VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
3/12/2024 07:03:41
Nhật Đức | 11:12 09/10/2024
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong TTHS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018, sau đó ban hành Thông tư 30/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 30/2018/NĐ-CP; Nghị định số 97/2019/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động chuyên môn cũng như tổ chức kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là Hội đồng thẩm định giá hoặc Hội đồng).
Mặc dù các quy định tương đối chi tiết, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong quá trình thực hiện, Hội đồng thẩm định giá các cấp vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi thực hiện các đề nghị định giá tài sản của cơ quan điều tra.
Qua quá trình thực tế cung cấp dịch vụ thẩm định giá, ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI) đưa ra một số vướng mắc điển hình thường gặp phải và kiến nghị phương hướng giải quyết như sau:
Nhân lực, điều kiện hoạt động của Hội đồng định giá
Theo quy định, thành phần Hội đồng thẩm định giá đều là công nhân viên chức tại các cơ quan hành chính theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu giám định tài chính (định giá tài sản) của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan cảnh sát điều tra).
Đây là khối lượng công việc kiêm nhiệm thêm, ngoài chức năng nhiệm vụ thường xuyên được giao, do đó các thành viên Hội đồng có hạn chế về thời gian cũng như về kiến thức chuyên môn về định giá, thẩm định giá trong khi Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định công việc phải tiến hành khi định giá tài sản theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản bao gồm: xác định căn cứ định giá tài sản; Khảo sát tài sản cần định giá; khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; xác định Phương pháp định giá tài sản và tổ chức phiên họp định giá tài sản để thống nhất ban hành Biên bản họp và kết luận định giá.
Các quy định hướng dẫn chi tiết trình tự thực hiện định giá tài sản do thành viên Hội đồng trực tiếp thực hiện đã được rút ngắn hơn nhiều so với công việc của thẩm định viên độc lập theo Luật giá 2013, nhưng theo Luật Giá 2023 quy định về thẩm định giá Nhà nước cũng phải thực hiện đầy đủ quy trình như của thẩm định giá độc lập dẫn đến là khối lượng công việc rất lớn đối với cá nhân thành viên Hội đồng trong khi cơ sở dữ liệu phục vụ định giá vẫn phải thu thập trên thị trường, yêu cầu nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành … dẫn đến các thành viên Hội đồng không thể trực tiếp thực hiện công tác định giá mà thường thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện theo Luật Giá, sau khi ban hành kết quả tư vấn sẽ họp Hội đồng để quyết định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Xác định tài sản cần định giá
Tài sản cần định giá trong tố tụng hình sự rất đa dạng, phức tạp do các điều kiện tiếp cận với hiện trạng chất lượng của loại tài sản trong tố tụng hình sự đều xảy ra trong quá khứ, ngoại trừ tài sản mới chưa sử dụng, các tài sản đã qua sử dụng rất khó xác nguyên trạng chất lượng ngay trước thời điểm định giá (thời điểm xảy ra hành vi phạm tội) do tài sản có thể đã thất lạc hoặc đã bị hủy hoại; Đối với trường hợp này, việc định giá tài sản chỉ được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá do cơ quan điều tra cung cấp (Điều 219 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) trong khi thông tin về chất lượng của tài sản trong quá khứ rất hạn chế khó thu thập, cơ quan điều tra cũng khó chứng minh.
Xác định thị trường của tài sản
Đối với tài sản là hàng cấm như: động vật hoang dã, chế phẩm từ động vật hoang dã, vũ khí, vật liệu nổ, ma túy … không xác định được thị trường chính thức trong nước, việc thu thập thông tin thị trường phải thu thập từ nguồn tin không chính thức (do nguồn thông tin không hợp pháp) hoặc phải thu thập thông tin từ nước ngoài rồi giả định được chuyển về Việt Nam (phải đặt giả thiết đặc biệt) theo giá trị ước tính tăng thêm không có căn cứ bao gồm: chi phí vận chuyển, lưu thông, lợi nhuận bán hàng phổ biến trên thông tin cơ sở thị trường.
