VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
22/11/2024 11:31:41
VỠ NỢ CÔNG và những điều bạn nên biết !!!
Nhiều người liên tưởng việc một quốc gia vỡ nợ giống như một cá nhân hay doanh nghiệp vỡ nợ, theo kiểu sẽ bị các chủ nợ bán đấu giá tài sản cho các nước khác để chia nhau theo tỷ lệ nợ chiếm hữu, nhưng như vậy thì quốc gia đó sẽ tồn tại thế nào trên bản đồ thế giới.
Theo số liệu thống kê, trên thế giới rất nhiều quốc gia đã vỡ nợ không chỉ một lần theo nhiều kiểu khác nhau, được chính thức tuyên bố hay âm thầm giải quyết bằng quyền lực nhà nước thông qua các công cụ tài chính, do đó những hiểu biết về nó vẫn chưa phải là điều dễ hiểu kể cả chính công dân trong những quốc gia đó được biết.
Lịch sử những vụ vỡ nợ nổi tiếng
Vụ vỡ nợ lớn đầu tiên xảy ra tại Tây Ban Nha vào năm 1557, dưới thời vua Philip II sau khi quốc gia này đã trải qua không dưới 4 lần vỡ nợ trước đó do chi phí quân sự tăng cao và sự giảm giá của vàng. Sau đó, Tây Ban Nha tiếp tục vỡ nợ 15 lần nữa trong khoảng thời gian 1557-1939.
Tính từ năm 1800 đến nay, khu vực Nam Mỹ là nơi có các quốc gia vỡ nợ nhiều lần nhất. Theo thống kê của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, Ecuador và Venezuela là hai quốc gia vỡ nợ nhiều nhất kể từ năm 1800 với 10 lần. Xếp thứ hai là bốn quốc gia Brazil, Costa Rica, Chile và Uruguay với 9 lần vỡ nợ.
Mới đây nhất, vẫn là Argentina khi quốc gia Nam Mỹ đã lâm vào vỡ nợ do không thanh toán khoản nợ 1,33 tỷ USD cho 2 quỹ đầu tư của Mỹ khi hạn thanh toán đã trôi qua. Đây là lần vỡ nợ lần thứ 2 của Argentina trong vòng 13 năm và hiện nay là Hy Lạp đang trong vòng khủng hoảng nợ công
Điều gì sẽ xảy ra sau khi một quốc gia vỡ nợ?
Cho tới nay vẫn chưa có luật quốc tế hoặc tòa án quốc tế quy định các trường hợp quốc gia vỡ nợ. Điều này cũng giúp giải thích tại sao các trường hợp vỡ nợ lại rất đa dạng. Khác với doanh nghiệp hoặc cá nhân khi vỡ nợ phải rời khỏi ngành kinh doanh và tuyên bố phá sản, được bảo hộ phá sản theo quy định của pháp luật, một quốc gia khi vỡ nợ phải đối mặt với nhiều lựa chọn tùy khác nhau theo tình hình thực tế của mỗi quốc gia. Trong khoảng thời gian này, các quốc gia đã từng tuyên bố phá sản thường thực hiện một số hình thức như sau:
- Một quốc gia khi vỡ nợ không đồng nghĩa với việc đã mất đi tất cả do vẫn sở hữu và có thể bán lấy tiền trả nợ hoặc cho thuê thu tiền một lần với thời gian dài những tài sản quốc gia có giá trị lớn như quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản, đất đai … đây là biện pháp trước mắt, hiệu quả nhất thường đã được tính đến trước khi tuyên bố phá sản;
- Tái cấu trúc nợ: Xu hướng tái cấu trúc nợ trở nên phổ biến đó là việc quốc gia vỡ nợ sẽ đổi những khoản nợ cũ không trả được bằng những khoản nợ mới (đảo nợ), nhằm giảm giá trị các khoản nợ và có thêm thời hạn để chi trả hoặc thỏa thuẩn chuyển các khoản đang bị nợ chưa đòi được cho các chủ nợ (gán nợ), tất nhiên là theo một giá mà chủ nợ được chấp nhận;
- Hạ giá đồng nội tệ, thả nổi tỷ giá thanh toán quốc tế là giải pháp phổ biến để giảm bớt áp lực nợ, trong trường hợp một quốc gia chủ động hạ giá đồng nội tệ để trả nợ dễ dàng hơn, việc định giá tiền tệ thấp hơn cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu và ngành sản xuất trong nước, qua đó giúp tái phục hồi nền kinh tế;
- Đơn phương điều chỉnh giảm lãi suất trái phiếu chính phủ so với mức cam kết ban đầu hoặc kéo dài thời hạn thanh toán hoặc thậm chí tuyên bố không chi trả được khoản nợ trái phiếu nước ngoài ví dụ như vụ vỡ nợ năm 2001, Argentina đã từng từ chối thanh toán nợ quốc tế lên tới 105 tỷ USD;
- Thỏa thuận với chủ nợ không chi trả theo mệnh giá mà theo một tỷ lệ tối đa có thể và hoặc chấp nhận trở thành con nợ của các quỹ phi chính phủ (còn gọi là quỹ kền kền) khi mua lại các khoản nợ với giá rẻ mạt và dự kiến sẽ phải đối phó với các vụ kiện quốc tế đòi nợ trong tương lai.
