VIETNAM APPRAISAL AND INSPECTION Co.ltd
21/12/2024 21:45:53
PHÂN TÍCH, SO SÁNH MỘT SỐ NỘI DUNG THAY ĐỔI CỦA TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP
Ban hành theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài chính
Sau khi nghiên cứu, tham gia lớp cập nhật kiến thức năm 2021 và có trao đổi với giảng viên, Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam đưa ra một số so sánh, nhận định về các nội dung thay đổi tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 – Thẩm định giá trị doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài chínhcó hiệu lực từ ngày 01/7/2021 thay thế tiêu chuẩn ban hành theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017.
Các nội dung trong Tiêu chuẩn mới có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng tiêu chuẩn trong hơn 4 năm qua, do các điểm thay đổi tương đối chiều, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu các hướng dẫn chủ yếu của tiêu chuẩn như sau:
- Thứ nhất: Trong các phương pháp dòng tiền, kết quả thẩm định giá chú trọng "ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp" thay cho "Giá trị thị trường của doanh nghiệp" đây là nội dung mới so với tiêu chuẩn cũ và cũng là phục vụ mục đích mua bán, chuyển nhượng vốn chủ sở hữu, thoái vốn Nhà nước, khi đó kết quả chứng thư thẩm định giá nên nhằm mục đích xác định giá trị vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp là giá trị tài sản ước tính để làm căn cứ mua bán được, còn giá trị doanh nghiệp chỉ phản ánh quy mô doanh nghiệp.
- Thứ hai: Quy định người đứng đầu doanh nghiệp cần thẩm định giá phải hợp tác với doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình thực hiện cuộc thẩm định giá. Đây là quy định hỗ trợ hoạt động thẩm định giá với mục đích thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước chiếm tỷ lệ quá thấp.
- Thứ ba: doanh nghiệp thẩm định giá có thể chủ động sử dụng các công thức không chính thống (không nằm trong tiêu chuẩn này) nhưng phải đảm bảo có thể biện luận để quy được về công thức gốc mà không làm thay đổi bản chất của công thức
- Thứ tư: Tiêu chuẩn mới không có ví dụ minh hoạ, đây là tưu duy mới của bộ phận soạn thảo để tránh việc các đối tượng có liên quan không hiểu hết bản chất của tiêu chuẩn nhưng áp dụng cứng nhắc ví dụ minh hoạ. Sự thay đổi này đòi hỏi người làm thẩm định giá phải nghiên cứu kỹ nguyên lý, lý thuyết khi vận dụng sáng tạo, mở rộng các nội dung của Tiêu chuẩn trong các trường hợp cụ thể.
Thứ 5: Các nội dung thay đổi chủ yếu, cơ bản được nêu như sau:
1. Đối tượng áp dụng:
Trong tiêu chuẩn mới quy định "Khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết cần nghiên cứu để có hiểu biết về các quy định trong tiêu chuẩn này nhằm hợp tác với doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình thẩm định giá." Tiêu chuẩn không bắt buộc Khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba "phải nghiên cứu để có những hiểu biết cần thiết" như trước đây vì đặc điểm chuyên môn của Tiêu chuẩn là chuyên sâu.
2. Khái niệm "Tài sản phi hoạt động" Tiêu chuẩn mới bỏ cụm từ " không góp phần tạo ra doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hoặc không giúp tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cần thẩm định giá" và bỏ câu cuối của khái niệm:"Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng thu nhập của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền." và thêm cụm từ ghi trong ngoặc đơn để giải thích thêm (tài sản chưa khai thác, bằng sáng chế chưa sử dụng, quyền sử dụng đất, quyền thuê đất chưa khai thác theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc dự kiến chuyển nhượng/bán do không có nhu cầu sử dụng...)
3. Báo cáo tài chính sử dụng trong thẩm định giá
Tiêu chuẩn mới bỏ việc liệt kê các loại báo cáo tài chính, thứ tự ưu tiên, thay vào đó là nhận định chủ quan của Thẩm định viên:"thẩm định viên phân tích, đánh giá để sử dụng Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho phù hợp và ưu tiên sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, soát xét bởi đơn vị kiểm toán độc lập".
- Yêu cầu thẩm định viên "đối chiếu, kiểm tra tính hợp lý của báo cáo tài chính" và phải nêu rõ các hạn chế trong kết quả kiểm toán độc lập trong phần lưu ý hạn chế của Chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá theo nguyên tắc kế thừa nguyên trạng thông tin thu thập, ngoài trừ thẩm định viên có bằng chứng, căn cứ để thay đổi, "để khách hàng thẩm định giá và người sử dụng kết quả thẩm định giá được biết".
4. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
Doanh nghiệp thẩm định giá cần lựa chọn (thay cho "có thể sử dụng tất cả") các cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để thẩm định giá doanh nghiệp
- Đối với phương pháp trong cách tiếp cận từ thị trường: chỉ tiêu: "Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS)" thay bằng "thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)" và yêu cầu Thẩm định viên phải điều chỉnh, bỏ cụm từ "Cân nhắc", điều chỉnh để loại trừ thu nhập và chi phí của các tài sản phi hoạt động, các khoản chi phí, thu nhập bất thường, không mang tính thường xuyên.
- Trong cách tiếp cận từ thu nhập: Tiêu chuẩn hướng dẫn cộng giá trị tài sản phi hoạt động "Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp."
5. Phương pháp tỷ số bình quân
Doanh nghiệp so sánh là doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện sau:
- Tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: bỏ cụm từ "khách hàng và thị trường tiêu thụ" thay bằng "rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính"
- Các tỷ số thị trường xem xét để sử dụng trong phương pháp tỷ số bình quân bao gồm: Thêm chỉ số "tỷ số giá trị doanh nghiệp trên doanh thu EV/S"
Thẩm định viên tiến hành đánh giá theo các tiêu chí trên để lựa chọn được ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh này được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá. Tiêu chuẩn mới bỏ nhận định: "Số lượng doanh nghiệp so sánh càng nhiều thì độ tin cậy của các tỷ số thị trường bình quân càng cao."
Tiêu chuẩn mới hướng dẫn chi tiết hơn khi xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
"a) Thẩm định viên tính toán các tỷ số thị trường của doanh nghiệp so sánh, P/E; P/B; P/S; EV/EBITDA. sau đó sử dụng tối thiểu 03 trong số các tỷ số thị trường sau: tỷ số giá trên thu nhập bình quân P/E, tỷ số giá trên doanh thu bình quân P/S, tỷ số giá trên giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu bình quân P/B, tỷ số giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao bình quân EV/EBITDA; tỷ số giá trị doanh nghiệp trên doanh thu thuần EV/S
b) Thẩm định viên lựa chọn tỷ số thị trường sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu, giá trị của doanh nghiệp cần thẩm định giátrên cơ sở xem xét sự phù hợp của các tỷ số thị trường trên cơ sở quy mô, đặc điểm của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, thị trường, tính tương đồng. Thẩm định viên đánh giá, xem xét việc điều chỉnh các tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh trước khi áp dụng vào tính toán giá trị. Trong trường hợp điều chỉnh tỷ số thị trường, các điều chỉnh này được dựa trên số liệu (nếu có), kinh nghiệm và khảo sát thị trường P/S hay các nghiên cứu thị trường.
c) Lưu ý khi xác định các tỷ số thị trường:
- Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) được xác định trên cơ sở thu nhập của 01 năm gần nhất với thời điểm thẩm định giá, cần xem xét điều chỉnh cho tài sản phi hoạt động của các doanh nghiệp so sánh."
Giá cổ phần của doanh nghiệp so sánh được lấy là mức giá đóng cửa trong ngày giao dịch gần nhất của các cổ phần này trên thị trường chứng khoán tại thời điểm thẩm định giá (bổ sung thêm) và các cổ phần này phải có giao dịch trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm thẩm định giá về trước.
Các công thức trong Tiêu chuẩn cũng thay đổi, hướng tới ước tính vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chứ không ước tính giá trị doanh nghiệp như trước đây.
6. Phương pháp giá giao dịch
Phương pháp giá giao dịch ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Doanh nghiệp cần thẩm định giá có ít nhất 03 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường; đồng thời, thời điểm diễn ra giao dịch không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
Tiêu chuẩn bỏ công thức xác định giá trị thị trường của doanh nghiệp và hướng dẫn như sau:
"Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu:
Giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính theo giá bình quân theo khối lượng giao dịch của ít nhất 03 giao dịch thành công của việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần gần nhất trước với thời điểm thẩm định giá.
Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phần để tính giá thị trường vốn chủ sở hữu là giá giao dịch, hoặc giá đóng cửa của cổ phần của doanh nghiệp cần thẩm định giá tại hoặc gần nhất với thời điểm thẩm định giá và phải có giao dịch của cổ phần này trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm thẩm định giá về trước."
7. Phương pháp Tài sản
Tiêu chuẩn này loại trừ trường hợp áp dụng để cổ phần háo doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể: "Việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần bằng phương pháp tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa."
Tiêu chuẩn quy định trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá phải tham gia hỗ trợ trong quá trình thẩm định giá như sau:
"- Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp cần thẩm định giá cần phối hợp tiến hành tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang sở hữu, quản lý, sử dụng (bao gồm cả quyền tài sản) kèm theo tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản để phục vụ cho việc thẩm định giá; đồng thời, hỗ trợ thẩm định viên khảo sát hiện trạng tài sản của doanh nghiệp. Trường hợp thẩm định viên không được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu nêu trên, không được hỗ trợ để khảo sát hiện trạng tài sản thì thẩm định viên đánh giá, xem xét việc đưa ra các giả thiết (nếu cần); đồng thời,đưa hạn chế này vào phần loại trừ và hạn chế của chứng thư và báo cáo cáo kết quả thẩm định giá."
- "Đối với tài sản được hạch toán bằng ngoại tệ: Tỷ giá ngoại tệ áp dụng theo hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam khi lập và trình bày báo cáo tài chính" thay cho việc phải tham khảo tỷ giá của ngân hàng hiện doanh gnhiệp có giao dịch ngoại tệ lớn nhất hay tỷ giá trung tâm
- Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá: Tiêu chuẩn mới bỏ nhiều hướng dẫn cụ thể như trước đây mà đề nghị thực hiện theo các tiêu chuẩn khác có liên quan:"Việc ước tính giá thị trường các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp được thực hiện theo các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập và các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam khác có liên quan." . Tuy nhiên vẫn có lưu ý khi thẩm định giá một số loại tài sản của doanh nghiệp cụ thể:
+ Xác định giá trị tài sản bằng tiền: Về cơ bản giữ nguyên
+ Bỏ hướng dẫn xác định các khoản phải thu phải trả
+ Xác định giá trị khoản đầu tư: Hướng dẫn mới "Trường hợp khoản đầu tư là cổ phần của các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM thì giá trị các khoản đầu tư được xác định theo giá cổ phần là giá đóng cửa của cổ phần của doanh nghiệp cần thẩm định giá tại thời điểm thẩm định giá và phải có giao dịch của cổ phần này trong vòng 30 ngày trước thời điểm thẩm định giá hoặc tại thời điểm thẩm định giá."
+ Xác định giá trị các khoản phải thu, phải trả: hướng dẫn mới "Giá trị các khoản phải thu được xác định theo số dư thực tế trên cơ sở các bằng chứng liên quan được cung cấp, trường hợp không có đủ bằng chứng thì xác định theo số liệu trên sổ kế toán."
+ Xác định giá trị đối với hàng tồn kho: hướng dẫn mới "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang được xác định theo chi phí thực tế phát sinh đang hạch toán trên sổ kế toán. Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là chủ đầu tư dự án có chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong xây dựng cơ bản gắn liền với việc tạo ra các bất động sản hình thành trong tương lai thì cần xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp cần thẩm định giá (nếu có bao gồm trong tài sản hình thành trong tương lai) theo các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường và/ hoặc cách tiếp cận từ chi phí và/ hoặc cách tiếp cận từ thu nhập và/ hoặc theo tiêu chuẩn thẩm định giá bất động sản; đối với các hạng mục xây dựng được xác định theo chí phí thực tế phát sinh đang hạch toán trên sổ kế toán.
Trường hợp hàng tồn kho là hàng hóa, thành phẩm bất động sản thì giá trị các bất động sản này được xác định theo các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập, thẩm định giá bất động sản"
Nhận xét: Với nội dung bổ sung "đối với các hạng mục xây dựng được xác định theo chí phí thực tế phát sinh đang hạch toán trên sổ kế toán" là nội dung hướng dẫn tranh cãi do nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ thực hiện 1 dự án BĐS nhiều năm chưa hoàn thành hoặc công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa đủ hồ sơ quyết toán sẽ không thể hiện được đúng "giá trị thị trường tại thời điểm thẩm định giá" do giá trị nhân công, nguyên vật liệu xây dựng không ổn định (thường chỉ tăng chứ không giảm), đây là tài sản chiếm tỷ trọng giá trị cao trong doanh nghiệp do đó sẽ có tác động không nhỏ tới kết quả thẩm định giá theo phương pháp tài sản.
+ Xác định giá trị tài sản cố định hữu hình: bỏ hướng dẫn "Đối với công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong 03 năm trước thời điểm thẩm định giá thì sử dụng giá trị quyết toán công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa có giá trị quyết toán thì sử dụng giá tạm tính trên sổ sách kế toán, đồng thời phải nêu rõ hạn chế này trong Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá."
+ Xác định giá trị công cụ, dụng cụ đã xuất dùng:
"Giá trị công cụ, dụng cụ được xác định theo giá giao dịch trên thị trường của tài sản so sánh tương đương.Trường hợpkhông thu thập được giá giao dịch trên thị trường của tài sản so sánh, thì giá trị công cụ, dụng cụ được xác định theo giá giao dịch của công cụ dụng cụ mới cùng loại hoặc có tính năng tương đương hoặc theo giá mua ban đầu theo dõi trên sổ kế toán trừ đi giá trị hao mòn tại thời điểm thẩm định giá.