Đối với tài sản là hàng giả việc thu thập thông tin thị trường cũng dựa trên thị trường không chính thức, việc thu thập thông tin chỉ có thể thực hiện qua khảo sát, phỏng vấn thông qua phiếu điều tra chứ không thể chứng minh bằng báo giá, hóa đơn cụ thể của người bán, thiếu mức độ tin cậy, khó chứng minh; Đối với Tài sản là hàng nhái, hàng giả hiện quy định rất phức tạp, do quy định xác định giá tài sản theo giá của hàng thật hoặc giá của tài sản tương tự (điểm đ, khoản 2 Điều 17 Nghị định 30/2028/NĐ-CP) dẫn đến việc xác định giá theo thị trường hàng thật sẽ cho kết quả định giá rất cao và ngược lại, việc sử dụng thông tin là hàng tương tự (hàng giả) là sẽ giảm giá trị tài sản định giá rất lớn dẫn đến xác định khung phạm tội cũng sẽ thay đổi.
Xác định thời điểm định giá
Theo Điều 10 của Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ quy định về Xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra như sau:
“1. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.
2. Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
a) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.
b) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.
c) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.”
Như vậy, thời điểm trung cầu định giá trong tố tụng hình sự chỉ xác định 1 thời điểm duy nhất, thời điểm định giá chỉ xác định tại thời điểm phạm tội hoặc thời điểm khởi tố vụ án (nếu không xác định tại thời điểm phạm tội). Tuy nhiên, khi tiếp cận với thông tin đề nghị thẩm định giá, cơ quan cảnh điều tra vẫn thường yêu cầu 2 thời điểm trong quá khứ bao gồm thời điểm phạm tội và thời điểm khởi tố là chưa phù hợp với Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP.
Khó khăn về thu thập thông tin thị trường trong quá khứ
Việc thu thập thông tin chuyển nhượng hay rao mua, rao bán trên thị trường trong các thời điểm trong quá khứ là rất khó khăn, xuất phát từ việc đăng tin là thỏa thuận dân sự và lo ngại về trách nhiệm, nghĩa vụ của người cung cấp thông tin hoặc của các bên tham gia chuyển nhượng tài sản khi giá chuyển nhượng thực tế khác với giá ghi trên hợp đồng.
Theo quy định của Tiêu chuẩn thẩm định giá (nay là Chuẩn mực thẩm định giá) theo Luật Giá 2023 và quy định của Luật Đất đai 2024 về định giá đất, việc thu thập thông tin thị trường làm căn cứ thẩm định giá, định giá (sau đây viết chung là thẩm định giá) chỉ được thực hiện trước 24 tháng tính đến thời điểm định giá. Trong tố tụng hình sự, để đến được giai đoạn yêu cầu định giá thường kéo dài trên 6 tháng tính từ thời điểm phạm tội hoặc khởi tố nên việc thu thập thông tin thị trường rất khó khăn, ví dụ như sau:
Đối với bất động sản: Các thông tin rao mua, rao bán trên các trang thương mại điện tử chỉ lưu trên không gian mạng trong thời hạn nhất định, sau đấy sẽ chỉ còn lưu giữ trong cơ sở dữ liệu nội bộ của chủ sở hữu trang điện tử. Các thông tin này hầu hết do trung gian (môi giới) đăng tin thường có điều khoản cam kết bảo mật thông tin người bán hoặc thông tin về địa chỉ không rõ ràng, chính xác để bắt buộc người cần sử dụng thông tin phải liên hệ với trung gian để được dẫn đi xem tài sản (có tính phí xem tài sản hoặc phí môi giới nếu giao dịch thành công) dẫn đến thẩm định viên về giá, định giá viên (sau đây viết chung là thẩm định viên) không thể tiếp cận với các thông tin đăng trong quá khứ này đúng theo quy định (xác định địa chỉ, khảo sát thực tế, thu thập thông tin về các yếu tố tác động đến giá) nếu nói rõ mục đích thu thập thông tin hoặc không nói rõ mục đích khác hợp lý, thuyết phục được cũng không thể thu thập được thông tin.