- Biện pháp "thắt lưng buộc bụng", việc này có tính hai mặt khi giảm được chi tiêu công nhưng trong khi nền kinh tế nội địa đang phụ thuộc vào chi tiêu công thì hạn chế chi tiêu công lại là một vòng luẩn quẩn kéo nền kinh tế chậm phát triển và thu nhập người dân ngày càng thấp và giá cả trượt dốc không phanh, tệ hơn là phải tính toán để cắt giảm lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác.
- Hiệp thương với các nước chủ nợ ép phải "cải cách hành chính", bị can thiệp vào một số vấn đề điều hành nội bộ đất nước (mất độc lập tạm thời) để nhận được những gói cứu trợ, gia hạn nợ có điều kiện và đối phó với làn sóng phản đối trong nước do các chính sách này sẽ ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống người dân.
- Ép chủ nợ cho vay thêm kèm theo những điều khoản có lợi từ các thỏa thuận kinh tế khác (bia kèm lạc) như lãi suất cao, ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực đang hạn hạn chế … miễn là bên cho vay cảm thấy có lợi, chấp nhận được và hoặc cho vay thêm để có cơ hội thu lại khoản nợ cũ cũng là một cách phổ biến trong tín dụng tại các nước phát triển.
- Chuẩn bị đối phó với làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi Ngân hàng và thị trường ngoại tệ tăng đến chóng mặt, mất khả năng kiểm soát tỷ giá hối đoái ngoại tệ và vàng do người dân lo lắng về sự mất giá của đồng tiền nội tệ theo một số hình thức cơ bản như quy định chi trả theo tỷ lệ nhất định hoặc tạm thời đóng cửa ngân hàng, kiểm soát chặt thị trường mua bán ngoại tệ, vàng trong nước.
Dự báo một quốc gia vỡ nợ
Do đặc thù pháp luật và điều kiện kinh tế của các quốc gia khác nhau nên việc dự đoán khả năng vỡ nợ là điều khó khăn, ngay cả khi mọi thứ được nhận định là rất ảm đạm đối với một quốc gia.
Ví dụ như, các chuyên gia phân tích đã từng cảnh báo về nợ công của Nhật Bản trong vòng ít nhất 12 năm, nhưng nền kinh tế này vẫn đứng vững với nợ công tương đương 230% GDP, bất chấp giảm phát kéo dài hơn 1 thập kỷ. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã vỡ nợ khi tỷ lệ nợ công chưa tới 60% GDP.
Vì vậy, việc dự báo vỡ nợ thường không dễ dàng. Nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Andrea Pescatori, Damiano Sandri và John Simon thực hiện với đề tài: "Debt and Growth: Is There a Magic Threshold?" đã chỉ ra rằng: không tồn tại ngưỡng an toàn của nợ công.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về một ngưỡng nợ công đặc biệt mà vượt qua ngưỡng đó, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn bị tổn hại một cách đáng kể", 3 nhà nghiên cứu của IMF khẳng định.
Nghiên cứu này đã bác bỏ kết luận trước đó về ngưỡng nợ công 90% GDP của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff khi cho rằng, tỷ lệ nợ công/GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của quốc gia đó sẽ giảm 0,1% và ngược lại, nếu tỉ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3%-4%.
NỢ CÔNG THEO LUẬT SỐ 20/2017/QH14
Ngày 23/11/2017 Quốc Hội thông qua Luật số: 20/2017/QH14 về Quản lý Nợ công, Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.
Nợ công quy định tại Điều 4 bao gồm:
1. Nợ Chính phủ bao gồm:
- Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;
- Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;
- Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:
- Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;
- Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.
3. Nợ chính quyền địa phương bao gồm:
- Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;
- Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
- Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2018
Ngô Gia Cường - Tổng hợp và phân tích