Trường hợp giá trị công cụ, dụng cụ được xác định theo giá trị tại sổ sách kế toán, thẩm định viên phải nêu rõ hạn chế này trong phần hạn chế của Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá."
+ Xác định các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn: "theo sổ sách kế toán."
+ Giá trị tài sản tài chính dưới dạng hợp đồng: "được ưu tiên áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu" bỏ "dòng thu nhập tương lai"
8. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do
- Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá:
"Để ước tính giai đoạn dự báo dòng tiền, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của doanh nghiệp, của lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp. Giai đoạn dự báo dòng tiền tối thiểu là 03 năm" thay vì 5 năm như trước đây
- "Công thức tính dòng tiền tự do hàng năm của doanh nghiệp là công thức sau đây và các công thức khác biến đổi tương đương từ công thức này" câu gạch chân này để doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng các công thức không chính thống (không nằm trong tiêu chuẩn này) nhưng phải có biện luận để quy được về công thức gốc của tiêu chuẩn
FCFF= Lợi nhuận trước lãi vay sau thuế (EBIAT) + Khấu hao - Chi đầu tưvốn - Thay đổi vốn luân chuyển thuần ngoài tiền mặt và tài sản phi hoạt động ngắn hạn(chênh lệch vốn hoạt động thuần)
Tiêu chuẩn hướng dẫn mới khi thẩm định viên tính "Lợi nhuận trước lãi vay sau thuế (EBIAT) là lợi nhuận trước lãi vay sau thuế đã loại trừ các khoản lợi nhuận từ tài sản phi hoạt động.
Thẩm định viên sử dụng mức thuế suất hiệu dụng khi tính toán EBIAT trong giai đoạn đã có báo cáo tài chính, sử dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệphiện hành để tính EBIAT trong giai đoạn dự báo dòng tiền.
thiệu dụng = (Lợi nhuận trước thuế - Lợi nhuận sau thuế) ÷ Lợi nhuận trước thuế"
- Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá
Tiêu chuẩn có hướng dẫn mới: "Thẩm định viên ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giátrong từng khoảng thời gian hoặc cho toàn bộ giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai để làm tỷ suất chiết khấu cho khoảng thời gian tương ứng khi chuyển đổi dòng tiền tự do và giá trị cuối kỳ dự báo (nếu có) về thời điểm thẩm định giá. Việc sử dụng một tỷ suất chiết khấu cho toàn bộ giai đoạn dự báo dòng tiền hoặc sử dụng các tỷ suất chiết khấu khác nhau cho từng giai đoạn dự báo dòng tiền cần được thẩm định viên lập luận và nêu rõ trong báo cáo kết quả thẩm định giá"
- Tổng nguồn vốn để xác định (Fd), (Fe), (Re) trong công thức tính WACC đều có nội dung hướng dẫn mới so với tiêu chuẩn cũ
9. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
- Tiêu chuẩn tập trung vào việc xác định giá trị vốn chủ sở hữu
- Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng cách cộng và với và cần thẩm định giá
Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp |
= |
Giá trị hiện tại thuần của các dòng cổ tức của doanh nghiệp |
+ |
Giá trị hiện tại vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo |
+ |
Giá trị các tài sản phi hoạt động |
+ |
Giá trị tài sản hoạt động chưa được thể hiện trong dòng cổ tức của doanh nghiệp |
Thay thế công thức tính giá trị thị trường của doanh nghiệp
10. Phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu
- Tiêu chuẩn tập trung vào việc xác định giá trị vốn chủ sở hữu, các nội dung sửa tương tự như Phương pháp dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Công thức Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp như sau:
Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp |
= |
Giá trị hiện tại thuần của các dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu |
+ |
Giá trị hiện tại vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo |
+ |
Giá trị các tài sản phi hoạt động |
+ |
Giá trị tài sản hoạt động chưa được thể hiện trong dòng tiền vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp |
- |
Giá trị các khoản nợ phải trả chưa được thể hiện trong dòng tiền vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp |
Thay thế công thức tính giá trị thị trường của doanh nghiệp trong tiêu chuẩn cũ
Trên đây là một số nhận định chủ quan của chúng tôi về sự thay đổi trong tiêu chuẩn thẩm định giá trị doanh nghiệp mới ban hành, rất mong bạn đọc, đồng nghiệp tham gia thảo luận, góp ý trao đổi thêm tại Fangape: https://www.facebook.com/vai.pro.vn/
Tải đầy đủ Tiêu chuẩn: Tại đây
Trân trọng./.
Bản tin VAI