Đối với động sản: thường là ô tô, xe máy có thông tin đặc điểm kỹ thuật rõ ràng, có quy định về đăng ký sở hữu cũng gặp tình trạng tương tự, các thông tin rao mua rao bán trong quá khứ cũng không còn tồn tại trên không gian mạng quá 6 tháng; việc liên hệ với các showroom, gara, cửa hàng bán xe cũng gặp phải khó khăn hơn vì phải tìm được nơi bán của tối thiểu 03 thông tin chuyển nhượng trong khoảng 24 tháng trong quá khứ của đúng loại tài sản thẩm định giá mới có thể sử dụng được; Các yêu cầu này dẫn đến thẩm định viên hầu như không thể tiếp cận được nguồn thông tin thị trường, đấy là chưa kể đến các loại tài sản khác không yêu cầu đăng ký sở hữu và thông tin kỹ thuật đa dạng, phức tạp thì hầu như không thể tìm được nguồn cung cấp được thông tin trên thị trường.
Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với một số tổ chức sở hữu website mua bán bất động sản, ô tô - xe máy để đặt vấn đề mua thông tin trong quá khứ, nhưng đều bị từ chối với lý do có ràng buộc điều khoản bảo mật thông tin với người đăng tin và nhất là việc phải tiết lộ mục đích sử dụng thông tin vào thẩm định giá trong tố tụng hình sự càng làm cho người cung cấp thông tin lo ngại bị ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền lợi của người đăng tin và trách nhiệm của người cung cấp thông tin nên không thể thu thập được.
Hiện nay, các nguồn thông tin chuyển nhượng của bất động sản hoặc ô tô, xe máy còn được lưu giữ tại các Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Tổ chức công chứng, tuy nhiên qua khảo sát thực tế giá ghi trong các hợp đồng chuyển nhượng không chính xác, thường thấp hơn rất nhiều giá trị giao dịch thực tế để hạn chế phải nộp các khoản thuế chuyển nhượng (thuế TNCN) nên giá ghi trong hợp đồng cũng không có mức độ tin cậy để sử dụng. Đặc biệt, theo điểm b, khoản 3 Điều 158 Luật Đất đai 2024 quy định giá đất chuyển nhượng trên thị trường phải được ghi nhận theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng thành công trong khi quy định này chưa tính đến tập quán giao dịch 2 giá như hiện nay sẽ có mức độ tin cậy rất thấp.
Việc chỉ được thu thập các thông tin trước thời điểm định giá gây ra rất nhiều hạn chế về thông tin thị trường như đối với các tài sản là hàng hóa tại thời điểm định giá mới đưa ra lưu thông trên thị trường chủ yếu thông tin giao dịch của tài sản so sánh sẽ có sau thời điểm định giá nhưng không được sử dụng.
Chính sách quy định hỗ trợ cung cấp thông tin trong hoạt động định giá trong tố tụng hình sự hiện nay.
Theo khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự như sau:
“3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; tạo điều kiện để Hội đồng định giá thực hiện việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá, phục vụ cho việc định giá của Hội đồng theo quy định của Nghị định này.”
Tuy nhiên, quy định này chỉ yêu cầu hỗ trợ đối với Hội đồng định giá, tức là thành viên Hội đồng trực tiếp thực hiện; Tổ chức thẩm định giá không thuộc đối tượng Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan bắt buộc phải cung cấp thông tin nên việc thu thập thông tin trên thị trường của tổ chức thẩm định giá là vô cùng khó khăn, dẫn đến không thể cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho Hội đồng đảm bảo đúng chất lượng, yêu cầu của pháp luật về thẩm định giá.
Giải pháp nào cho định giá tài sản trong tố tụng hình sự?
