. Phương pháp thu nhập tăng thêm
Thu nhập tăng thêm được xác định trên cơ sở giá trị chênh lệch giữa tổng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp và tổng lợi nhuận thu được do sử dụng các tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản tài chính khác không phải là tài sản cần định giá.
Điều 13. Báo cáo đề xuất giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá
1. Đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc đề xuất giá quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 và Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 Thông tư này có trách nhiệm lập Báo cáo đề xuất giá để người có thẩm quyền tham khảo làm cơ sở xem xét trong việc quyết định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
2. Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá theo quy định của Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để người có thẩm quyền tham khảo làm cơ sở trong việc xem xét, quyết định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
3. Báo cáo đề xuất giá phải phản ánh trung thực, khách quan quá trình và kết quả đề xuất giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này và Điều này (Mẫu báo cáo đề xuất giá tại phụ lục đính kèm).
Điều 14. Dịch vụ hỗ trợ định giá
1. Tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước phải tuân theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan, có thể yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ pháp lý và các thông tin liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.
2. Tổ chức dịch vụ hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật công nhận bao gồm:
a) Doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về giá;
b) Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ được thành lập theo Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ và Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 tháng 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; đồng thời phải có ít nhất 01 (một) người có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 02 năm 2015.
1. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch này trong việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
VỀ MẪU BÁO CÁO ĐỀ XUẤT GIÁ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính)
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
....., ngày ... tháng ... năm ..... |
BÁO CÁO ĐỀ XUẤT GIÁ
Kính gửi: ....................................................... [1]
Theo đề nghị của .......................... [2] tại văn bản số ....ngày......về việc yêu cầu hỗ trợ định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
I. TỔ CHỨC XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐỀ XUẤT GIÁ
1. Tên đơn vị:
……………………………………………………………………………
2. Thuộc loại hình:
Đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất giá □
Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ[3] □
3. Địa chỉ:
……………………………………………………………………………
4. Số điện thoại: …………………… Fax: …….…………………………
5. Email: …………………………………………………………………
II. MỤC ĐÍCH ĐỀ XUẤT GIÁ
Đề xuất giá để làm căn cứ phục vụ mục đích định giá …………………………………[4] khi ………………………………… [5]
III. ĐỐI TƯỢNG CẦN ĐỀ XUẤT GIÁ
1. Tên kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ:
……………………………………………………………………………
2. Tình trạng pháp lý:
……………………………………………………………………………
3. Tình trạng kỹ thuật:
……………………………………………………………………………
IV. THỰC HIỆN ĐỀ XUẤT GIÁ
1. Địa điểm xác định giá: …………………………………………………
2. Thời gian xác định giá: ………………………………………………
3. Thông tin về tài sản so sánh (nếu có):
……………………………………………………………………………
4. Thông tin về khảo sát thực địa (nếu có):
……………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………
5. Cách tiếp cận, phương pháp xác định giá:
- Cách tiếp cận, phương pháp được chọn là:
………………………………………………………………………[6]
- Các bước và nội dung tiến hành xác định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được mô tả trong phụ lục tính toán kèm theo báo cáo này.
6. Kết quả xác định giá:
……………………………………………………………………………
7. Hạn chế và điều kiện của việc đề xuất giá:
……………………………………………………………………………
8. Kết luận về giá đề xuất:
……………………………………………………………………………
|
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu) |
[1] Ghi tên tổ chức, cá nhân là khách hàng của dịch vụ hỗ trợ định giá
[2] Ghi tên tổ chức, cá nhân là khách hàng của dịch vụ hỗ trợ định giá
[3] Đơn vị được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 của Thông tư liên tịch này
[4] Nêu tên kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cần được định giá
[5] Chọn lựa một trong các mục đích sau: giao quyền sở hữu; giao quyền sử dụng; sử dụng; chuyển giao quyền sử dụng; chuyển giao quyền sở hữu; góp vốn
[6] Mô tả rõ việc sử dụng cách tiếp cận, phương pháp nào để xác định giá trị của kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và lý do chọn lựa cách tiếp cận, phương pháp đó