VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
2/11/2024 12:37:40
Quy trình, trình tự bán tài sản công
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Căn cứ thông tư 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
1. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công
Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
2. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công
a. Điều kiện được thanh lý tài sản công
Tổ chức có tài sản cần thanh lý lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền (nêu trên) xem xét, quyết định, tuy nhiên tài sản cần thanh lý phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:
- Khi có tài sản công hết hạn sử dụng theo chế độ mà phải thanh lý;
- Tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản);
- Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng hoặc các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản
b. Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm:
- Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính;
- Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
- Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý): 01 bản chính;
- Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được): 01 bản sao;
- Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao.
c. Quy trình, trình tự thực hiện
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền (quy định tại Điều 28 Nghị định 151/2018/NĐ-CP) quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý không phù hợp.
- Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công (quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) có trách nhiệm thẩm định về đề nghị thanh lý tài sản trong trường hợp việc thanh lý tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo thẩm quyền.
- Nội dung chủ yếu của Quyết định thanh lý tài sản công gồm:
+ Cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý;
+ Danh mục tài sản thanh lý (chủng loại, số lượng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý);
+ Hình thức thanh lý tài sản (phá dỡ, hủy bỏ, bán);
+ Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý tài sản (nếu có);
+ Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Trong thời hạn 60 ngày (đối với nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất), 30 ngày (đối với tài sản khác), kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý tổ chức thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 30, Điều 31 của Nghị định 151/2018/NĐ-CP.
- Việc thanh toán tiền mua tài sản (nếu có) và nộp tiền vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 24 , khoản 6 Điều 26 của 151/2018/NĐ-CP
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý hạch toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định tại Điều 126, Điều 127 của 151/2018/NĐ-CP.
3. Tổ chức thanh lý tài sản công theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ
- Cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ tài sản theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp tài sản phá dỡ là nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất có nguyên giá theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên thì phải đấu thầu hoặc đấu giá thanh lý. Việc đấu thầu hoặc đấu giá thanh lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Việc đấu thầu thanh lý được thực hiện trong trường hợp chỉ lựa chọn đơn vị thực hiện phá dỡ tài sản. Việc bán vật tư, vật liệu thu hồi từ việc phá dỡ, hủy bỏ thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định 151/2018/NĐ-CP. Trường hợp kết hợp việc phá dỡ tài sản với việc bán vật tư, vật liệu thu hồi thì áp dụng hình thức đấu thầu trong trường hợp dự toán chi phí thanh lý lớn hơn giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi; áp dụng hình thức đấu giá trong trường hợp dự toán chi phí thanh lý nhỏ hơn giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi. Giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi được xác định theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 của Nghị định 151/2018/NĐ-CP.
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thông qua đấu thầu, đấu giá thực hiện việc phá dỡ tài sản kết hợp với việc bán vật tư, vật liệu thu hồi được thực hiện thanh toán bù trừ chi phí phá dỡ và giá trị vật tư, vật liệu thu hồi sau phá dỡ trên cơ sở kết quả đấu thầu, đấu giá.
4. Các hình thức bán tài sản công
- Việc thanh lý tài sản công theo hình thức bán được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ tại thời điểm xác định giá. Giá tài sản được xác định không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
- Bán thanh lý tài sản công theo hình thức niêm yết giá được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Tài sản công (trừ xe ô tô, nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
+ Vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
- Bán thanh lý tài sản công theo hình thức chỉ định được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Tài sản công (trừ xe ô tô, nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại dưới 10 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
+ Vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý tài sản công theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ có giá trị dưới 10 triệu đồng. Việc xác định giá trị vật tư, vật liệu thu hồi được thực hiện theo quy định cụ thể như sau: người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản (quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 151/2018/NĐ-CP) thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm.