VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/12/2024 19:08:28
Hỏi: Gia đình chúng tôi có người thân đang liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản là xe máy, tài sản đã được hội đồng định giá cấp huyện định giá nhưng không mời chúng tôi tham gia, đã có thông báo kết quả định giá, tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với mức giá đã định không đúng với giá trị thực tế, làm thay đổi khung hình phạt, vậy phải làm thế nào để thay đổi kết quả định giá???
Trả lời:
Thứ nhất: Theo Điều 18 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là Nghị định số 30/2018/NĐ-CP), quy định các bị can, bị cáo, bị hại hay gia đình, đại diện của họ trong vụ án hình sự không được mời tham gia cuộc định giá, là phù hợp với quy định hiện hành.
Thứ hai: Việc định giá lại tài sản chỉ được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4 Điều 21 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP như sau:
“Điều 21. Định giá lại tài sản
1. Định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận trên.
2. Định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
a) Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá quy định tại Nghị định này; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá;
b) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.
3. Việc định giá lại quy định tại khoản 1 Điều này do Hội đồng định giá cấp trên thực hiện:
a) Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện định giá lần đầu;
b) Hội đồng định giá ở trung ương định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lần đầu.
4. Việc định giá lại lần thứ hai quy định tại khoản 2 Điều này do Hội đồng định giá cùng cấp với Hội đồng định giá được thành lập để định giá lại quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện:
a) Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp huyện và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp tỉnh.
b) Hội đồng định giá ở trung ương định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá ở trung ương.”
Như vậy việc định giá lại chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ kết quả định giá đã thực hiện hoặc Hội đồng định giá cấp trên được quyền định giá lại kết quả định giá của cấp dưới.
Tuy nhiên, kết quả định giá có thể thay đổi nhưng không được coi là định giá lại trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 của Nghị định 30/2018/NĐ-CP trong các trường hợp như sau:
“5. Các trường hợp sau đây không thuộc trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại Điều này:
a) Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá; hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản;
b) Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Việc định giá tài sản đối với những trường hợp quy định tại điểm a và b khoản này được thực hiện như trường hợp định giá lần đầu.”
Như vậy, trong trường hợp người bị hại hoặc bị can, bị cáo chứng minh được Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá, hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản; Hoặc cung cấp được tài liệu chứng minh thông tin về đặc điểm như tình trạng chất lượng còn lại tại thời điểm xảy ra vụ án, seri, model … của tài sản trong thông báo kết qủa định giá không phù hợp với tài sản cần định giá thì có thể khiếu nại, yêu cầu xem xét lại kết quả định giá.
Việc khiếu nại kết qủa định giá tài sản trong tố tụng hình sự có thể thực hiện trong quá trình điều tra, khởi tố hoặc xét xử tại toà án các cấp.
Việc sử dụng các bên liên quan có thể sử dụng kết quả thẩm định giá độc lập làm căn cứ chứng minh sự sai lệch của kết quả định giá theo Tiết c, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 43/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP như sau:
"c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp là giá được xác định theo kết quả thẩm định giá tại Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá còn hiệu lực đối với tài sản được thuê thẩm định giá;"
Tuy nhiên do hạn chế về khả năng tiếp cận với tài sản cần thẩm định giá là tang tài vật đang bị tạm giữ tại cơ quan điều tra (là tài sản đã qua sử dụng, không xác định được tình trạng kỹ thuật, chất lượng còn lại) nên việc Tổ chức tư vấn giá chỉ có thể cung cấp kết quả tư vấn khi được phép của cơ quan điều tra, theo đề nghị của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự (thuê) trong trường hợp tài sản định giá có mức độ phức tạp nhất định và hoặc được thực hiện theo đề nghị của người bị hại (chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về đặc điểm của tài sản cần định giá) hoặc có kết quả giám định chất lượng độc lập phù hợp với thời điểm xảy ra vụ án.