Được biết, Bộ Tài chính đang chủ trì lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tôi xin có một số đề xuất góp ý vào Dự thảo như sau:
Thứ nhất: Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá Quốc gia
Điều 38 Luật Giá 2023 quy định về Cơ sở dữ liệu về giá quy định như sau:
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhu cầu của xã hội, do Bộ Tài chính thống nhất quản lý. Thông tin được cung cấp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là một trong các nguồn thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và phải trả giá dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính.
Khoản 1 Điều 23 Nghị định 85/2024/NĐ-CP quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về giá như sau:
“1. Cơ sở dữ liệu về giá là tập hợp thông tin, dữ liệu về giá của hàng hóa, dịch vụ dưới dạng điện tử, được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý, sắp xếp, tổ chức, truy cập, khai thác thông qua phương tiện điện tử theo quy định tại Luật Giá, Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”
Với các quy định này, Chính phủ có thể ban hành quy định cụ thể về việc yêu cầu cung cấp thông tin từ các website thương mại điện tử, các chủ đầu tư, tổ chức môi giới bất động sản sở hữu các thông tin rao mua - rao bán của khách hàng; Các thông tin bán hàng (niêm yết công khai giá bán theo Luật Giá) phải cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu về giá Quốc gia theo quy định đã có để hoạt động thẩm định giá, định giá có đầy đủ thông tin thị trường nhắm đáp ứng không chỉ nhu cầu định giá của các thành phần kinh tế trong xã hội mà còn của các các yêu cầu định giá của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật .
Thứ hai: cần có quy định trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của tổ chức thẩm định giá yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra (đơn vị trưng cầu định giá tài sản trong Tố tụng hình sự) hoặc Hội đồng định giá cử người trực tiếp hỗ trợ, giám sát hoạt động khảo sát, thu thập thông tin thị trường (thông tin TSSS) theo hình thức phỏng vấn, ghi nhận qua phiếu khảo sát, để nâng cao chất lượng, mức độ tin cậy của thông tin
Thứ ba: cho phép thu thập thông tin thị trường của tài sản sau thời điểm thẩm định giá, trong đó ưu tiên gần nhất về thời điểm, khoảng cách của thông tin tài sản của tài sản so sánh có thể thu thập được so với thời điểm, vị trí tài sản định giá hoặc cho phép thu thập thông tin thị trường tại thời điểm thực hiện thẩm định giá và được điều chỉnh về thời điểm thẩm định giá nếu thị trường tài sản thẩm định giá có các chỉ số có thể quy đổi và hoặc thu thập ý kiến của người cung cấp thông tin về biến động giá tại thời điểm định giá so với thời điểm thực hiện thẩm định giá.
Để đảm bảo công bằng với các trường hợp có liên quan đến kết quả thẩm định giá, định giá có liên quan trong vụ án, việc thu thập, sử dụng thông tin thị trường sau thời điểm thẩm định giá không áp dụng đối với các trường hợp tài sản cần định giá trong tố tụng hình sự có liên quan đến kết quả thẩm định giá đã ban hành liên quan đến vụ án
Thứ tư: Cho phép thông tin thị trường đối với các tài sản là hàng cấm được sử dụng thông tin phỏng vấn thể hiện trên phiếu thu thập thông tin và người cung cấp thông tin với nội dung đảm bảo khách quan, trung thực; Không phải chịu trách nhiệm về thông tin được cung cấp, không cần ký vào phiếu khảo sát; Không sử dụng thông tin thu thập được trong chứng thư thẩm định giá để xác định trách nhiệm của người cung cấp thông tin
Thứ năm: Cơ quan cảnh sát điều tra chỉ yêu cầu định giá tài sản tại một thời điểm theo đúng nội dung của Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP
Thứ sáu: Tổ chức thẩm định giá căn cứ vào các quy định của hệ thống chuẩn mực thẩm định giá và căn cứ định giá tài sản quy định tại Nghị định này để thu thập thông tin thị trường
Link bài đăng trên tạp chí: Tại đây
Hoặc: Nhiều khó khăn trong việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự (markettimes.vn)